La Mã cổ đại là giai đoạn kéo dài hơn 1 nghìn năm bắt đầu với sự thành lập thành phố Rome trong thế kỷ thứ 8 TCN và kết thúc vào năm 476 khi hoàng đế cuối cùng của Đế chế La Mã ở phương Tây bị lật đổ. Lãnh thổ của Đế Chế ở đỉnh cao của nó (thế kỷ thứ 2 SCN) rất rộng lớn, Đế chế ở phương tây gồm vùng đất của nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Áo, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập và tất cả bờ biển Địa Trung Hải đến eo biển Gibraltar. Trong một khoảng thời gian dài như vậy và một phạm vi rộng lớn như vậy, sáng tạo nghệ thuật vô cùng đa dạng.

Trước khi giới thiệu nghệ thuật hội họa và khảm tranh La Mã (từ thế kỷ thứ 6 TCN đến thế kỷ thứ 5 SCN), cần nhắc lại những giai đoạn chính của thời lịch sử lâu dài này.

Người La Mã là những thợ xây dựng lớn, họ trang trí tường nhà bằng tranh tường. Nền nhà của những căn biệt thự đẹp nhất được phủ bằng tranh khảm. Nghệ thuật vẽ chân dung cũng được các gia đình quyền quý ưa thích.

Đế chế La mã vào năm 150 SCN

Các giai đoạn lớn của La Mã cổ đại

1. Chế độ quân chủ La Mã (thế kỷ 8 – 6TCN)

Từ năm 753 đến 509 TCN, Rome là chế độ quân chủ, ra đời bắt đầu từ sự thành lập thành phố Rome, và kết thúc từ sự sụp đổ của vị vua cuối cùng của Rome, Tarquin Đại đế xứ Etruscan(535-509 TCN).

Nghệ thuật trong thời kỳ này

Những người La Mã đầu tiên là những người lính – nông dân ít nhạy cảm với sáng tạo nghệ thuật. Người Etruscan, từ thế kỷ thứ 7 TCN, đã thực hiện đô thị hóa, kiến trúc (đền thờ) và điêu khắc

Quách hai vợ chồng (khoảng 520-510 TCN)

Đất nung nhiều màu, kích thước 111 × 194 x 69 cm, Bảo tàng Louvre, Paris.

Chiếc quách xứ Etruscan này đến từ thung lũng Banditaccia thuộc Cerveteri (Ý)

2. Cộng hòa La Mã (TK thứ 6 – TK thứ 1 TCN)

Vào năm 509 TCN, sự bạo ngược của Tarquin Đại Đế khiến giới tinh hoa La Mã lật đổ ông. Quyền lực được chuyển từ nhà vua sang Thượng viện, gồm những người quyền quý, nghĩa là chỉ là một thiểu số nhỏ. Bình dân không tham gia vào việc chỉ định các nhà cai trị. Cộng hòa La Mã kéo dài gần 5 thế kỷ. Năm 27 TCN, Octavian (63 TCN – 14 AD), con nuôi của Julius Caesar (100-44 TCN), được Thượng viện phong danh hiệu Auguste cùng tất cả quyền lực. Đế chế bắt đầu từ đó.

Nghệ thuật:

Từ thế kỷ thứ 4 TCN, La Mã bắt đầu mở rộng lãnh thổ. Việc giao tiếp với các nền văn hoá khác có một ảnh hưởng quyết định. Đặc biệt, văn hoá Hy Lạp, đóng một vai trò quan trọng. Hội họa La Mã ra đời tại thời điểm này.

“Ở miền Trung và miền Nam nước Ý, cuối thế kỷ thứ 4 TCN đã phát triển một ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Ý truyền thống (Campani, Etruscan và Lucan) và tiếng Hy Lạp, lan truyền trong các thành phố Naples hay Tarente. Hội họa La Mã ra đời trong bối cảnh này”, (Michel E. Fuchs, Nhìn nhận về tranh cổ đại, Quan điểm, 2 | 2010).

Hội họa trước TK thứ 2 TCN gần như không còn lại gì. Nhưng sự phun trào của núi lửa Vesuve năm 79 đã giữ lại được nhiều tranh tường của thành phố Pompei và Herculaneum, trong đó có những bức từ thế kỷ thứ 2.

Lăng mộ Leopard, vũ công (TK thứ 5 TCN)
Bức bích họa Biệt thự Mysteres, Pompeii (khoảng năm 60 TCN)

3. Đế chế La Mã (TK thứ 1 TCN – TK thứ 5 SCN)

Cho đến TK thứ 3, đế chế La Mã vẫn là một chế độ mạnh và ổn định, đã chinh phục được nhiều vùng lãnh thổ. Các sử gia gọi giai đoạn này là Đế chế hùng mạnh. Nhưng từ TK thứ 3, các cuộc khủng hoảng chính trị liên tục xảy ra (đặc biệt với việc giới quân sự giành quyền lực).

Ngoài ra, chi phí quá mức trong điều hành công việc, đặc biệt là quân đội, dẫn đến suy yếu về kinh tế. Giai đoạn này được gọi là Đế chế Yếu. Năm 330, Hoàng đế Constantine thành lập một thủ đô mới trên bờ Bosphore, đó là Constantinople. Sau đó, Đế chế bị chia thành Đế chế La mã phương Đông và Đế chế La Mã Phương Tây.

Đế chế La Mã phương Tây suy yếu dần dần và chấm dứt vào năm 476, khi hoàng đế cuối cùng, Romulus Auguste (460 đến khoảng 511) bị Odoacre (433-493) bắt sống và phải thoái vị. Trong khi đó, Đế chế La Mã Phương Đông kéo dài đến năm 1453 dưới tên gọi là đế chế Byzantine.

Nghệ thuật: 

Nghệ thuật chiếm ưu thế là kiến trúc (nhà hát, khải hoàn môn, nhà nguyện, cầu máng, nhà tắm công cộng). Khảm có một sự phát triển lớn để trang trí các không gian trong nhà, đặc biệt là sàn nhà. Hội họa cũng phát triển và đã phân biệt được nhiều phong cách.

Sự ra đời của Cơ Đốc giáo đã đưa đến một sự đổi mới chủ đạo của hội họa về chủ đề tôn giáo vào cuối đế chế. Ở phương Đông, hội họa và tranh khảm Byzantine kế thừa nghệ thuật La Mã. Ở phương Tây, sự sụp đổ của đế chế trong TK thứ 5 dẫn đến thời Trung Cổ và sự kiểm soát hoàn toàn của Giáo Hội Công Giáo đối với nghệ thuật.

Chân dung Zenobia, Fayoum (TK thứ 2)
Biệt thự La Olmeda, tranh khảm những người thợ săn (TK thứ 1 đến thế kỷ 4)

Hội họa La Mã

La Mã cổ đại đã để lại cho chúng ta một khối lượng đồ sộ các tác phẩm, đặc biệt là tranh tường, đến từ việc trang trí các biệt thự bị chôn vùi dưới tro tàn của núi lửa Vesuve trong vụ phun trào năm 79 SCN. Nghệ thuật vẽ chân dung được giới quyền quý La Mã ưa thích, nhưng sự mong manh của phông/ nền gỗ khiến chúng không còn tồn tại. Chỉ ở Ai Cập bị người La Mã chiếm đóng, trong khu vực Fayoum, những bức chân dung vẽ bằng xi chôn cùng người chết trong các khu lăng mộ là còn tồn tại.

Từ TK thứ 5 đến TK thứ 3 TCN

Đồ tùy táng của các gia đình quyền quý đã lưu giữ được dấu vết của hội họa cổ xưa; một số có niên đại từ thời Etruscan.

Lăng mộ Leopard, bữa tiệc tiễn đưa (TK thứ 5 TCN). Bích họa, nghĩa địa Monterozzi, gần thành phố Tarquinia của Ý, nơi đây có nhiều lăng mộ người Etruscan. Lăng mộ Leopards (hình ảnh có 2 con báo) có những bức bích họa còn đặc biệt tốt. Bức bích họa này mô tả một bữa tiệc đám ma với đàn ông và đàn bà nằm trên giường tiệc theo nghi thức La Mã.

Lăng mộ Leopard, vũ công (TK thứ 5 TCN). Các vũ công người Etruscan cùng với âm nhạc của một cái sáo kép và một đàn xita (thập lục).

Lăng mộ Fabii. (300-250 TCN) Bích họa, kích thước 87,5 x 45 cm, Bảo tàng Capitolini, Rome. Bức này đến từ nghĩa địa Esquiline, là một trong bảy ngọn đồi của Rome, mô tả một cảnh lịch sử hoặc quân sự khó đoán vì bị xuống cấp. Gia đình Fabii là một trong những gia đình quyền quý lớn của Rôma.

Bốn phong cách tranh tường (bích họa) Pompei (TK thứ 2 TCN đến TK thứ nhất SCN)

Nghịch lý của đợt phun trào núi lửa Vesuve năm 79 lại cho phép bảo tồn những bức tranh tường trang hoàng các tòa nhà bị chôn vùi dưới tro tàn của Pompei, Herculane, Stabie và Oplontis. Nhà sử học về nghệ thuật người Đức August Mau (1840-1909) chuyên nghiên cứu những bức bích họa Pompei.

Ông đề xuất phân loại tranh tường thành bốn phong cách kế tiếp nhau. Hạn chế chính của việc phân loại này là nó chỉ liên quan đến một khu vực địa lý rất hẹp, do đó bỏ qua khối lượng đồ sộ các tác phẩm nghệ thuật ở phần còn lại của đế chế.

♦ Phong cách thứ nhất (khoảng TK thứ 2 TCN đến năm -80)

Đây là một phong cách không hình tượng (non figuratif), nó tìm cách bắt chước các tấm đá hoa cẩm thạch bằng cách sử dụng một lớp vữa phủ để thể hiện các phù điêu.

Biệt thự Arianna ở Stabiae (TK thứ 2 TCN). Bích họa. Phong cách này có nguồn gốc từ Hy Lạp và sử dụng nghệ thuật nhìn như thật (đánh lừa) để mô phỏng những tấm đá hoa cẩm thạch trên các bức tường. Về mặt kỹ thuật là một chất giả đá hoa nhiều màu cho phù điêu.

Nhà Griffons ở Rome (100-80 TCN). Bích họa. Một trong những đặc điểm của phong cách đầu tiên là sự phân chia ba chiều dọc và ngang. Nó xuất hiện rất rõ ở đây. Theo chiều dọc: một ván chân tường rất rộng, một tấm pano giữa chừng và một gờ. Chiều ngang: ba phần ngăn cách bởi các khung giả.

♦ Phong cách thứ hai (khoảng -80 đến -20)

Hình tượng đã xuất hiện và đôi khi là một cảnh thần thoại như bức tại biệt thự Mysteres ở Pompei. Trang trí bằng cây cối được đánh giá cao và bố cục cảnh quan đã xuất hiện, nổi tiếng nhất là bích họa tại biệt thự Livia, bức này đã được tách ra và chuyển đến Bảo tàng Quốc gia La Mã.

Biệt thự Mysteres, Pompeii (khoảng 60 TCN). Bích họa. Biệt thự Mysteres nằm ở ngoại ô thành phố Pompei.Một trong những phòng được trang trí bằng một bức tranh tường lớn vẽ một nghi lễ rửa tội liên quan tới sự thờ cúng của Dionysos. Những cảnh nối tiếp nhau xung quanh phòng, trên một nền màu đỏ. Các nhân vật được vẽ trên sàn tạo thành một dải hẹp màu xanh.Ở phía trên, một dải trang trí viền bức họa.

Biệt thự Mysteres, Pompeii, Chi tiết (khoảng 60 TCN). Bích họa.

Quả đào và ly nước, Herculaneum (khoảng 50 TCN). Bích họa, Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia, Naples. Thoạt nhìn, người ta có thể cho đây là một bức tranh tĩnh vật thời Hậu- Phục hưng. Vẽ ly có nước rất đáng chú ý. Nhưng thể hiện ánh sáng chưa thỏa đáng. Nó rọi đến từ đâu? không thể biết được. Nhưng dù sao tài năng của người họa sĩ khiến tổng thể bức tranh thật sự nổi bật.

Biệt thự Livia, khu vườn (khoảng 30 TCN). Bích họa, Bảo tàng quốc gia Romano, Rome. Livia Drusilla (58 TCN-29 SCN) là vợ của Hoàng đế Auguste (63TCN-14 SCN). Trong một hang lớn bên dưới biệt thự, khắp nơi người ta vẽ khu vườn lý tưởng của thời La Mã cổ đại, với cây cối, chim chóc, các bụi cây, những bông hoa rải rác trên một bức tường không có bất cứ lối nào ra ngoài.

Villa Livia, chi tiết (khoảng 30 TCN). Bích họa, Bảo tàng quốc gia Romano, Rome. Chi tiết một quả lựu.

♦ Phong cách thứ ba (khoảng -20 đến 50)

Tiếp nối phong cách trước đó, nghệ sĩ và các nhà tài trợ đã tìm kiếm sự đơn giản hơn. Quay trở lại với những pano lớn được trang trí với màu sắc sống động theo những mảng nhỏ. Phong cách này phát triển theo hướng phức tạp hơn trong thế kỷ thứ nhất.

Biệt thự Agrippa tại Boscotrecase (khoảng 11 TCN). Bích họa, Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia, Naples. Biệt thự này thuộc về Agrippa Postumus người đã lấy con gái của Hoàng đế Auguste. Lúc đầu, phong cách thứ ba tập trung vào sự đơn giản hóa và sử dụng các dải màu lớn: đen, đỏ, trắng.

Biệt thự Agrippa tại Boscotrecase, chi tiết (khoảng 11 TCN). Bích họa, Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia, Naples. Vẽ phong cảnh hay thần thoại rải rác trên các tấm pano đơn sắc. Đây là những gì còn lại của phong cách thứ hai. Cảnh vẽ gợi lên tính cách bình dị của cuộc sống ở nông thôn. Xung quanh một ngôi đền, người, động vật và thực vật cùng chung sống trong bình yên. Phần lớn thời gin, những người quyền quý La Mã sống trong dinh thự to lớn của họ.

Nhà Marcus Lucretius Fronto ở Pompei (khoảng 50-60 SCN). Bích họa. Phong cách thứ ba phức tạp dần lên dẫn đến một sự quá tải, bị chỉ trích vào thời gian đó.

(Còn tiếp)

Xuân Hà