Quạt cầm tay ban đầu chỉ để che mặt, che nắng, chắn gió, quạt mát, sau những bức tranh và thư pháp tinh tế được trang trí khiến chúng trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Sự kết hợp giữa cấu trúc thanh lịch, tinh tế và nghệ thuật thư pháp dần dần đưa chúng hòa vào làn sóng phát triển hội họa Trung Hoa.

Hội họa trên quạt chủ yếu được thể hiện qua hai loại chính là quạt tròn và quạt gấp. “Vẽ tranh quạt” đã trở thành “mốt” trong thời Đường, Tống và Nguyên. Kể từ thời nhà Minh và nhà Thanh, các văn nhân mặc khách không ai là không tinh thông kỹ thuật này. Cho đến cuối triều đại nhà Thanh, nó đã trở thành một hình thức nghệ thuật độc đáo.

Trong các tác phẩm hội họathư pháp, cho dù đó là trung đường (chỉ bức họa lớn treo giữa nhà), biểu ngữ hay cuộn dài, trục dọc, tranh tờ hay giấy kẻ ô, tất cả đều theo phương hình vuông. Các bức tranh trên quạt chủ yếu được tạo thành từ các cấu trúc hình tròn đặc biệt, hình elip, hình vòm cùng các đường cong khác nhau, vì thế chúng tạo nên một hương vị thẩm mỹ mới, sống động và tao nhã. 

“Hi chi lung nga đồ” – Trần Hồng Thụ (Ảnh: sohu)

Nội hàm văn hóa của từng loại quạt

Chức năng của quạt rất đa dạng, không chỉ có tác dụng thực tế là làm mát mà còn mang nội hàm ý nghĩa văn hóa. Trong các vở kinh kịch, nó trở thành một vật trang trí và đạo cụ quan trọng để chỉ ra danh tính, địa vị và tính cách của nhân vật. Ví như chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng cầm, đã trở thành một tượng trưng cho nhân phẩm, trí thông minh.

Những chiếc quạt xếp cầm tay tượng trưng cho những tiểu sinh nho nhã phong lưu. Chiếc quạt tròn lại là hiện thân của vị tiểu thư hoạt bát nhanh nhẹn xinh đẹp. Bà mai bà mối thì luôn cầm trong tay chiếc quạt lá, nhấn mạnh hình tượng đặc thù cho “tam cô lục bà” (chỉ những người phụ nữ làm nghề bất chính, lừa đảo. Trong đó có đạo cô, cô đồng, bà mối, bà lang, mẹ mìn, chủ nhà chứa v.v. )

Gia Cát Lượng (Ảnh: js.qinxue100)

Những ghi chép đầu tiên về hội họa trên quạt

Những bài thơ, tranh vẽ trên quạt thường dùng để làm quà tặng cho thân hữu, bắt đầu sớm nhất vào thời Tam Quốc Ngụy Tấn. Những ghi chép sớm nhất về việc vẽ tranh trên quạt đầu tiên phải kể đến Bộ Dương Tu vẽ quạt cho Tào Tháo. Câu chuyện được ghi lại trong “Lịch đại danh họa ký”, Bộ Dương Tu chẳng may nhỏ một giọt mực vào quạt của Tào Tháo, liền thuận thế vẽ thành một con ruồi. Đại thư pháp gia Vương Hy chi rất sớm cũng đã sử dụng thư pháp của mình đề tự lên quạt.

Trong “Thái bình quảng ký” có ghi lại, Vương Hiến Chi là một người giỏi hội họa, một lần ông vẽ quạt cho tướng quân Hoàn Ôn, vì trong lúc sơ ý vẽ sai, ông liền tiện tay vẽ thành bức tranh quạ và trâu, sau đó đề bài thơ “Bác ngưu phú” lên trên cây quạt, thư họa một thể, hết sức tuyệt diệu.

Quạt tròn thời Tống

Hội họa trên quạt thời Tống chủ yếu để chỉ những bức tranh trên quạt tròn. Những bức họa trên quạt nổi tiếng gồm có: “Tỳ bà sơn điểu đồ” của Tống Huy Tông, “Thu liễu song nha đồ” của Lương Giai, “Tùng khê phiếm nguyệt đồ” của Hạ Khuê, “Mai trúc hàn cầm đồ” của Lâm Xuân, “Nguyệt sắc thu thanh đồ” của Mã Hòa, “Dạ nguyệt khán triều đồ” của Lý Tung v.v. Thời kỳ này phần lớn là những tác phẩm từ cung đình dần dần lưu truyền tới nhân gian, đề tài chủ yếu là hoa điểu, sơn thủy, tranh nhân vật v.v.

“Tỳ bà sơn điểu đồ” của Tống Huy Tông (Ảnh: sohu)

Khung quạt tròn tương đối nhỏ, phương pháp vẽ phải vô cùng tinh tế. Trong bức “Phong diêm triển cuộn” của Triệu Bá Túc, miêu tả cuộc sống của một đại phu ưu nhãn thanh nhàn, trong tranh còn có hình ảnh lão nha hoàn bưng trà, bên cạnh có đề tự của hoàng đế Càn Long sau này.

“Phong diêm triển cuốn” – Triệu Bá Túc, Nam Tống (Ảnh: epochtimes)

Quạt tròn phổ biến từ thời Tây Hán, đến thời nhà Tống đã có lịch sử trong hơn một nghìn năm. Sau thời nhà Tống, quạt tròn và quạt xếp cùng nổi danh, luôn được sự yêu thích từ văn nhân nhã sĩ và phi tần sĩ nữ. Quạt gồm có bốn bộ phận: mặt quạt, khung quạt, tay cầm và dây tua (phần tranh trí phía dưới cùng tay cầm). Mặt quạt thường được dệt bằng lụa, ngoài ra còn được dệt bằng sợi vàng hoặc bạc. Chất liệu của khung quạt cũng rất được chú trọng, thường dùng ngà voi, ngọc bích hoặc trúc tạo thành. Khung quạt và tay cầm sẽ cùng làm từ một chất liệu để mang lại sự tương đồng.

“Ban Cơ đoàn phiến” – Đường Bá Hổ, thời Minh (Ảnh: epochtimes)

Nghệ thuật quạt gấp

Quạt gấp hay quạt xếp là loại quạt có các nếp gấp, khi dùng xòe ra, khi không dùng có thể thu nhỏ lại. Mặt quạt xếp thường là giấy, có thể đeo bên người, rất dễ dàng sử dụng và mang theo người, bất kỳ lúc nào cũng có thể lấy ra sử dụng và thưởng thức. Vì thế nó có một tên gọi khác là “hoài tụ nhã vật”.

Các nhà văn và nghệ sĩ Trung Quốc cổ đại thích vẽ và viết trên bề mặt quạt, có thể dùng để làm đẹp, trang trí hoặc bày tỏ tình cảm. Họ có thể thể hiện tài năng của mình trên quạt, bày tỏ tình cảm khi làm quà tặng như một bức tranh trên quạt. Đây chính là nghệ thuật cuộc sống của văn sĩ nho nhã cổ đại. Các họa gia nổi tiếng như Phạm Khoan, Tô Đông Pha thời Tống Cừu Anh, Đường Bá Hổ thời Minh; Ngô Xương Thạc, Thạch Đào thời Thanh cũng từng vẽ tranh trên quạt.

Hội họa trên quạt của Lưu Hải Túc (Ảnh: blog.sina)
(Ảnh: epochtimes)

Quạt gấp có bốn cạnh, thường bao gồm hai đường thẳng hai bên cùng hai cung trên và dưới. Trước khi vẽ tranh trên quạt gấp cần phải cân nhắc bề mặt của quạt để dàn cảnh cho hợp lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, cảnh trí sẽ được uốn cong theo vòng cung của quạt. Thông thường sau khi bức tranh hoàn thành, nên đề một bài thơ hoặc tên tác giả, hay có khi là một con dấu. Đề chữ phân thành hai loại, một là viết theo đường chéo của nếp gấp, hai hai viết theo vòng cung của quạt.

Những bức tranh quạt Trung Hoa đã dần phát triển thành một tác phẩm nghệ thuật được yêu thích. Cảnh đẹp ý vui, mang lại cho người nhìn cảm thụ về cái đẹp. Đây là một hàng thủ công mang giá trí thưởng thức thâm mỹ cao, có thể ứng dụng và dung hợp vào cuộc sống thường ngày. Mùa hè nóng bức, chậm rãi thưởng thức vẻ đẹp của chiếc quạt và uẩn ý nội hàm, cùng tĩnh tâm nghe tiếng ve kêu, chầm châm quạt chút gió mang hương hoa cỏ….

Hội họa trên quạt của Văn Trưng Minh, nhà Minh (Ảnh: epochtimes)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch