Có bài hát nào mà người ta cứ hát đi hát lại và nghe đi nghe lại mãi mà không biết chán? Đơn thuần là vì bản nhạc hay, giai điệu đẹp, nội dung hấp dẫn hay là vì một điều gì khác?. ‘Niệm khúc cuối’ của Ngô Thụy Miên là một ca khúc như vậy. Câu chuyện tình cảm trong bài hát này có đôi chút bí ẩn, nội dung rất lạ, kích thích khám phá. Đáp án tìm được khá thú vị.

Tình thật hay chỉ là tình trong mơ?

Bài hát được  trình bày dưới dạng thức của một lời thì thầm, thủ thỉ, lời tự sự với chính mình. Ngay câu đầu tiên của bài hát đã gây ra một sự tò mò, vương vấn:

Dù cho mưa, tôi xin đưa em tới cuối cuộc đời

Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây

(Ảnh:vietfuntravel.com.vn)

Một cơn mưa có là gì đâu mà chàng trai kia lại phải quan trọng hóa như vậy? Mà kể cả là một cơn bão đi chăng nữa, vài ngày rồi sẽ tan, đâu có gì đáng nói so với một tình yêu có đủ sức để “đưa em tới cuối cuộc đời”.. Băn khoăn mãi rồi ta cũng nhận ra rằng, mưa này đâu phải là mưa thật, mây này đâu phải là mây thật, và bão tố kéo qua cũng chỉ là những rào cản hữu hình và vô hình làm cho hai người không đến được với nhau.

Có thể nói là chàng ta có một tình yêu đơn phương, tìm mọi cách để quyến rũ người trong mộng và tự ru tình mình. Cũng có thể gọi là chàng đang yêu một mình và chung thủy một mình:

“Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy

Dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em

Một lời khẳng định: “dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em”; đó giống như một ước nguyện hơn là một chuyện tình đã diễn ra trong thực tế. Chữ ‘dù sao” này mới nghe rất nhẹ, nhưng sức nặng của nó là ở chỗ chàng trai này biết rõ là sẽ không bao giờ đến được với nàng, nên chỉ còn biết ôm giữ mãi mối tình trong tâm tưởng. Lúc đó chàng cũng biết rằng sẽ chẳng bao giờ yêu được người con gái nào khác nữa; trái tim chàng đã bị hình bóng của nàng chiếm trọn mất rồi.

Có những thủ pháp về ngôn ngữ trong lời bài hát. Chàng trai không thể gọi tên người mình yêu, nên đã gọi: Tình ơi! Không thể xưng hô anh em gần gũi như những đôi uyên ương khác nên mới xưng tôi. Cách xưng hô tinh tế trong tiếng Việt đã được nhạc sĩ vận dụng để nói lên thực chất của mối quan hệ tình cảm này; tưởng như gần gũi nhưng thực tế lại rất xa vời. Chàng trai biết chắc chắn rằng tương lai của cô gái sẽ không thuộc về mình; sự vô tình đến tàn nhẫn của nàng cũng chỉ có mình chàng được biết :

“Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời

Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim tôi

Dù có ước ngàn lời, có trách một thời, cũng đã muộn rồi

(Ảnh:TinyBook)

Đến đây ta đã hiểu vì sao đây lại là “niệm khúc cuối”; vì biết rằng tình yêu này sẽ mãi mãi không thành, có một hàng rào vô hình nào đó đã ngăn cản hai người đến với nhau. Có thể là rào cản về mặt tuổi tác chẳng hạn. Cô gái kia thậm chí còn không biết đến mối tình thầm kín của anh. Đối với cô, anh có thể hoàn toàn là một người xa lạ; nên anh mới nói:

Tóc rối bạc màu, vết dấu tình sầu

Nhìn em giây phút, muốn nói yêu em

Thủ pháp nghệ thuật độc đáo

Dù trong lời hát có thuật lại những hành động yêu đương rất cụ thể như “tựa vai”, “cầm tay”, “tìm môi”, “ôm vào lòng” nhưng hóa ra đó đều là ảo ảnh, là tưởng tượng ra, vì vậy người trai mới phải: “xin cho một lần, cho đêm mặn nồng”;

Chàng trai vật lộn với bản thân, tìm mọi cách để có được tình yêu:

“Xin cho tôi, tôi như cơn ngủ, ru em đưa em một lần

Ru em vào mộng, đưa em vào đời, một thời yêu đương

Giống như tâm trạng của một người trai từng trải trước một thiếu nữ chưa vướng bụi tình, nhưng thất bại trong ý định chinh phục nàng, nên mới phải:

Cho nhau giã nát giã nát tim đau”.

Trái tim đau đó rõ ràng không phải là một trái tim đang được yêu mà là một trái tim hoàn toàn cô đơn, đang mong mỏi có tình yêu thực sự. Tình yêu bên ngoài giữa hai người càng chẳng có gì, nên khiến bên trong chàng trai càng yêu sôi sục, bạo dạn đến mức không ngờ: “em như gối mỏng… ôm em vào lòng…”; đó thực ra toàn là ảo ảnh do tình yêu thổi bùng lên trong tâm trí người đang yêu. Đưa trí tưởng tượng tới mức độ này vào bài hát thì chưa từng gặp trong các bản tình ca khác, kể cả của chính nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.

(Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam)

Thôi thì, dù sao tác giả cũng đã vận dụng thành công một thủ pháp nghệ thuật độc đáo để chinh phục thính giả. Và đối với một ca khúc, thì từng đó cũng là quá đủ để cho bài hát này được nâng niu trân trọng.

Mới đây, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, trong một bức thư gửi nhạc sĩ thế hệ sau là Nguyễn Quang, đã chia sẻ:

“Niệm khúc cuối” là ca khúc trong sáng lãng mạn viết từ năm 1971, có thể nói bài hát này đã được thu thanh, thu hình nhiều nhất trong các tác phẩm của chú. “Tình ơi! Dù sao đi nữa, xin vẫn yêu em”. Đó là điều duy nhất chú muốn nói về tình yêu. Hãy cho, hãy chấp nhận và hãy tha thứ để tình yêu vĩnh viễn mãi là niềm tin và hy vọng của chúng ta”.

“Niệm khúc cuối” là tên bài hát, nhưng ta có thể chắc chắn một điều rằng, đó không phải là lựa chọn cuối cùng của người hát cũng như người nghe, bởi vì trong đó vẫn còn có những điều bí ẩn cần khám phá.

Hãy cùng cảm nhận ca khúc “Niệm khúc cuối” qua những giọng hát tiêu biểu:

Niệm khúc cuối do ca sĩ Sỹ Phú trình bày:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Niệm khúc cuối do ca sĩ Quang Dũng trình bày:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Niệm khúc cuối do ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Hoài Ân