Lắng nghe Phân cốt nhục để hiểu nỗi lòng của phận má đào bị gả chồng xa. Giả Thám Xuân là một trong những tiểu thư nhà họ Giả, nàng là cô gái xinh đẹp, thông thạo văn thơ, tâm tình sâu sắc. Nhưng ở nàng luôn là nỗi buồn tủi phận với mặc cảm làm con vợ lẽ. Phân cốt nhục là bản nhạc có lời thơ mà Tào Tuyết Cần viết riêng cho cuộc đời của nàng tiểu thư khuê các khi ôm theo nỗi sầu biệt ly khi từ biệt gia đình đi lấy chồng xa.

Nếu như cuộc đời của Giả Thám Xuân là nỗi buồn tủi, thì bản nhạc Phân cốt nhục dùng tiếng đàn mà thay lời tự sự của nàng Thám Xuân xinh đẹp.

Phân cốt nhục được tấu lên trong trường đoạn Thám Xuân mặc áo tân nương, cúi lạy cha mẹ, lên thuyền đi xa, lòng đầy ai oán biết rằng đây sẽ là lần ra đi không có sự trở về trong cuộc đời nàng.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Nỗi lòng của phận má đào lấy chồng xa được truyền tải qua âm thanh lại càng thêm da diết sầu thương

Nhạc khúc là hát về tâm trạng và cuộc đời của Giả Thám Xuân. Cốt nhục chỉ tới cha mẹ, anh chị em. Phân cốt nhục nghĩa là lời biệt ly với người thân như thể từ nay vĩnh viễn chia lìa khi nàng chịu cảnh bị gả chồng xa.

Cuộc hôn nhân của Thám Xuân nhằm để cứu vãn đại gia đình đang có khuynh hướng suy tàn. Liệu có thực sự vớt vát được khi dậu đã đổ?

Tâm trạng của Thám Xuân khi mặc áo tân nương mà cúi lạy mẹ cha để từ biệt. Nước mắt chảy dài như muốn xóa nhòa đi son phấn. Ngày này đi như chẳng có ngày được trở về. Nỗi buồn thảm như gửi vào từng nốt nhạc.

Cảnh lấy chồng xa chiều chiều ra ngóng về quê nhà, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ bầy em nhỏ. Chỉ dám khẽ nâng vạt áo mà lau lệ chan chứa bờ mi.

(Ảnh: Bilibili.com)

Phận lấy chồng xa thủa xưa muôn phần đắng cay buồn tủi. Trong cô đơn vò võ mà nhớ nhà. Có những lúc cảnh làm dâu đầy ngang trái, muốn chạy về ôm mẹ được khóc nỉ non. Hay những khi niềm vui kia bất chợt, muốn cùng mẹ cha được nói được cười. Nhớ cảnh ở nhà tung tăng cùng bầy em nhỏ, tự do thoải mái nói cười.

Ngày cha mẹ ốm con có thể về chăm sóc. Nhưng phận chồng xa của cái thời xưa ấy, con gái lấy chồng bái biệt ra đi như thể lời biệt ly vĩnh viễn.

Từng giọt lệ của Thám Xuân cùng với bước chân bước đi ngập ngừng bịn rịn, khiến cho người xem như xót xa. Bản nhạc nghe đi nghe lại mà vẫn làm người ta rơi lệ.

Nhất phàm phong vũ lộ tam thiên,
Bả cốt nhục gia viên, tề lai phao thiểm.
Khủng khốc tổn tàn niên.
Cáo đa nương, hưu bả nhi huyền niệm;

Tự cổ cùng thông giai hữu định,
Ly hợp khởi vô duyên?
Tòng kim phân lưỡng địa,
Các tự bảo bình an.
Nô khứ dã, mạc khiên liên.

Dịch thơ:

Đường xa mưa gió một chèo
Cửa nhà, ruột thịt thôi đều bỏ qua
Con đành lỗi với mẹ cha
Khóc thương chỉ thiệt thân già đấy thôi

Cùng thông số đã định rồi
Hợp tan âu cũng duyên trời chi đây
Phân chia hai ngả từ nay
Dám mong giữ được ngày ngày bình yên
Con đi xin chớ lo phiền

( Bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng)

Phân cốt nhục qua tiếng cổ cầm là lời bộc bạch sâu thẳm nhất khiến người nghe xót xa.

(Ảnh: Pinterest.com)

Từng nốt nhạc trên tiếng cổ cầm mang theo hơi thở buồn bã, bi thương. Tiếng đàn như ai oán, như tiếng khóc than của một tiểu thư với thân phận tưởng chừng như cao quý nhưng lại trong mặc cảm tủi thân.

Cổ Cầm vẫn là nhạc cụ mà ở đó, âm thanh nó cất lên là sự lột tả chân thành nhất của mỗi cung bậc cảm xúc. Âm điệu lấy cung Vũ làm chủ, âm thanh toát ra vẻ êm đềm như một giọng nước lững lờ trôi như thể nỗi u sầu kia cứ chầm chậm mà khắc sâu hơn.

Ta như nghe được từng giọt lệ và lời than của Thám Xuân nhỏ giọt, nhỏ giọt. Có những lúc âm thanh chợt dội lên như thể nỗi lòng của nàng tiểu thư đang cố nén tận sâu nỗi buồn của mình. Nàng như đang cố tạo cho mình một vẻ ngoài cứng rắn để cố giấu đi nỗi đau khổ trong lòng. Thám Xuân không muốn mẹ cha vì mình mà lại thêm lo lắng, buồn khổ vì nàng. Nên bước chân đi mà ngoảnh đầu nhìn lại nghẹn ngào không thể thốt lên lời.

Lắng nghe Phân Cốt Nhục qua tiếng cổ cầm cùng với tiếng đệm của tiêu, người nghe như cảm nhận được sâu sắc nhất tâm trạng của Thám Xuân từ đó mà thương cho nàng. Phận má đào chịu cảnh lấy chồng xa với bộn bề nghĩ suy đang ngổn ngang trong đầu.

Ta thêm thương cho thân phận của những người phụ nữ thời xa xưa ấy. Khi mà họ chẳng được tự định đoạt hôn nhân của mình. Có khi lại là một công cụ cho mục đích chính trị hay để gia tăng cũng như củng cố sự bề thế của gia đình. Tâm tư của họ thời đó là sự chịu đựng và buồn khổ cơ cực trăm bề. Nỗi đắng cay của Thám Xuân chính là tâm trạng của vô vàn những người phụ nữ thời đó.

(Ảnh: Youtube)

Bước chân lên kiệu hoa mà nghẹn lòng không thể nói lời từ biệt. Lên thuyền hoa rồi sẽ lênh đênh trên dòng đời mà từ nay xin biệt ly cốt nhục.

Hình ảnh người mẹ muốn chạy tới ôm con mà khóc hay để nói lời từ biệt dặn dò con gái nhưng lại bị bàn tay của Vương Hy Phượng giật lại. Đây là hình ảnh tượng trưng cho sự hà khắc mà quyền lực và thể chế kia đặt lên vai người phụ nữ. Ánh mắt và hành động e dè của người mẹ cũng như nỗi lòng mà bà đang cố giấu kín. Hai mẹ con giọt lệ ngắn đuổi giọt lệ dài. Từng bước chân của Thám Xuân như chính là vết dao cắt nhỏ tâm can người mẹ.

Sự khắc nghiệt của xã hội ấy đặt lên vai người phụ nữ nhỏ bé tưởng chừng có thể đủ để giết họ nhưng nó lại thứ có thể tôi luyện lên hình ảnh của một người phụ nữ truyền thống với sức sống mãnh liệt, đức hi sinh và nhẫn nhịn cực cao. Khi ở trong hoàn cảnh tối khổ, thì người phụ nữ kia như mạnh mẽ, cứng rắn như thép. Vẫn ý chí và nghị lực để sống dẫu có cơ cực bần hàn tới thế nào. Phải chăng đó mới là sự mạnh mẽ thực sự của người phụ nữ.

Tịnh Tâm