‘Phượng cầu hoàng’ là một nhạc khúc nổi tiếng thời nhà Hán. Tiếng đàn cùng ca từ làm nghiêng ngả trái tim mỹ nhân Trác Văn Quân. Lời ca tiếng nhạc cầu hôn này đã làm lên điển tích nổi tiếng kim cổ gọi là Cầm thiểu Văn Quân.

Tư Mã Tương Như biểu tự Trường Khanh, là một thi nhân văn sĩ rất đa tài, văn hay, đàn giỏi đời Tây Hán.

Tương Như làm chức quan nhỏ, nhưng vốn là người lãng tử phong lưu, rất mực hào hoa nên làm quan được ít lâu thì cáo quan để chu du thiên hạ.

Ông qua chơi nước Lương, rồi trở về nước Thục. Đến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu.

Trong khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như vốn sẵn quen với Vương Cát là quan lệnh ở huyện, nên đến chơi. Cát lại mời Tương Như cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn, là một viên ngoại trong huyện. Nghe danh Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu đánh cho một bài.

Trác viên ngoại có ý muốn Tương Như đàn một bản nhạc vì nghe danh Tương Như đàn rất hay. (Ảnh: Pinterest.com)

Tiếng đàn chinh phục trái tim yêu của người đẹp

Họ Trác vốn có một người con gái rất đẹp tên Văn Quân, còn nhỏ tuổi mà sớm góa chồng, lại thích nghe đàn. Tương Như được biết, định ghẹo nàng, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc “Phượng cầu hoàng (Chim phượng trống tìm chim phượng mái):

Chim phượng, chim phượng về cố hương,
Ngao du bốn bể tìm chim hoàng
Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng.
Hôm nay bước đến chốn thênh thang.

Có cô gái đẹp ở đài trang,
Nhà gần người xa não tâm tràng.
Ước gì giao kết đôi uyên ương,
Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.

Nguyên văn:

Phượng hề, phượng hề quy cố hương,
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,
Thời vị ngộ hề vô sở tương,
Hà ngộ kim tịch đăng tư đường.

Hữu diệm thục nữ tại khuê phường,
Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường.
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
Tương hiệt cương hề cộng cao tường

Bằng tài năng của mình, Tương Như tức khẩu thành nhạc, nhạc khúc mà ông chơi mang âm hưởng da diết, như lời cầu hôn tha thiết gửi tới Trác Văn Quân.

Tiếng đàn của Tương Như làm Văn Quân say mê mà ngay trong đêm đó nàng bỏ trốn cùng Tương Như, hưởng cuộc sống đạm bạc mà giàu chất thi ca.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tài năng của Tương Như được bộc lộ qua từng cung bậc của nhạc khúc

Tư Mã Tương Như nổi tiếng với những ngón đàn kĩ xảo trên cổ cầm.

Cổ cầm là một nhạc cụ với âm thanh kén chọn người nghe và để chơi được cổ cầm, đòi hỏi người chơi đáp ứng những tiêu chí rất cao. Với một bậc thầy nổi danh với ngón đàn điêu luyện như Tương Như, có lẽ không quá khó để dùng đàn mà bày tỏ cảm xúc tâm tư của mình.

Từng nốt nhạc thâm trầm như bày tỏ lời cảm thông với số phận của Trác Văn Quân. Rồi ông lại ngân nga nhỏ giọt từng nốt như để nói với người đẹp rằng, ngao du thiên hạ thật tự do tự tại. Cuộc sống ngoài kia tươi đẹp biết bao mà ta chẳng nhìn thấy nếu cứ giam mình ở bốn bức tường thành.

Nhà Trác viên ngoại có cô con gái xinh đẹp tuổi còn nhỏ mà đã góa chồng. (Ảnh: pinterest.com)

Tương Như cất lên tiếng lòng với mong muốn kiếm tìm được một tri âm tri kỉ, có thể hiểu được tiếng đàn mà ông chơi, có thể hòa cùng hồn thi ca của ông. Chặng đường tìm kiếm trời nam bể bắc mà chẳng thấy một ai, tâm tư buồn vời vợi. Nhưng nay gặp được nàng rồi xin cùng ta vui hưởng năm tháng sống trên đời, cùng thi ca tấu nhạc cho thỏa nỗi lòng để rồi phiêu du chốn đất trời mênh mông.

Tiếng đàn với kĩ nghệ điều tiết âm từ các dây tạo lên tiếng lòng nỉ non mà có lẽ chỉ có mình Văn Quân mới hiểu. Có lẽ đó là lí do mà khi Văn Quân nghe tiếng đàn mà hiểu nỗi lòng của Tương Như, dám bỏ trốn, vượt qua rào cản và những định kiến mà đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Tri kỉ khó tìm, mà nay chỉ với tiếng đàn mà nàng Văn Quân xinh đẹp hiểu thấu tâm tình của mình, điều đó đã nói lên được rằng tài năng thưởng nhạc và cảm nhạc của Trác Văn Quân cũng chẳng hề kém cạnh so với Tư Mã Tương Như.

Rất nhiều giai thoại về bản nhạc Phượng cầu hoàng. Đây được coi là lời cầu hôn bằng âm nhạc tuyệt vời nhất thời đó. Nhạc khúc không chỉ là một tác phẩm âm nhạc đơn thuần, mà nó còn phô diễn tài năng chơi cổ cầm của Tư Mã Tương Như.

Ngày nay có rất nhiều nghệ sĩ thực hiện lại bản nhạc. Nhưng cái hồn của Phượng cầu hoàng đã có phần thay đổi.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời cho bài Phượng cầu hoàng như sau:

Văn Quân nghe tiếng đàn mà hiểu nỗi lòng của Tương Như, dám bỏ chốn, vượt qua rào cản định kiến mà đi theo tiếng gọi của tình yêu. (Ảnh: Pinterest.com)

Nhạc là nỗi lòng Tư Mã xưa
Dạo đàn cho người trong giấc mơ
Phượng hề Phượng hề bao tháng năm
Tìm Hoàng tìm Hoàng nơi bốn phương

Chim bay biển Bắc
Đi tìm biển Đông
Chim bay biển Tây
Đi tìm biển Nam

Bao giờ, bao giờ ta thấy nhau
Bao giờ, bao giờ ta thấy nhau
Văn Quân nàng ơi
Văn Quân nàng ơi

Tuy trong gang tấc
mà như nghìn trùng
Cho ta gặp gỡ
xây tổ uyên ương

Phượng hề Phượng hề quy cố hương
Phượng hề Phượng hề quy cố hương…

Có thể thấy rằng, điển tích Phượng cầu hoàng – nhạc khúc cầu hôn của Tư Mã Tương Như là một nhạc khúc tuyệt sắc đã gợi cảm hứng cho rất nhiều sáng tác nghệ thuật về câu chuyện cầu hôn bằng nhạc thời cổ xưa. Bản nhạc mỹ lệ cũng thể hiện tài năng nghệ thuật của đôi trai gái được mệnh danh trời sinh một cặp.

Tịnh Tâm