Ai cũng biết đặc trưng của mùa thu là những chiếc lá vàng, ai cũng biết đời người là hữu hạn, nhưng có mấy khi người ta liên hệ hai thứ này với nhau. Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tới một ngày, khi đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, ông bỗng nhận ra đời người cũng chỉ như một chiếc lá, có lúc thắm thì cũng sẽ tới lúc phai tàn; tới một mùa thu chiếc lá cuộc đời cũng sẽ tàn phai, khi ánh nắng mặt trời lụi tắt trong đôi mắt ta thì ánh sáng nào sẽ chiếu tiếp trên lối đi của sinh mệnh cũng là nỗi băn khoăn của mọi kiếp người.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Trịnh Công Sơn sáng tác cho tất cả mọi người nghe, nhưng không phải sáng tác cho tất cả mọi người hát, cho nên mới có một Khánh Ly và sau đó là một Tuấn Ngọc, rồi sau này tới Hồng Nhung, Bằng KIều. Nói cách khác, bài hát của Trịnh Công Sơn rất kén người hát, số người hát ca khúc Trịnh Công Sơn thành công có thể đếm trên đầu ngón tay.

Đối với người nghe thì ngược lại, ca khúc Trịnh Công Sơn không kén người nghe nên số lượng thính giả yêu thích ca khúc của ông rất đông đảo, số người hát amateur các ca khúc của ông cũng rất đông đảo, có khi còn lập thành những nhóm hay câu lạc bộ nhạc Trịnh ở khắp nơi.

“Chiếc lá thu phai”, ca sĩ Tuấn Ngọc thể hiện:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

“Chiếc lá thu phai”, ca sĩ Bằng Kiều thể hiện:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Ai hát Trịnh Công Sơn đều muốn cảm kích ông, hát cho khán giả; hát cho tự mình nghe, và hát cả cho ông nghe nữa. Sinh thời, Trịnh Công Sơn chắc cũng biết điều này. Nhưng ông dường như là một nhạc sĩ rất kín tiếng với công chúng; ông đã bỏ hết nỗi niềm của ông vào các nhạc phẩm rồi. Từng khúc hát lời ca, Trịnh Công Sơn gửi gắm vào đó các triết lý nhân sinh và sự cảm nhận riêng tư của cá nhân mình.

Trong “Chiếc lá thu phai”, ông đã biết rằng yêu là khổ, nhưng vẫn cứ yêu; biết rằng chỉ có ngốc nghếch mới lao vào tình yêu, nhưng vẫn cứ lao vào; biết rằng người sẽ không ở lại với ta, nhưng vẫn cứ cố gắng níu kéo và sau đó tự dằn vặt bản thân mình:

Người đâu mất người
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây

Sự trẻ trung của cuộc đời không thể kéo dài mãi mãi. Dù tâm hồn có tươi trẻ thế nào, dù có buồn hay vui trong những ngày đã qua, thì tới một ngày kia, ta cũng sẽ phát hiện ra rằng mình đã sang tới dốc bên kia của cuộc đời và không thể quay lại được nữa, ta bỗng “giật mình ôi chiếc lá thu phai”.

Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay

Ta chợt nhận ra thời gian còn lại cho ta không còn là bao nhiêu. Nên ta vội vội vàng vàng, gói ghém lại những gì đã có, tận hưởng những gì ta đang có, và chờ đợi những điều chắc chắn sẽ xảy ra nhưng không biết bao giờ mới xảy ra. Cuộc chờ đợi này thật chẳng có gì vui vẻ nhưng đó là quy luật, không ai có thể tránh khỏi

Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay

Về bên núi đợi, ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay (Nguồn ảnh: chajiu.com)

Khi đã đến lúc ta buông bỏ được tất cả mọi điều ràng buộc trong cuộc sống thì ta phát hiện xung quanh mình còn có những niềm vui khác và những nỗi đau sinh ly tử biệt khác:

Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
Điệu kèn ai buốt trong tôi

Cho dù ta phải từ bỏ tất cả những điều quen thuộc mà ra đi nhưng ta biết rằng đó chưa phải là hoàn toàn kết thúc. Mối quan hệ nhân duyên sẽ mang ta trở lại với thế giới này, để ta một lần nữa lại được sống ngập trong những buồn vui của tình đời, tình người:

Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui

Một hôm nhớ lại, hẹn ngày sau sẽ mua vui (Nguồn ảnh: Pinterest)

Theo nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng, “Chiếc Lá Thu Phai” của Trịnh Công Sơn có mang theo Thiền tính, ông phân tích:

“Chiếc lá thu phai” là một trong những sáng tác Trịnh Công Sơn viết vào giai đoạn nửa sau của cuộc đời, khi dâu bể, thăng trầm đã đi qua để lại trải nghiệm sâu sắc về con người, tình yêu và số phận… Nửa trước với niềm đam mê, tột cùng cháy bỏng cùng khổ đau về số phận đời mình đã lưu lại trên tác phẩm, còn nửa của những chiêm nghiệm, từng trải để lại phía sau trên tư tưởng thẩm mỹ, xét con người với tư cách của một hiện hữu tại thế…

Đến “Chiếc lá thu phai”, chủ nghĩa lãng mạn với niềm đam mê cháy bỏng một thời không còn phát tác trong bối cảnh của một tâm cảnh đã khác. Bóng tà của tuổi đời và bóng người của tuổi trời đã hằn vết, in bóng xuống đời tác phẩm. “Chiếc lá thu phai” bỗng từ sự giục giã tự thân trở về cội nguồn, lay động những cảm thức trần thế, tự nhiên trong cuộc đời mỗi người vốn thế.

Về đây đứng ngồi
Đường xa quá ngại
Để lòng theo chút nắng bên ngoài
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai

Về đây đứng ngồi, đường xa quá ngại, để lòng theo chút nắng bên ngoài… (Nguồn ảnh: Dailymotion.com)

“Chiếc lá” ấy chẳng khác nào “Công án” Thiền làm tác giả “hoát nhiên đại ngộ”, buông trôi một cách tuyệt vời cho khoảnh khắc đất trời và tạo vật hòa quyện vào nhau.”

Dù sao đi nữa, người nghe nhạc Trịnh cũng không bắt buộc mình phải hiểu tường tận hết những điều ông muốn nói qua bài hát; riêng việc được đắm mình trong nhạc phẩm của ông cũng đã là những thời khắc và phần thưởng quý giá cho mỗi thính giả chúng ta rồi. Ngay trong tuyệt vọng, Trịnh Công Sơn cũng đã để lại cho chúng ta một lời nhắn không hề tầm thường:

“Hẹn ngày sau sẽ mua vui”

Trước khi ra đi, mỗi chúng ta hãy vững tin sẽ có ngày tái ngộ!

“Chiếc lá thu phai” do một số ca sĩ tiêu biểu khác thể hiện:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

videoinfo__video3.dkn.tv||__

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Hoài Ân