Chụp ảnh trong môi trường rừng có độ khó lớn, đặc biệt là đối với ảnh phong cảnh nghệ thuật, chủ yếu là do điều kiện ánh sáng yếu và không đồng nhất. Hiểu rõ cách xử lý ánh sáng và có một chút hiểu biết về cây rừng là bạn đã có cơ sở để chụp được những bức ảnh đẹp. 

Rừng là một phần không thể thiếu của nhiều cảnh quan. Mặc dù chúng thường có thể làm nổi bật những ngọn núi trong một bức ảnh phong cảnh, bản thân chúng cũng là những chủ đề tuyệt vời với yếu tố chính là những thân cây. Chụp cảnh trong rừng chỉ cần một số điều chỉnh nhỏ trong suy nghĩ so với nhiếp ảnh phong cảnh truyền thống. Dưới đây là những gợi ý để chụp được những hình ảnh phong cảnh rừng tuyệt đẹp?

Ảnh: LUM3N / CC0

Các mùa khác nhau sẽ cung cấp gì cho nhiếp ảnh gia?

Rừng không phải là thực thể tĩnh. Chúng sẽ thay đổi thành phần loài cây và hình dạng tán lá khi chuyển mùa. Một cảnh mùa đông khắc nghiệt vào tháng Giêng có thể được thay bằng một khung cảnh mùa hè ấm áp vào tháng Sáu hoặc một xứ sở thần tiên của mùa thu rực rỡ, đầy màu sắc vào tháng Mười. Vì vậy, những khu rừng không chỉ đáng để khám phá với người nhiếp ảnh, mà còn đáng khám phá nhiều lần trong năm. Tuyết mùa đông tan chảy vào mùa xuân cũng có thể dẫn đến những dòng suối làm tăng cảnh đẹp cho khu rừng. Và lá mùa thu màu cam nổi bồng bềnh trên một dòng suối cũng tạo ra những cơ hội chụp ảnh mà những mùa khác không thể có.

Ảnh: jplenio / CC0

Cần có độ sâu trường ảnh và độ phơi sáng tốt

Khi chụp phong cảnh rừng, nên sử dụng khẩu độ hẹp hơn để đảm bảo có độ sâu trường ảnh lớn. Độ sâu của trường ảnh sẽ quyết định bao nhiêu phần cây rừng được lấy nét; nên khi độ sâu trường ảnh được để nông, chỉ một phần nhỏ của cây rừng được lấy nét. Bối cảnh sẽ có xu hướng bị mờ nếu có nhiều khoảng trống xung quanh chủ thể chính. Với độ sâu trường ảnh lớn hơn, chúng ta có thể giữ cả tiền cảnh và hậu cảnh sắc nét và tập trung. Những người chuyên chụp cảnh rừng hầu như luôn muốn sử dụng độ sâu trường ảnh lớn. Nhưng điều đó đòi hỏi sử dụng một khẩu độ hẹp, dẫn đến lượng ánh sáng chiếu vào cảm biến máy ảnh sẽ ít hơn.

Ảnh: 12019 / CC0

Thêm vào đó, mức độ ánh sáng trong nhiều khu rừng thường thấp, điều này có nghĩa là người chụp cần đặc biệt lưu ý kiểm soát độ phơi sáng. Một chân máy là cần thiết cho các nhiếp ảnh gia phong cảnh nói chung, nhưng khi chụp ảnh trong rừng thì càng không thể thiếu nó.

Các nhiếp ảnh gia phong cảnh rừng đôi khi muốn sử dụng tốc độ màn trập chậm hơn các nhiếp ảnh gia phong cảnh khác vì họ thường chụp trong điều kiện có ít ánh sáng hơn. Điều này làm cho việc chụp khi cầm máy ảnh trên tay trở nên khó khăn, đặc biệt là nếu máy ảnh của bạn không có chức năng ổn định hình ảnh tích hợp sẵn trong máy hoặc ống kính. Nếu không muốn sử dụng tốc độ màn trập chậm, bạn cũng có thể tăng trị số ISO. Tuy nhiên, việc tăng ISO có thể tạo ra lượng nhiễu hình ảnh không thể chấp nhận được, tùy thuộc vào loại máy ảnh và mức độ tăng của nó.

Ảnh: valiunic / CC0

TÌm những nơi có ánh sáng trong rừng

Một cảnh mà bây giờ không có nhiều người quan tâm có thể trở nên đẹp hơn vào lúc khác hoặc thậm chí vào ngày hôm sau. Khi mặt trời thay đổi vị trí trên bầu trời, ánh sáng trong một khu rừng sẽ theo đó mà thay đổi đáng kể. Buổi sáng sớm có thể mang theo một màn sương mù mờ ảo, với ánh sáng mặt trời khó khăn lắm mới chạm tới được nền rừng. Mặt trời buổi chiều có lẽ lại tạo ra một quang cảnh rừng rực rỡ. Vào buổi chiều tối có thể có những tia sáng màu đỏ của hoàng hôn xuyên qua kẽ lá hoặc có thể là một bóng tối do ánh trăng bị cành lá chặn lại.

Ảnh: Seaq68 / CC0

Có một số thời điểm tốt nhất cho hình ảnh rừng kịch tính, là khi mặt trời xuống thấp hơn trên đường chân trời. Điều kiện này cho chúng ta cơ hội để chụp các tia sáng xuyên qua cây cối dễ dàng hơn, cũng như sử dụng cây cối che khuất để chụp mặt trời như ngôi sao lấp lánh. Trong ánh sáng yếu cũng có thể tạo nên những bức ảnh rừng cây mạnh mẽ khi chụp bóng đen của cây cối tương phản với các tia sáng xuyên qua tán cây.

Ảnh: Greyerbaby / CC0

Mang theo một cuốn sách về cây

Điều này có vẻ như là một nội dung không chính thống cho một bài viết về nhiếp ảnh nhưng một ít kiến ​​thức trong sách sẽ cùng đi một chặng đường rất dài trong việc giúp bạn tìm đối tượng để chụp ảnh. Ví dụ, có một hiện tượng ít được biết đến trong số các cây được gọi là sự “xấu hổ”. Bằng cách nào đó chúng có thể cảm nhận được khi các “vị hàng xóm” của chúng đến gần. Những cây này sẽ để lại những khoảng trống trông gần giống như những hoa văn dạng nhánh khi được chiếu sáng tốt. Hiện tượng đó cực kỳ rõ ràng nhưng không phải tất cả các loài cây đều thể hiện điều này. Và nó có thể làm cho bức ảnh tuyệt đẹp trong ánh sáng phù hợp. Có thể xác định loài cây cũng có nghĩa là bạn có thể chọn ra những loài cây được quan tâm đặc biệt trong một khu vực nhất định.

Ảnh: Free-Photos / CC0

Hãy sáng tạo khi chọn bố cục

Cảnh rừng có khả năng cung cấp một loạt các đường dẫn đáng kinh ngạc, dẫn dắt con mắt người xem tới chủ đề bức ảnh một cách tự nhiên. Trong thành phố và kiến ​​trúc, hình ảnh đường giao thông, đường dây điện và các cạnh của tòa nhà đều có thể được sử dụng để hướng mắt người xem về các phần của hình ảnh hoặc chủ đề chính. Tương tự trong rừng, chúng ta có thể sử dụng các đường dẫn tự nhiên để lần theo các con đường, hướng lên bầu trời hoặc thêm điểm nhấn vào núi và các yếu tố khác của cảnh quan.

Ảnh: tripastute / CC0

Chẳng hạn sử dụng một thân cây làm tiền cảnh và để chiếc cây đó chỉ thẳng lên trời, hoặc thậm chí đứng giữa một lùm cây và nhìn xem cảnh tượng khác nhau như thế nào qua kính ngắm, thay vì chỉ nhìn quang cảnh bằng mắt của bạn.

Kết luận

Rừng là một nơi tuyệt vời để chụp ảnh với chân máy và ống kính góc rộng – hai công cụ thiết yếu của nhiếp ảnh gia phong cảnh. Chỉ cần nhớ đặt phơi sáng đúng cách trong điều kiện ánh sáng thấp thì bạn chắc chắn sẽ chụp được hình ảnh tuyệt đẹp. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một hướng dẫn hoặc cẩm nang về thiên nhiên sẽ rất hữu ích nếu bạn muốn xác định đúng mục tiêu của mình hoặc đúng địa điểm có những loài cây được đặc biệt quan tâm. Chúc chuyến phiêu du chụp ảnh của bạn trong rừng có được niềm vui trọn vẹn!

Theo Earl Goodson / Loaded Landscapes

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||cee7b4cf7__