‘Đảo luyện đồ’ là một bức họa nổi tiếng của Trương Huyên dưới thời nhà Đường- Trung Quốc. Đây là một tác phẩm mà trong đó lối vẽ tỉ mỉ cùng màu sắc tươi sáng, thủ pháp tuy đơn giản mộc mạc nhưng bố cục lại rất chặt chẽ nhằm miêu tả các công đoạn trong dệt lụa của văn hóa truyền thống Trung Hoa xưa.

Trong lịch sử Trung Quốc, triều đại nhà Đường nghệ thuật phát triển tột bậc, đạt tới đỉnh cao. Đặc biệt là hội họa. Có rất nhiều những bức họa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc là từ thời nhà Đường.

Đây là thời đại mà được đánh giá rằng, phát triển của nghệ thuật còn vượt cả thời nhà Hán.

Trong bối cảnh xã hội đó, nghệ thuật đi vào cuộc sống của người dân. Để khắc họa được hoạt động sinh hoạt thời đó, Trương Huyên đã thành công trong lối vẽ ý cảnh trong bức Đảo Luyện Đồ. Bức tranh miêu tả phụ nữ Đại Đường đang thực hiện những công đoạn trong việc dệt lụa: nhuộm, đập, thêu và căng phơi.

Đây được coi là một bức họa có giá trị nghệ thuật mà hiện nay đang được bảo tồn tại bảo tàng Boston-Mỹ.

Đảo luyện đồ. (Ảnh: Aihuahua.net)

Đảo luyện đồ dưới góc nhìn nghệ thuật

Tổng thể bức họa là sự phân bổ nhân vật và bố cục rất hợp lí. 12 nhân vật trong tranh được bố trí cân đối, phân bổ không gian hài hòa khiến bức tranh nhìn rất thoáng đãng mà miêu tả được chi tiết những hành động thao tác và phân đoạn của nhóm người phụ nữ nhà Đường .

Trong bức tranh là sự quan sát rất bao quát nhưng vẫn rất tỉ mỉ thần thái tự nhiên biểu lộ trên gương mặt của từng người phụ nữ. Một chi tiết nhỏ khắc họa sinh động hình ảnh người phụ nữ đang căng lụa dùng sức hơi lùi về sau, vai hơi ngửa ra sau. Bằng đường nét tinh xảo và sự quan sát tinh tế, tác giả cho thấy rằng đây là một công đoạn khá vất vả. Và từ nhân vật tạo hình, người xem mường tượng ra đây có thể là hình ảnh lao động của những cung nữ đại Đường với phong cách rất điển hình.

Việc khắc họa hành động cử chỉ, phong thái cũng như hình dáng của nhân vật có thể cho ta thấy được độ tuổi hay sự phân công công việc trong nhóm nhân vật hình tượng. Hình ảnh người phụ nữ với khuôn mặt và hình dáng có phần đẫy đà, phúc hậu thể hiện quan điểm thẩm mĩ ở thời Đường. Màu sắc tôn tạo lên những nét họa đẹp mắt và hài hòa.

(Ảnh: Dkn.tv)

Những người phụ nữ đời Đường với khuôn mặt đoan chính và thanh nhã

Họa sĩ tập trung khắc họa dung mạo của từng nhân vật. Tất cả đều toát lên sự chăm chú làm việc hăng say, nhưng cử chỉ khuôn mặt luôn đoan chính thanh nhã. Họ đều sở hữu sự đôn hậu, thư thái ở trên hành động cử chỉ của mình.

Hình ảnh bé gái nô đùa tò mò nhòm ngó từ dưới tấm lụa khiến người xem như cảm nhận được cười khanh khách giòn tan đầy náo nhiệt sinh động của quang cảnh nơi đây. Một bé gái khác lớn hơn đang chăm chú quan sát như để học hỏi mang ý về sự kế thừa.

Các nhân vật trong tranh tuy mang theo những sắc thái, hành động, việc làm khác nhau nhưng có sự đồng nhất về phong thái và biểu hiện của sự đôn hậu đầy đặn trong thẩm mĩ về tiêu chuẩn cái đẹp của người phụ nữ Đường.
Bức họa với màu sắc sắc nét, họa sĩ thời đó sử dụng khoáng chất nghiền nát tạo thành màu. Các loại màu đậm được sử dụng đá thanh nghiền. Phẩm lục thường thường khiến lớp màu dày hợp với bên ngoài. Họa sĩ bình thường sử dụng tờ giấy ướt hoặc cây bông xoa nắn thành từng cụm nhỏ, rồi chậm rãi tán màu.

Thao tác tán nhẹ được thực hiện nhiều lần khiến hình ảnh sắc thái tươi đẹp, bề mặt đồng đều, màu sắc đậm nhạt được trình bày bố trí công phu. Đây là ưu điểm của loại hình vẽ tranh lụa mà sự tỉ mỉ và chi tiết được lưu giữ và truyền đạt lại đời sau.

Họa sĩ sử dụng phương pháp tán điểm thấu thị (phân đều điểm nhìn) để phân tạo kết cấu, đem toàn bộ quy trình dệt lụa phân ra làm ba bộ phận. Nhóm giã lụa cho lụa thêm mềm mại, nhóm thêu, nhóm nhuộm lụa được tác giả miêu tả rất chi tiết và cụ thể minh chứng cho sự quan sát rất tỉ mỉ cùng với ngòi bút ý cảnh sinh động đã mang lại cho bức tranh sự thành công về mặt mĩ thuật.

(Ảnh: Dkn.tv)

Các chi tiết hoa văn trên trang phục của những nhân vật hình tượng được khéo léo tô vẽ để bộc lộ khoe thêm vẻ đẹp đôn hậu đẫy đà của phụ nữ thời Đường.

Đến thời Tống, vua Tống Huy Tông đã sao chép lại bức tranh này. Bản sao “Đảo luyện đồ” của Tống Huy Tông cũng là bản sao duy nhất của bức tranh này còn tồn tại đến nay và hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Đảo luyện đồ là một bằng chứng văn họa về quy trình làm lụa cổ xưa

Bức họa là một tư liệu quý giá mô tả về hoạt động của người phụ nữ cổ đại về việc trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Bức tranh của Trương Huyên cũng là bằng chứng văn họa về những công đoạn trong quy trình làm lụa thời cổ xưa.

(Ảnh: Dkn.tv)

Mặt khác có ý kiến lại cho rằng tác phẩm này không chỉ là bức tranh mô tả về công việc của phụ nữ thời đó mà còn mang theo ẩn ý về sự chung thủy của người vợ với người chồng. Và sâu xa hơn thế chính là hàm ý về lòng tận trung của tác giả với hoàng đế. Tác giả mượn hình ảnh làm việc chăm chỉ tận tụy của những người phụ nữ để mô tả lên sự tận tâm tận lực của chính tác giả với vị vua tại vị của mình.

Có thể nói rằng Đảo luyện đồ là một bức họa không chỉ thành công về thủ pháp và kĩ năng họa mà còn là sự quan sát tỉ mỉ và lối vẽ công phu tả ý cảnh đã khiến bức họa sở hữu cái hồn toàn mĩ.

Tịnh Tâm