Sử dụng ánh sáng một cách khéo léo để tạo cảm xúc cho bức ảnh phong cảnh là một kỹ năng cao cấp của nhiếp ảnh gia. Có một số cách làm được giới thiệu cho những bạn muốn thử nghiệm.

Hơn bất cứ điều gì khác, thứ mà con người chúng ta đáp ứng nhiều nhất là cảm xúc. Đó cũng là lý do tại sao bạn thấy rất nhiều chiến dịch quảng cáo sử dụng các câu chuyện gây xúc động hoặc những chú cún và mèo con đáng yêu. Ý tưởng của quảng cáo đó là làm cho bạn cảm thấy một điều gì đó cuốn hút vào hình ảnh hoặc video bạn đang xem.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể tạo cảm xúc qua các bức ảnh? Khi bạn chụp ảnh một người thì tất nhiên sẽ dễ dàng hơn để tạo phản hồi. Bạn có thể chụp được nụ cười hoặc nước mắt của họ, nên ngay lập tức mang đến cho người xem sự kết nối.

(Ảnh: Daniel Gelora / Pixabay)

Tuy nhiên, chụp ảnh phong cảnh tạo cảm xúc có thể là một thách thức không nhỏ.

Nếu bạn muốn thêm cảm xúc vào một bức ảnh mà không nhất thiết phải có giá trị cảm xúc mạnh mẽ, thì có một cách phổ biến để làm điều đó, thông qua sử dụng ánh sáng.

Ánh sáng có một sức mạnh đáng kinh ngạc để tạo ra điều đặc biệt trong khung hình. Nó rõ ràng có thể thay đổi dáng vẻ cho bức ảnh của bạn, nhưng cũng có thể làm cho bức ảnh cộng hưởng nhiều hơn với người xem và thậm chí tạo ra cảm giác mạnh. Dưới đây là các cách sử dụng ánh sáng để có thể tạo tác động.

1. Ánh sáng dữ dội pha trộn bóng tối

Khi hình ảnh tổng thể rất tối, có thể liên hệ với một tâm trạng nặng nề hoặc một tình huống ảm đạm. Bóng tối thường được sử dụng để thể hiện một cái gì đó đáng sợ, trầm, buồn, hoặc nghiêm trọng. Nó thậm chí có thể tạo một không khí bí ẩn, vì phần lớn chi tiết được che giấu trong bóng tối.

Thiên nhiên (Ảnh: Johannes Plenio / Pixabay)

Ánh sáng bên cạnh bóng tối cũng có thể tạo cảm giác rất mạnh mẽ và mãnh liệt, đó là lý do tại sao dùng nó để tạo điểm nhấn thì rất tuyệt. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng cách này để chụp ảnh một ngọn núi nơi nhiều người leo núi đã mất mạng, thể hiện rằng việc leo núi nguy hiểm như thế nào. Hoặc, nếu bạn được yêu cầu chụp một bức ảnh về nạn phá rừng, bạn có thể dùng phong cách ánh sáng và bóng tối này để chụp một khu vực cây cối bị chặt hạ.

Ánh sáng và bóng tối với độ tương phản mạnh cũng có thể làm cho tác phẩm của bạn có dáng vẻ nghiêm trọng hơn. Đặc biệt khi kết hợp với tông màu đen và trắng, nó có thể khiến tác phẩm của bạn trông nghệ thuật hơn là đơn thuần một tấm ảnh tài liệu.

2. Ánh sáng mặt trời chói chang được lọc qua kính

Trong trường hợp mặt trời đang ở cao trên bầu trời, chiếu những tia sáng dài xuyên qua những tán cây. Hoặc khi tia sáng mặt trời chiếu xuống không bị gián đoạn, trừ phi có bóng mây đang nhảy múa trên mặt đất. Loại ánh sáng mặt trời rực rỡ này, được chụp tốt nhất là vào buổi chiều hoặc sáng muộn, có thể có chất lượng thực sự khoáng đạt, với ý nghĩa tích cực mạnh mẽ.

(Ảnh: Johannes Plenio / Pixabay)

Bạn sẽ muốn sử dụng kỹ thuật này khi hình ảnh của bạn cần truyền tải cảm xúc hạnh phúc và lạc quan. Bức ảnh thậm chí có thể có vẻ thanh tao, đặc biệt là khi kết hợp với vị trí phù hợp. Những hạt bụi nhảy múa trên không trung, hiện rõ trong những tia sáng, có thể dễ dàng tạo liên tưởng đến những nàng tiên đến chơi đùa trong rừng .

Ánh sáng mặt trời đi qua kính lọc cũng có thể làm cho cảnh vật trong ảnh trở nên nhẹ nhàng và thanh lịch – loại bỏ đi sự nặng nề. Hiệu ứng này rất tốt cho những tấm ảnh du lịch, quảng cáo vẻ đẹp và sự thú vị của một điểm thăm quan.

3. Độ tương phản cao

Như đã đề cập ở trên, lựa chọn hình ảnh đen trắng có độ tương phản cao, cùng với ánh sáng yếu có thể tạo cảm giác rất nghiêm túc và chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có các hình thức tương phản khác có thể làm cho hình ảnh tạo tác động thực sự, cho dù ánh sáng trong ảnh của bạn cao, hay màu sắc của bạn được giữ nguyên.

Kịch tính (Ảnh: O12 / Pixabay)

Độ tương phản cao tạo nên bức ảnh rất kịch tính. Một ý tưởng tốt là sử dụng đèn flash máy ảnh của bạn, hoặc chụp vào một ngày rất nắng nếu bạn muốn có độ tương phản cao. Lựa chọn này có thể làm cho khung cảnh trông dữ dội và sắc nét hơn. Nó thậm chí có thể được sử dụng để tạo cho cảnh tượng một vẻ “ồn ào”.

4. Độ tương phản thấp

Ánh sáng khuếch tán có thể giúp chúng ta tạo ra hình ảnh có độ tương phản thấp, cũng có thể tạo ấn tượng mạnh mẽ như hình ảnh có độ tương phản cao theo cách riêng của chúng. Một ngày u ám sẽ là điều kiện tốt để tạo cho bạn hiệu ứng này một cách tự nhiên.

Hình ảnh có độ tương phản thấp có xu hướng bị đánh giá thấp và ít được chú ý. Tuy nhiên, cách tiếp cận tinh tế này tạo cảm xúc rất tốt cho các khung cảnh nhẹ nhàng như cánh đồng lúa và đồng cỏ. Trong trình bày của các tạp chí, các bức ảnh loại này có tác dụng bổ sung cho đoạn văn chứ không phải để cạnh tranh với nó.

Biển cả (Ảnh: StockSnap / Pixabay)

Việc sử dụng ánh sáng tương phản thấp thậm chí có thể tạo ấn tượng sống động về một địa điểm nào đó. Chẳng hạn, nếu bạn đang chụp một cánh đồng bình yên, nơi tiếng động duy nhất được nghe thấy là tiếng gió nhẹ lao xao trên hoa cỏ, thì độ tương phản thấp sẽ là hoàn hảo để mang cảm xúc đó đến ngay với người xem.

5. Sử dụng ánh sáng định hướng

Đến đây, chúng ta đã bàn về loại ánh sáng mà bạn nên sử dụng. Nhưng còn hướng của ánh sáng thì sao? Điều này cũng có thể có tác động lớn đến cách mà hình ảnh của bạn được cảm nhận.

Một ví dụ tuyệt vời về điều này là sử dụng ánh sáng để làm nổi bật một cái gì đó. Ví như bạn chụp một con hổ cô độc đi lang thang trong rừng tìm mồi. Bạn đã thiết lập sẵn khung hình của mình và chờ đợi, rồi nhấn màn trập khi con hổ đó bước vào một vệt ánh sáng đi ngang qua khung hình của bạn. Ánh sáng ngang chiếu vào làm nổi bật khuôn mặt của con hổ, khiến nó nổi bật so với phần còn lại của cảnh quan và càng trở nên huyền ảo.

Cậu bé (Ảnh: Sasin Tipchai / Pixabay)

Đó chỉ là một ví dụ về cách ánh sáng định hướng có thể thực sự thay đổi tác động của bức ảnh. Ở đây không có quy tắc “chết cứng” nào, bởi vì hướng ánh sáng cũng bị ảnh hưởng bởi loại ánh sáng và cả vật chất mà nó chiếu vào khi cắt ngang qua khung hình của bạn. Có một số câu hỏi căn bản liên quan đến vấn đề này bạn nên trả lời trước khi chụp, ví như có phải nguồn sáng đang bùng cháy như một ngôi sao trực tiếp rọi vào ống kính của bạn không? Ánh sáng có bị các thân cây lọc bớt đi không? Có phải ánh sáng đã được khuếch tán để chỉ còn lại một loại ánh sáng mềm mại chiếu vào một bên của hình ảnh?

Hãy suy xét ánh sáng có định hướng khi thiết lập khung hình của bạn. Nếu thấy điều kiện ánh sáng chưa phù hợp, bạn có thể đợi đến giờ vàng, hoặc chờ mặt trời chuyển sang một góc chiếu khác trên bầu trời, để có kết quả tốt hơn. Việc lưu ý tới các điều kiện ánh sáng có thể làm đổi mới hoàn toàn thú chơi nhiếp ảnh phong cảnh của bạn, tạo cho bạn những bức ảnh đẹp thực sự dù chỉ chụp những đối tượng bình thường.

(Ảnh: Chris Yang)

Trên thực tế có rất nhiều cách sử dụng ánh sáng để tạo cảm xúc trong nhiếp ảnh, ngay cả khi bạn chỉ chụp phong cảnh đơn thuần. Quan trọng là hãy xem xét mục đích của bức ảnh để đảm bảo rằng tâm trạng bạn tạo ra cho bức ảnh phù hợp với mục đích đó, cùng với một tác động tối đa hướng tới người xem.

Theo Rhiannon D’Averc (loadedlandscapes.com)

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||9983cd854__