Thánh đường St. Peter ở Rome hiện nay đã được tắm mình trong một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ sau khi 100.000 đèn LED được lắp đặt bởi công ty công nghệ cao OSRAM Licht AG có trụ sở ở Đức.

Hình ảnh trước và sau của một trong những mái vòm của thánh đường cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ. Với nguồn sáng mới được lắp đặt, thánh đường St. Peter ở Rome giống như được khám phá lại một kho báu bị mất. Hiện giờ, những ngóc ngách tối tăm hoặc không sáng sủa trước đây có thể được nhìn rõ và được đánh giá cao bởi những người yêu mỹ thuật và cũng như những người hành hương tới thánh đường này.

Một mái vòm ở thánh đường St. Peter cho thấy sự khác biệt giữa nguồn chiếu sáng cũ và mới. (Ảnh: OSRAM Licht AG)

Một bức ảnh cho thấy mái vòm chính của thánh đường; mái vòm này có hình tròn. Mặc dù mái vòm chính chủ yếu được thiết kế bởi họa sĩ vĩ đại Michelangelo, nhưng bản thân ông cũng chỉ được nhìn thấy phần chân đế của mái vòm khổng lồ cao khoảng 20m này, những bức tường hình tròn của mái vòm là những phần công trình được xây dựng sau khi ông qua đời. Học trò của Michelangelo, Giacomo Della Porta, mới là người đã triển khai bản thiết kế của Michelangelo trên thực tế, và đã hoàn thành mái vòm vào năm 1590.

Đường kính của mái vòm ở chân đế là khoảng 46m. Bên dưới mái vòm là bốn chiếc phù điêu lớn, mỗi chiếc có đường kính hơn 8m, miêu tả bốn nhà truyền giáo: Mark cùng với một con sư tử, Luke cùng với một thiên thần, John cùng với một con đại bàng và Matthew cùng với một con bò mộng. Matthew chính là người đã viết phúc âm đầu tiên của Kinh Tân Ước, và chiếc phù điêu mô tả ông đang cầm cây bút của mình.

Hệ thống đèn chiếu sáng mới thắp sáng mái vòm chính tại thánh đường St. Peter ở Rome. (Bản quyền: Phòng lưu trữ hình ảnh Thánh Peter)

Ánh sáng mặt trời cũng có thể xuyên chiếu vào vòm trần qua 16 ô cửa sổ. Phía trên các cửa sổ, có tổng cộng 96 hình trang trí mái vòm từ trên xuống dưới theo sáu cấp độ tăng dần và đồng tâm. Các cấp thấp hơn dành để mô tả các nhân vật quan trọng trong thế giới Cơ Đốc tại trần gian: gồm các bức tượng bán thân của 16 vị giáo hoàng đã được chôn cất tại thánh đường này, Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Joseph, Thánh John Baptist, và một số tông đồ.

Cùng với sự vươn cao hơn của mái vòm, các nhân vật càng tiến vào cõi thiên đàng, nơi đó các thiên thần bảo hộ có nhiệm vụ trông coi cho lăng mộ của Thánh Peter. Tiếp theo đó là các tiểu thiên sứ và các thiên thần được khắc họa trên các phù điêu tròn, và sau đó tới gần đỉnh nhất là những khuôn mặt thanh thản của các thiên thần có cánh.

Lên cao hơn nữa, trang trí mái vòm giống như một bầu trời xanh đầy sao, rồi tới một dòng chữ Latin lớn nằm ở chân chiếc đèn lồng (một cấu trúc giống như mái vòm nhỏ, thường có trang trí hình vòng cung, gắn trên đỉnh cao nhất của mái vòm.) Mỗi chữ có độ cao hơn 1,5m. Dòng chữ đó là lời cảm ơn đến Thánh Peter và Giáo hoàng Sixtus V, người đã thúc đẩy việc xây dựng mái vòm. Tận cùng ở trên cao, với chiều cao khoảng của một tòa nhà 40 tầng, là một tác phẩm nghệ thuật gắn liền trên chiếc đèn lồng với hình tượng Đức Chúa Trời.

Mái vòm sừng sững của Nhà thờ St. Peter như là biểu tượng cao ngất của Vatican và một tuyên bố nghệ thuật xuất chúng của thời Hậu Phục hưng và Baroque.

Theo Lorraine Ferrier, Epoch Times

Hòa Bình biên dịch