Trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam đã ký 4 hiệp định vay vốn ODA trị giá 193 triệu USD.
 

Theo báo cáo mới nhất về tình hình quản lý nợ công 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam đã ký kết 4 hiệp định với vay với tổng trị giá 193,2 triệu USD.

Ước tính giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, bằng 21% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân khiến việc giải nguồn vốn vay ODA chậm là do phân khai kế hoạch chậm lại, các cơ quan trong nước cũng thận trọng hơn trong việc đề xuất, chủ trương đầu tư do mức độ ưu đãi của nguồn vốn nước ngoài tiếp tục giảm.

Ước tính đến ngày 30/6/2018, dư nợ bảo lãnh nước ngoài có xu hướng giảm so với đầu năm, dư nợ bảo lãnh các ngân hàng chính sách được giữ trong giới hạn theo đúng nghị quyết của Quốc hội.

Đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài gặp khó khăn, Bộ Tài chính cho biết cơ bản đã tự trả được nợ, không phải ứng từ Quỹ tích lũy trả nợ.

Cũng theo Bộ Tài Chính, tính đến 30/5/2018, tổng dư nợ vốn vay lại của các địa phương là 23.470 tỷ đồng. Tổng vốn giải ngân từ đầu năm đến 30/5/2018 là 480,93 tỷ đồng; trả nợ gốc là 212,87 tỷ đồng, trả lãi là 55,75 tỷ đồng.

Việc kiểm soát an toàn nợ địa phương được quán triệt thực hiện trong suốt quá trình tham gia ý kiến đối với đề xuất sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi Chính phủ của chính quyền địa phương, thẩm định khả năng trả nợ của chính quyền địa phương, giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài cho các dự án đã được duyệt.

“Trong 6 tháng đầu năm 2018 chưa phát sinh tạm ứng từ nguồn vay tồn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách địa phương, các địa phương chưa thực hiện phát hành trái phiếu”, Bộ Tài chính thông tin.

Công tác trả nợ nước ngoài 6 tháng đầu năm được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng hạn. Tổng trị giá chi trả nợ trong 6 tháng đầu năm của Chính phủ là 102.594 tỷ đồng, gồm trả nợ trong nước là 81.011 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 21.583 tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2018.

Bộ Tài chính cũng dự kiến đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu an toàn nợ công sẽ đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép và thấp hơn dự kiến trong kế hoạch tài chính trung hạn, với chỉ tiêu nợ công trên GDP năm 2016 là 63,7%; ước thực hiện năm 2017 ở mức 61,4% và dự kiến đến cuối năm 2018 khoảng 61-62%.

Kiều Ngọc