Thanh long vốn được mệnh danh là “cây vàng” của ngành trái cây Việt Nam bởi nó chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu trái cây của nước ta. Tuy nhiên, việc phát triển cây thanh long quá nóng, đặc biệt là tình trạng bỏ lúa để trồng thanh long ở miền Tây, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro với người trồng.

Theo Nông nghiệp Việt Nam, dọc theo các tuyến đường từ thị trấn Tầm Vu, xã Long Trì, xã Dương Xuân Hội… huyện Châu Thành đến huyện Tân Trụ (Long An), dễ nhận thấy cây thanh long trồng mới trên đất lúa khá nhiều.

Ông Tý (xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ) cho biết, từ năm 2013, gia đình ông đã chuyển 7.000 mét vuông đất lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. Ông Tý khẳng định, trồng thanh long lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. Gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác đã tự “quy hoạch” chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long và vẫn đang tiếp diễn đà phát triển loại cây này.

Không chỉ đất lúa, trong những năm qua nông dân còn chặt bỏ nhiều vườn cây kém hiệu quả để chuyển sang trồng loại “cây vàng” này. Điều đáng nói, không chỉ diện tích thanh long tăng vọt mà ở huyện Châu Thành (Long An) còn nở rộ nhiều cơ sở, doanh nghiệp làm dịch vụ, kinh doanh và sơ chế thanh long xuất khẩu.

Ùn ùn trồng 'cây vàng' thanh long: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trồng thanh long giúp nhiều nông dân đổi đời nhưng việc rầm rộ mở rộng diện tích trồng đang khiến loại cây này đứng trước nguy cơ vỡ trận. (Ảnh: Báo Công Thương)

Sở NN-PTNT Long An cho biết, nếu như năm 2010, toàn huyện Châu Thành mới có khoảng 1.000 ha thì đến nay diện tích thanh long đã đạt gần 8.000 ha, tăng gấp 8 lần. Trung bình mỗi năm, nông dân bỏ gần 1.000 ha lúa để trồng thanh long.

Trong khi đó, theo kế hoạch của huyện đến năm 2020 diện tích đất cho cây thanh long mới đạt 8.000 ha. Với tình trạng đua nhua mở rộng diện tích tròng thanh long, hiện người dân đã “chạy trước” kế hoạch sớm 2 năm.

Không chỉ riêng miền Tây, hiện nhiều nhà vườn ở miền Đông Nam bộ như các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, nhà vườn cũng đang ùn ùn chặt bỏ những vườn cây ăn trái “xuống cấp” để chuyển qua trồng cây thanh long.

Ghi nhận tại địa bàn các huyện Trảng Bom, Thống Nhất (Đồng Nai), những ngày gần đây rất nhiều diện tích thanh long ruột đỏ vừa xuống giống trên vườn tiêu, điều, cà phê, bưởi… mới bị đốn bỏ.

Đáng chú ý, nhiều chủ vườn ở đây dù chưa hề biết kỹ thuật trồng thanh long nhưng họ vẫn bất chấp rủi ro về thị trường hay dịch bệnh, quyết tâm chuyển hướng sang trồng loại cây này vì ham lời.

Trong khi đó, anh Hậu (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), một trong những người tiên phong trồng cây thanh long ruột đỏ từ năm 2015, thừa nhận đến nay anh bắt đầu nhận ra rủi ro có thể sẽ xảy ra.

Theo anh Hậu, trồng thanh long không đơn giản, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng hơn 200 triệu đồng/ha, chưa kể cây thanh long ruột đỏ đòi hỏi kỹ thuật rất cao trong chăm sóc.

Ngoài ra, anh Hậu cho biết thêm hiện đầu ra chủ yếu vẫn qua thương lái nhỏ lẻ. Chỉ một số hộ có diện tích lớn, sản lượng nhiều mới bán trực tiếp cho các công ty ở tỉnh Bình Thuận. Do xác định rủi ro sớm muộn sẽ đến nên anh đang trồng xen cây bưởi da xanh vào vườn thanh long để khi thị trường bão hòa anh sẽ tập trung vào cây bưởi.

Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng tổ hợp tác Ngọc Phát (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom), cho rằng nguồn hàng xuất khẩu thanh long đang khá dồi dào. Nếu nông dân vẫn tiếp tục đà tăng diện tích, chắc chắn sẽ dư thừa vào kéo theo tình trạng giá rớt thảm hại.

Không chỉ riêng thanh long, thời gian gần đây nhiều nhà vườn ở các tỉnh như tỉnh như Vĩnh Long, Hậu Giang… cũng đang đổ xô trồng cây mít Thái do giá mít Thái siêu sớm năm nay tăng cao kỷ lục giúp người trồng hốt bạc.

Trong khi đó, bài học về tình trạng “vỡ trận” của nhiều loại nông sản Việt Nam vẫn còn đó. Từ đầu năm 2018 đến nay hàng loạt nông sản Việt Nam như củ cải, su hào, dưa hấu, khoai tây, bí xanh, khoai lang Nhật… rơi vào tình trạng rớt giá thê thảm, bán không ai mua khiến nông dân thua lỗ nặng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do sản xuất phá vỡ quy hoạch khiến cung vượt quá nhu cầu, thiếu một chuỗi sản xuất bền vững chính.

Trong đó, việc người dân vẫn sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, chủ yếu nhìn nhau để ồ ạt mở rộng diện tích trồng các loại cây đang gây sốt trên thị trường cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cung nhanh chóng vượt cầu.

Nguyễn Trang