Mặc dù nền kinh tế đã có nhiều bước tiến, sự phân hoá giàu nghèo ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo báo cáo của Oxfam được công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018, kinh tế Đông Nam Á đã tăng trưởng ngoạn mục khi chỉ trong vòng không quá 5 thập kỷ, GDP đã tăng từ 37,6 tỷ USD vào năm 1970 lên 2,6 nghìn tỷ USD vào năm 2016. Phần lớn sự tăng trưởng đó là do đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, báo cáo vẫn đặt ra câu hỏi về mặt trái của sự tăng trưởng khi các con số cho thấy hàng triệu người đang vật lộn trong đói nghèo.

Một nghịch lý đang tồn tại là trong khi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, vẫn còn hơn 70 triệu người tại Đông Nam Á và Đông Á bị thiếu ăn.

Điều đó đồng nghĩa với các thành tựu kinh tế phần lớn là do các doanh nghiệp đạt được, gần như chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận, đã gây ra khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo.

Cũng theo báo cáo, bất bình đẳng thu nhập tại châu Á đã tăng 20% trong vòng 20 năm qua. Bốn người giàu có nhất Indonesia có lượng của cải nhiều hơn 100 triệu người cộng lại, còn tại Thái Lan, 56% của cải của quốc gia thuộc về 1% người giàu có nhất.

Riêng tại Việt Nam, số tiền mà người giàu nhất kiếm được trong một ngày nhiều hơn số tiền mà người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm.

Phát biểu khi công bố báo cáo, bà Lan Mercado, Giám đốc khu vực Châu Á của Oxfam, nhấn mạnh rằng tất cả các doanh nghiệp hiện nay đều có một nghĩa vụ cơ bản và không thể lay chuyển – đó là tôn trọng quyền của những người lao động và cộng đồng, và phải trả một mức lương để người lao động đủ sống.

Bên cạnh đó, theo bà Lan Mercado, các doanh nghiệp có cơ hội để tạo ra sự khác biệt và trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng bằng cách áp dụng những chính sách giúp doanh nghiệp trở nên thân thiện với con người và môi trường hơn.

Nguyễn Trang (Tổng hợp)