Trước động thái và thái độ không sẵn sàng đàm phán của chính quyền Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump đang tiến hành các chiến lược gây “áp lực cực đại” để tạo sức ép với kinh tế Trung Quốc.

Chia sẻ trên trang EpochTimes, một chuyên gia kinh tế cho rằng chiến lược được Tổng thống Donald Trump đầu tiên sử dụng để chống lại Triều Tiên giờ lại đang được áp dụng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp những hậu quả tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán.

“Mặc dù có thể chưa tuyên bố rõ ràng, nhưng những gì Tổng thống Trump đang áp dụng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là một chiến lược tạo ‘áp lực cực đại’, tương tự với những gì ông đã dùng đối với Triều Tiên”, nhà phân tích kinh tế Qin Peng nhận định.

Theo ông Qin, chiến lược “áp lực cực đại” của ông Trump áp đặt lên Triều Tiên bao gồm các biện pháp như trừng phạt kinh tế, trang bị và nâng cấp cho các cuộc tấn công quân sự, hình thành các liên minh và gây áp lực lên Trung Quốc để kiểm soát Triều Tiên. Những chiến thuật này được dùng cùng nhau để ép Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Sau Triều Tiên, chiến lược 'áp lực cực đoan' của Tổng thống Trump đe dọa kinh tế Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại bắt đầu với việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump bắt đầu nâng thuế với thép và nhôm, sau đó đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, rồi đe dọa đưa ra gói thuế 200 tỷ USD, và đang “sẵn sàng” áp mức thuế lên tới 500 tỷ USD cho các mặt hàng Trung Quốc.

Ông Trump cũng đã áp dụng các chiến thuật “cậy gậy và củ cà rốt” đối với châu Âu, Canada, Nhật Bản và các quốc gia khác. Dần dần, một liên minh quốc tế đã được thành lập, để buộc Trung Quốc giải quyết các vấn đề về ăn cắp tài sản trí tuệ và thương mại không công bằng.

Chuyên gia Qin Peng cho rằng chiến lược “áp lực cực đại” là một cách đáp trả đối với thái độ của Trung Quốc. Kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, Trung Quốc đã liên tục cáo buộc, tấn công và trả đũa đối với Mỹ mà không có bất kỳ thay đổi tích cực nào như chính quyền Trump trông đợi.

Trung Quốc cũng đã có rất nhiều cách hành xử xấu. Ví dụ, trong vòng đàm phán đầu tiên, Trung Quốc đề xuất mua 70 tỷ USD các sản phẩm và hàng hóa của Mỹ, nhưng không giải quyết sự mất cân đối thương mại lớn với Mỹ cũng như các cáo buộc về hành vi đánh cắp công nghệ.

Ông Qin dự đoán nếu Mỹ áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và sau đó là 500 tỷ USD, thì kinh tế Trung Quốc sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán của các ngân hàng đầu tư và các nhà kinh tế.

Ngân hàng Deutsche Bank của Đức đã dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ mất 0,3% GDP nếu bị áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa, trong khi Morgan Stanley dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ thiệt hại 0,3-0,5%.

Chuyên gia Qin cho rằng những con số dự đoán trên vẫn còn quá thận trọng, vì chúng mới đề cập đến các yếu tố về thị trường và niềm tin đầu tư.

Ông Qin đưa ra dẫn chứng rằng yếu tố niềm tin tích cực đã giúp chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng mạnh ngay sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, ngay cả trước khi ông đưa ra các quyết định về cắt giảm thuế và các chính sách hỗ trợ kinh tế khác. Sự tác động ngược lại giờ đây có thể được thấy ở Trung Quốc.

“Các nhà phân tích khác dự báo GDP (của Trung Quốc) sẽ giảm tới 3% nếu tính tới các yếu tố khác như đầu tư nước ngoài”, chuyên gia Qin nói. “Với cuộc chiến thương mại đang leo thang, thặng dư ngoại tệ của Trung Quốc sẽ biến mất.”

Vị chuyên gia này tin rằng bong bóng tín dụng lớn của Trung Quốc có thể phát nổ. “Lịch sử đã cho chúng ta biết rằng thiệt hại gây ra bởi các vấn đề tài chính có thể lớn hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản là GDP tăng trưởng chậm lại.”

Theo tin của Bloomberg đăng ngày 31/7, “Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Wen Zhao, một nhà bình luận, chia sẻ trên trang tin NTD, rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra 3 đánh giá sai lầm chính trong cuộc chiến thương mại này, đó là những đánh giá sai về Tổng thống Trump, môi trường quốc tế và chính Trung Quốc.

Theo ông Wen, Trung Quốc có thể nghĩ rằng Trump chỉ là một doanh nhân không có nguyên tắc cứng rắn, dễ bị ảnh hưởng bởi lợi ích ngắn hạn và bởi lợi ích trong các doanh nghiệp gia đình của mình. Do đó, Trung Quốc đã dùng một chiến lược trì hoãn và bỏ qua những cảnh báo và sự không đồng thuận của Tổng thống Trump.

Việc đánh giá sai về môi trường quốc tế nằm ở điểm Trung Quốc nghĩ rằng nước này có thể tạo thành một “liên minh thống nhất” với châu Âu để chống lại Mỹ bằng cách thực hiện một số giao dịch thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, đây có thể là một sai lầm nghiêm trọng, vì Trung Quốc dường như đã quên những gì đã thực hiện với EU để tạo ra phe cánh bằng sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của mình.

Trung Quốc kêu gọi sự ủng hộ về chính trị từ các nước như Hy Lạp và Séc để đổi lấy đầu tư. Tất cả những việc làm này sẽ không thể không khiến các nhà lãnh đạo châu Âu chú ý. Vậy họ sẽ sẵn lòng tin tưởng Bắc Kinh thế nào?

Điều quan trọng hơn là đánh giá sai về chính Trung Quốc cũng như khả năng ảnh hưởng đến quốc tế. Các chiến dịch tuyên truyền gần đây như loạt phim “Amazing China” của kênh CCTV, kế hoạch “Made in China 2025”, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, mà ông Wen cho rằng Trung Quốc đã bỏ một đồng tiền vào đang khiến thế giới bắt đầu cảnh giác.

Túm lại, nhà bình luận Wen cho rằng, “nếu không biết mình, biết người, họ sẽ bại trận”.

Lưu Hạnh