loại tôm càng của Trung Quốc đang rất được các nhà hàng tại thủ đô Moscow của Nga ưa chuộng trong dịp diễn ra ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Truyền thông Trung Quốc cho biết một chuyến tàu chở 100.000 con tôm càng mới đây đã rời khỏi thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) để đến các nhà hàng, quán bar ở Moscow nhằm phục vụ dân nhậu mùa World Cup 2018. Đây chính là những địa điểm sẽ thu hút rất đông những tín đồ môn bóng đá đến xem các trận tranh tài đỉnh cao giữa các cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Nếu Bồ Đào Nha có Cristiano Ronaldo, Argentina có Lionel Messi và Ai Cập đang hy vọng Mohamed Salah sẽ mang lại cho họ vinh quang tại World Cup thì Trung Quốc đặt kỳ vọng lớn vào món tôm càng sẽ giúp gia tăng sự phổ biến của đồ ăn nước này trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Cùng với đó, ở thị trường Trung Quốc, các nhà hàng, quán bar và các công ty giao đồ ăn trên khắp cả nước cũng không bỏ qua cơ hội kinh doanh vàng, huy động mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của giới trẻ Trung Quốc, những người luôn thích xem bóng đá với bạn bè và gia đình trong khi ăn tôm và uống bia lạnh.

Đơn cử, Hemafresh, một chuỗi siêu thị thuộc Alibaba Group Holdings, đã thông báo bổ sung thêm các dịch vụ giao hàng vào ban đêm, trong đó có cả món tôm càng, để phục vụ các tín đồ nằm nhà xem World Cup.

Chia sẻ trên SCMP, Zhu Danpeng, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu xây dựng thương hiệu Trung Quốc, cho biết: “World Cup cộng với bia và tôm càng là một sự kết hợp hoàn hảo cho những người Trung Quốc hâm mộ bóng đá”.

Ông Zhu hy vọng thị trường tôm càng Trung Quốc sẽ chạm mốc 300 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 46 tỷ USD) trong năm nay do nhu cầu tăng cao trong thời gian diễn ra World Cup 2018.

Thực tế cho thấy thị trường tôm càng nội địa Trung Quốc đã liên tục đi xuống trong 3 năm qua cộng với khối lượng xuất khẩu giảm. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các chuyến xuất khẩu tôm càng từ Trung Quốc cũng giảm 17,9% xuống còn 19.300 tấn.

Như vậy, việc xuất khẩu 100.000 con tôm sang Moscow gần đây sẽ là một bước tiến quan trọng để các nhà bán lẻ Trung Quốc thử nghiệm ở thị trường nước ngoài mới bởi Nga không phải nước chuyên nhập khẩu tôm càng của Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, tôm càng được coi là món ăn ngon.
Tại Trung Quốc, tôm càng được coi là món ăn ngon. (Ảnh: SCMP)

Trước đó, giống tôm càng được các thương nhân Nhật Bản đem đến đến thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) để làm thức ăn cho ếch ương vào những năm 1920. Tuy nhiên, nguồn gốc của giống tôm càng này lại ở miền Nam nước Mỹ, nơi chúng bị coi kẻ thù đối với nông dân trồng lúa địa phương bởi thói ăn tạp khiến cho cây lúa khó phát triển. Hiện loài tôm càng này cũng đang tàn phá các hệ sinh thái ở châu Phi.

Ngược lại, ở Trung Quốc, từ loài bị ghét nhất tôm càng lại được người dân đại lục săn tìm từ những năm 1990, khi họ bắt đầu chế biến chúng thành một món ăn ngon. Hiện món tôm càng này đã trở thành món ăn yêu thích trên bàn nhậu của người dân Trung Quốc. Đặc biệt, vào mùa hè, tôm càng càng được ưa chuộng khi kết hợp với những cốc bia mát lạnh.

Do đó, Trung Quốc dự đoán nhu cầu tôm càng năm nay sẽ đạt khoảng 1,9 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn cung tôm càng trong năm 2017 của Trung Quốc chỉ là 1,1 triệu tấn.

“Cầu đối với tôm càng lớn hơn cung và điều đó sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Đến năm 2020, ngành công nghiệp này có thể bước vào một giai đoạn ổn định hơn”, ông Zhu nhận định.

Nguyễn Trang