Khoảng 21.000 tấn tôn mạ kẽm thành phẩm của một doanh nghiệp Việt Nam vừa được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo VTV News, lô hàng trên là sản phẩm của Nhà máy Hoa Sen Nghệ An, thuộc Tập đoàn Hoa Sen.

Kết quả trên của Tập đoàn Hoa Sen được coi là một tín hiệu rất khả quan đối với phía Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, mức thuế được áp đối với hầu hết các mặt hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ (bao gồm cả hàng hóa không sản xuất ở Trung Quốc nhưng có sử dụng nguyên liệu đầu vào để sản xuất thành phẩm) lên đến 200%.

Nhà máy Hoa Sen Nghệ An có công suất khoảng 60.000 tấn tôn thành phẩm mỗi tháng, trong đó 1/3 sản lượng dành cho xuất khẩu thị trường Mỹ và các nước châu Âu.

Mỗi lô hàng tôn, thép của nhà máy này khi xuất khẩu đều có một bộ hồ sơ đi kèm. Bên cạnh đó, mỗi cuộn tôn thành phẩm đều có mã tra cứu quy cách sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung được dự báo sẽ gây nhiều ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, nếu biết ứng phó, thích nghi thì những khó khăn có thể biến thành những cơ hội tốt. Bằng chứng là một doanh nghiệp khác của Việt Nam thời gian gần đây đã nhận được số lượng đơn hàng tăng đột biến từ phía Mỹ.

Theo VTC News, từ năm 2012, Công ty TNHH Lập Phúc đã trở thành bạn hàng của doanh nghiệp Mỹ với sản phẩm chủ lực là khuôn mẫu cho bàn chải đánh răng của hãng Colgate. Cũng từ chiếc khuôn này, Lập Phúc đã có những hợp đồng trị giá hàng triệu USD đều đặn mỗi năm.

Vài tháng trở lại đây, giá trị hợp đồng này tăng lên khi đơn đặt hàng của doanh nghiệp Mỹ bất ngờ tăng mạnh từ 30-40%.

Ông Nguyễn Văn Trí – Tổng giám đốc công ty Lập Phúc, cho biết, trong vòng 3 tháng gần đây, lượng đơn hàng từ phía doanh nghiệp Mỹ tăng đột biến.

Theo ông Trí, phía bạn hàng Mỹ chia sẻ thuế suất nhập khẩu khẩu khuôn mẫu của Trung Quốc vào Mỹ là 28%, trong khi thuế suất nhập khẩu khuôn mẫu của Việt Nam chỉ là 3%. Mức chênh lệch thuế suất 25% đã mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho sản phẩm của Việt Nam so với hàng Trung Quốc khi gia nhập vào thị trường Mỹ.

Cũng theo lãnh đạo công ty Lập Phúc, chất lượng khuôn mẫu của công ty không thua kém gì so với hàng Trung Quốc, thậm chí là vượt trội.

Liên quan đến tác động của cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung, các chuyên gia cho rằng bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội làm ăn lớn.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, việc Mỹ – Trung không ngừng trả đũa thuế quan lẫn nhau trong thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, việc các công ty Việt Nam có thể nắm bắt và tận dụng cơ hội đó hay không còn tùy thuộc vào năng lực và sự chủ động của từng doanh nghiệp.

Câu chuyện của Lập Phúc cho thấy doanh nghiệp Việt hoàn toàn có cơ hội nhận được những đơn hàng từ doanh nghiệp Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc leo thang nếu đầu tư sản xuất một cách bài bản, cho ra sản phẩm chất lượng cao và ổn định.

Đặc biệt, đối với ngành thủy sản, việc Mỹ thay đổi chính sách thuế đối với nhiều mặt hàng Trung Quốc như tôm, cá ngừ, cá tra, đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt có thể gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ.

Vỹ An