Măng cụt vốn là loại cây đặc sản của tỉnh Bến Tre, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Lách. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người trồng đang ồ ạt đốn bỏ loại cây được ví là “nữ hoàng” cây ăn trái này để thay thế bằng cây trồng khác do măng cụt liên tục bị mất mùa những năm gần đây.

Chia sẻ trên Thanh niên, ông Lê Văn Sơn ở xã Phú Sơn (huyện Chợ Lách) cho biết từ năm 2016, ông đã đốn hạ hơn 6 công măng cụt trên 20 năm tuổi của khu vườn rộng 1,2 ha để chuyển sang trồng cây giống.

Theo ông Sơn, mỗi công đất (1.000 mét vuông) trồng được khoảng 17 cây măng cụt. Nếu măng cụt được mùa, được giá thì thu về khoảng 15 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, 3 năm gần đây, măng cụt liên tục mất mùa nên dù được giá cũng chỉ thu được khoảng 7 triệu đồng/công/năm.

Ông Sơn cho biết, sau hơn 2 năm đốn bỏ 6 công măng cụt chuyển sang trồng cây giống, ông đã ươm bán được gần 100.000 cây sầu riêng và xoài giống, thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Cách đây gần 1 tháng, vườn măng cụt hơn 3 công đất với gần 30 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Thùy ở xã Vĩnh Hòa (huyện Chợ Lách) cũng bị đốn hạ để chuyển sang trồng cây cảnh.

Giải thích cho việc chặt bỏ loại cây trồng đặc sản lâu năm này, ông Thùy cho biết măng cụt thu hoạch từ tháng 2 đến khoảng tháng 7 âm lịch hàng năm và không thể xử lý cho trái nghịch vụ được. Hơn nữa, từ sau đợt thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 đến nay, măng cụt liên tục mất mùa nên ông đành phải đốn bỏ để trồng hoa cảnh.

Nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách cho biết việc đốn bỏ măng cụt để trồng hoa kiểng, cây giống cũng khiến bà con không khỏi băn khoăn vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc và bị động về thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, măng cụt trồng ít nhất 5 năm sau mới bắt đầu cho trái. Chính vì vậy, một khi đã đốn bỏ rồi muốn trồng lại phải mất thời gian dài mới có thu nhập. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn vẫn phải đốn vì hiệu quả kinh tế của loại cây này ngày càng thấp, sản phẩm bị trà trộn rất nhiều.

Song song đó, từ sau đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre vẫn chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu nào cho tình trạng thất mùa đối với cây măng cụt cũng là nguyên nhân khiến người dân chặt bỏ loại cây này để thay thế bằng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Báo Đồng Khởi dẫn lời ông Võ Văn Nam – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre – cho biết măng cụt được trồng ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Lách. Năm 2015, diện tích cây măng cụt của tỉnh là 1.627 ha, đến năm 2016 giảm còn 1.510 ha. Hiện nay vẫn chưa có thống kê chính thức về diện tích măng cụt năm 2017, nhưng qua theo dõi tình hình thì diện tích măng cụt cũng đang giảm dần.

Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cây măng cụt rất mẫn cảm với xâm nhập mặn và điều kiện thời tiết cực đoan như vài năm gần đây. Điều này khiến năng suất cũng như sản lượng măng cụt rất thấp. Trong khi đó, những loại cây giống lại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân trong những năm gần đây. Do đó, việc người trồng quay lưng lại với cây măng cụt cũng là điều dễ hiểu.

Vỹ An