Vốn được coi là biểu tượng của Tp.HCM, nơi thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan và mua sắm, nhưng trong chợ Bến Thành lại rao bán rất nhiều các sản phẩm hàng giả, hàng Trung Quốc đội lốt những nhãn hiệu nổi tiếng với giá “cắt cổ”.  

Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Tp.HCM đồng loạt ra quân kiểm tra 20 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, mắt kính, túi xách… tại chợ Bến Thành. Qua đó phát hiện những cửa hàng này đều bán hàng giả, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ.

QLTT Tp.HCM đã thu giữ gần 3.200 sản phẩm, trong đó có 1.380 sản phẩm hàng giả và 1.914 sản phẩm hàng lậu. Toàn bộ những sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam như Omega, Chanel, Rolex, Rado, Gucci, CK.

Một số người bán khai mua đồng hồ, mắt kính, túi xách… có nguồn gốc Trung Quốc tại các đầu mối ở Tp.HCM với giá buôn chỉ vài chục nghìn đồng mỗi sản phẩm nhưng giá bán lẻ đến tay người mua lại bị đẩy lên đến vài triệu đồng một sản phẩm.

Đáng chú ý, sau khi lực lượng QLTT Tp.HCM ra quân kiểm tra, nhiều cửa hàng trong chợ này vẫn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đội lốt các nhãn hiệu hàng đầu thế giới như Dior, Gucci, Chanel, Lacos với giá cao ngất ngưởng.

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng hiệu bán tràn lan trong chợ Bến Thành
Hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan trong chợ Bến Thành ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh: Pháp luật Tp.HCM)

Theo Pháp luật Tp. HCM, hàng giả, hàng nhái bày bán trong chợ Bến Thành rất đa dạng và tinh vi đi kèm với “ma trận” giá bán. Đơn cử, túi xách LV chính hãng có loại 20 triệu đồng, hàng nhái đổ buôn chỉ từ 4-8 triệu đồng, sau đó bán đến tay khách hàng khoảng 8-10 triệu đồng.

Một tiểu thương bán ví da, túi xách chào mời chiếc thắt lưng thương hiệu Chanel giá 1,2 triệu đồng, đồng thời khẳng định đây là hàng xịn làm hoàn toàn bằng da bò thật.

Tuy nhiên, khi thấy khách hàng chê đắt, bỏ đi thì người bán lập tức gọi quay lại và ra giá chỉ… 400.000 đồng. Điều đáng nói, dù nhiều người bán cam kết bảo hành sản phẩm nhưng khi người mua hỏi hóa đơn thì nhận được câu trả lời “không có” hoặc “cứ mua sẽ gửi hóa đơn sau”.

Chia sẻ trên Người lao động, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT Tp.HCM, cho biết hàng nhái, hàng giả không chỉ có nhiều ở chợ Bến Thành mà còn bán ở các chợ, trung tâm thương mại khác tại Tp.HCM. Nguyên nhân của tình trạng này là vì lợi nhuận của kinh doanh hàng lậu, hàng giả lớn nên tiểu thương bất chấp.

Bên cạnh đó, ông Bách cho rằng do mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh, chứa trữ hàng giả hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Trong khi đó, các tiểu thương tại chợ thừa nhận việc kinh doanh hàng thật thì giá quá cao, gấp vài chục lần, cho đến cả trăm lần so với hàng giả nên khách không mua. Nếu không bán hàng giả, nhái thì họ không biết kinh doanh mặt hàng gì. Thậm chí, các tiểu thương còn cho biết hàng giả vi phạm tại mỗi cửa hàng trị giá ít nhất cũng khoảng một trăm triệu đồng, nếu bị tịch thu nhưng được kinh doanh tiếp thì vài tháng sau là có thể “gỡ” vốn.

Nguyễn Trang