Làn sóng thâu tóm các công ty Đức của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ làm dấy lên lo ngại về cuộc “di cư” công nghệ. Chính phủ Đức đã ngay lập tức phải ban hành quyết định nhằm ngăn chặn các thương vụ mua lại và sáp nhập này.

Với tham vọng trở thành cường quốc về công nghệ, Trung Quốc lên kế hoạch thâu tóm hàng loạt các doanh nghiệp của Đức. Tuy nhiên, chính phủ Đức gần đây đã phủ quyết một loạt các thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp Đức và Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự bành trướng đó, với lý do là đảm bảo “an ninh quốc gia”.

Vụ việc đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 7 khi tập đoàn Yantai Taihai của Trung Quốc muốn mua toàn bộ công ty sản các xuất thiết bị được sử dụng trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân và hàng không vũ trụ Leifeld Metal Spinning của Đức. Tuy nhiên, thương vụ chưa được ký kết đã bị chính phủ Đức ngăn chặn.

Chỉ vài ngày sau đó, ngân hàng quốc doanh KfW của Đức cũng đã tuyên bố mua 20% cổ phần của công ty quản lý lưới điện 50Hertz để tránh Tổng công ty Lưới điện quốc gia Trung Quốc cũng đang xin đầu tư.

Cũng trong tháng 8, chính phủ Đức công bố kế hoạch giảm ngưỡng sở hữu cổ phần tối đa tại một doanh nghiệp để sàng lọc đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia hoặc quốc phòng.

Theo SCMP, vào năm 2017, nội các của Thủ tướng Angela Merkel đã thắt chặt quyền kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài bằng cách tự cho mình quyền can thiệp nếu nhà đầu tư nước ngoài nắm được 25% cổ phần trở lên trong một công ty Đức.

Tuy nhiên, hiện tại Berlin tuyên bố sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các thương vụ bằng cách giảm ngưỡng sở hữu đó xuống còn 15%.

Động thái này được đưa ra sau khi hàng loạt các giao dịch mua lại các công ty Đức diễn ra trong 2 năm vừa qua khiến chính quyền lo ngại về việc thâu tóm trong các ngành chủ chốt và mất đi công nghệ.

Theo số liệu của Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên minh doanh nghiệp, tổng đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Đức tăng từ 690 triệu Euro vào năm 2011 lên tới con số khổng lồ 7 tỷ Euro vào năm 2016. Thương vụ nổi bật nhất trong năm 2016 phải kể đến cuộc thâu tóm công ty sản suất robot Kuka với giá 4,5 tỷ Euro.

Không chỉ riêng Kuka, trong 2 năm qua, Trung Quốc đã thâu tóm công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc Biotest Pharmaceuticals, mua lại cổ phần của tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức là Deutsche Bank và hãng Daimler chuyên sản xuất ô tô Mecedes-Benz.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ của Đức cũng đang bị đe dọa bởi các khoản đầu tư của Trung Quốc.

“Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc luôn tự giới thiệu mình là các công ty tư nhân, nhưng sự liên hệ giữa họ với các cơ quan chính phủ nước họ dường như khá mạnh. Thêm vào đó, Trung Quốc lại rất hạn chế việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường của mình, đặc biệt là từ châu Âu”, chuyên gia Christian Dreger thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức cho biết.

Đức và Italia là 2 quốc gia EU có thành kiến nhiều nhất với Trung Quốc. Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 53% người dân Đức và 59% người dân Italia có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Anh là 37% và Ba Lan là 29%.

Philippe Le Corre, chuyên gia về quan hệ của Trung Quốc với châu Âu tại cơ quan cố vấn Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, cho biết: “Những mập mờ xung quanh việc điều hành các công ty Trung Quốc đã phá hủy hình ảnh của nước này tại Đức”.

Trung Quốc ngày càng tăng mạnh đầu tư ở châu Âu. Theo Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, đầu tư của nước này vào EU tăng từ 700 triệu Euro vào năm 2008 lên 30 tỷ Euro vào năm 2017.

Một nghiên cứu của tổ chức Bertelsmann Stiffung chỉ ra rằng 2/3 trong các vụ mua bán và sáp nhập của Trung Quốc tại thị trường châu Âu trong giai đoạn 2014-2017 đều nằm trong sáng kiến “Made in China 2025” của Bắc Kinh – với mục tiêu biến quốc gia này thành cường quốc công nghiệp số 1 thế giới. Các lĩnh vực như xe năng lượng mới, robot, y tế, thiết bị hàng không vũ trụ và vật liệu mới đều nằm trong danh sách của sáng kiến trên.

“Rất khó để xác định sự đầu tư của Trung Quốc nhằm vào việc kinh doanh hay động lực chính trị”, Cora Jungbluth, tác giả của nghiên cứu cho biết.

Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều để xoa dịu lo ngại của Đức. Trong một bài báo gần đây trên tờ Frankfurter Allgemeine, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi các công ty Đức “không nên sợ” hợp tác với các công ty của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đức và các nước khác tại châu Âu đã tăng cường bảo vệ lợi thế công nghệ của mình khi Mỹ quyết tâm hạn chế các nỗ lực trở thành một cường quốc công nghệ của Trung Quốc bằng cách liên tục tung đòn thuế quan vào hàng hóa của Trung Quốc.

“Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế Mỹ – Trung, sáng kiến “Made in China 2025” đang nổi lên là nhân vật phản diện trung tâm và là mối đe dọa tồn tại cho quốc gia đứng đầu về công nghệ như Mỹ”, Lorand Laskai, thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhận định.

EU cũng đang có những cảnh giác tương tự trong việc bảo vệ các công nghệ của mình. Vào tháng 5 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua một đề xuất mở rộng danh sách “các lĩnh vực quan trọng”. Theo đó, Ủy ban châu Âu có thể can thiệp vào các công ty có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần chi phối. Cơ chế này có thể sẵn sàng được thực hiện vào cuối năm nay với sự hỗ trợ của các nền kinh tế như Italia, Pháp và Đức.

Frank Proust, phụ trách các báo cáo của Nghị viện châu Âu, cho rằng: “Đã đến lúc châu Âu chứng tỏ rằng mình không ngây thơ trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Châu Âu không chống lại đầu tư nước ngoài nhưng sẽ chống lại những hoạt động đầu tư kỳ lạ”.

Nhiều đại diện doanh nghiệp Đức muốn đất nước của họ tránh xa chủ nghĩa bảo hộ.

“Chúng tôi không muốn chính phủ Đức quyết định một công ty thuộc sở hữu bởi một cá nhân có nên được mua lại bởi một công ty Trung Quốc hay không”, Friedolin Strack, giám đốc Ủy ban châu Á – Thái Bình Dương của doanh nghiệp Đức tại Liên đoàn công nghiệp của Đức (BDI) nói.

Thay vào đó, BDI cho rằng giải pháp nằm ở việc tạo áp lực lên Trung Quốc để nước này mở cửa thị trường của mình nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty Đức và Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần cam kết tiếp tục mở cửa thị trường. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp Đức vẫn phàn nàn về những hạn chế không chính thức ngay cả trong những ngành công nghiệp mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Jens Hildebrandt, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, cho biết: “Mặc dù có sự thay đổi trong các thông điệp của Trung Quốc, chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều tiến bộ trong việc mở cửa thị trường trên thực tế”.

Các doanh nghiệp Đức cũng khẳng định chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là một công cụ hữu ích để tiếp cận thị trường Trung Quốc vì cuộc chiến này giúp tạo áp lực khiến Trung Quốc phải mở cửa thị trường của họ.

Kiều Ngọc