Việc sử dụng phế phẩm từ cây tiêu được cho là rất nguy hiểm vì trong thân, gốc và rễ tiêu nông dân bỏ đi đều có thể tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, một số thương lái Trung Quốc vẫn thu mua rễ cây tiêu tại Đồng Nai với giá cao để làm thuốc.  

Theo TTXVN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai vừa đưa ra cảnh báo, việc thu mua rễ cây tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ dẫn đến tình trạng người dân chặt phá vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán.

Bên cạnh đó, việc làm này còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn.

Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các địa phương vận động nông dân không bán phế phẩm hồ tiêu cho thương lái. Đồng thời, các ngành chức năng sẽ xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị mua rễ cây hồ tiêu.

Cảnh báo việc thương lái Trung Quốc thu mua rễ hồ tiêu giá cao
Đồng Nai cảnh báo người dân không chặt bỏ vườn tiêu để bán rễ cho thương lái Trung Quốc. (Ảnh: VOV)

Mới đây, Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết từ đầu tháng 4/2018, tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, một số thương lái Trung Quốc thu mua rễ cây hồ tiêu để làm thuốc Bắc với giá 20.000 đồng/kg tươi và 80.000 đồng/kg khô.

Ngoài ra, còn có thông tin các thương lái Trung Quốc mua rễ tiêu nhằm mục đích xay thành bột, trộn với tiêu xay gia vị. Tính đến nay, đã có 14 nông dân bán cho thương lái.

Chia sẻ trên VOV, ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, cho biết trong rễ tiêu sử dụng hóa chất nhiều, nếu sử dụng sản phẩm này để phục vụ nhu cầu của con sẽ trong lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong khi đó, một cán bộ nông nghiệp huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho rằng không loại trừ khả năng thương lái Trung Quốc đang cố tình tạo ra cơn “sốt ảo” rễ tiêu để trục lợi.

Theo vị cán bộ này, chiêu thức của những thương lái nước ngoài thu gom các bộ phận cây trồng vốn thường bị bỏ đi như rễ tiêu hay lá điều… là ban đầu họ mua một số lượng lớn hàng với giá cao. Sau đó, họ tiếp tục tung tin đẩy giá cao hơn nữa để tạo cơn “sốt ảo”.

Sau khi “đẩy” được giá lên cao, thương lái nước ngoài lại dùng chính số hàng đã thu mua trước đó bán lại cho các cơ sở thu mua ở địa phương với giá cao hơn đến 2, 3 lần. Với chiêu thức này, thương lái nước ngoài đã kiếm được một khoản chênh lệch lớn và sau đó rút lui.

Đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất trong việc mua bán các bộ phận cây trồng này chính là các cơ sở thu mua ở địa phương vì ôm một số lượng lớn hàng nhưng khi thương lái ngừng mua thì không bán được cho ai. Trong khi đó, không ít người nông dân vì hám lợi trước mắt mà chặt bỏ vườn cây, ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài.

Nguyễn Trang