Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định một số dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đẩu tư… ảnh hưởng hiệu quả đầu tư.

Trong báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025 trình Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã đề nghị cân nhắc việc vay vốn từ Trung Quốc.

Theo Bộ KH&ĐT, vốn vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm.

Các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Bộ KH&ĐT cho biết vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

Bộ KH&ĐT khẳng định tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Trong khi đó, một số dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đẩu tư… ảnh hưởng hiệu quả đầu tư.

Bộ này đề xuất Chính phủ cần xem xét và cân nhắc kỹ đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc thời gian tới.

Việt Nam đang tiếp cận vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi từ đa phương và song phương. Từ đa phương là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD)… trong đó vốn WB và ADB chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tuy nhiên, do đã trở thành nước thu nhập trung bình nên Việt Nam ít tiếp cận vốn ưu đãi từ WB. Trong khi đó, với vốn vay ADB, dự kiến đầu năm 2019 Việt Nam sẽ bị hạn chế vay vốn ưu đãi.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn nhận luồng vốn ODA và vay ưu đãi từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là những nước đang cho Việt Nam vay khoản tiền lớn để xây dựng nhiều công trình cầu và đường có vai trò chiến lược tại Việt Nam.

Rõ ràng, cảnh báo của Bộ KH&ĐT về vốn vay từ Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở bởi hiện Trung Quốc đang thực hiện chính sách đầu tư ra nước ngoài, chuyển giao công nghệ cũ và thực hiện chiến lược Một vành đai, Một con đường.

Riêng tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều dự án liên quan đến vay vốn, hợp tác với Trung Quốc đã để lại tiếng xấu và hệ lụy lớn cho nền kinh tế. Đơn cử như trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương có nhiều dự án mang dấu ấn của nhà thầu, chủ thầu của Trung Quốc như Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…

Đặc biệt, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Trung Quốc vừa đội nhiều vốn vừa chậm tiến độ gây nhiều phiền toái cho người dân Hà Nội.

Thực tế cho thấy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vốn ODA đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và giao thông. Tuy nhiên, các khoản vay ODA thường kèm theo các điều kiện bắt buộc, ví như nhà thầu của nước cung cấp ODA được thực hiện dự án (tổng thầu, tổng tư vấn), nước nhận ODA buộc phải nhập công nghệ, thiết bị phục vụ dự án hay các thỏa thuận về lương chuyên gia…

Do vậy, nếu tính đầy đủ lãi suất món vay (dù ưu đãi), mua công nghệ, thiết bị (nhiều khi họ lợi dụng thanh thải công nghệ lạc hậu) và các loại chi phí khác, rồi thất thoát, có khi lãi suất còn cao hơn vay thương mại rất nhiều.

Vì vậy, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về việc Việt Nam có nên sử dụng vốn ODA nữa hay không. Có chuyên gia kinh tế cho rằng không còn ODA có khi lại là điều tốt cho Việt Nam.

Theo Pháp luật Tp.HCM, trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang tăng cao, câu chuyện vay ODA là vấn đề phải cân nhắc thận trọng. Thêm vào đó, nợ vay ngắn hạn trong nước (đã lớn hơn vay nước ngoài) đã và đang tạo ra áp lực không nhỏ về nợ công và trả nợ, đè nặng lên ngân sách của Việt Nam.

Trong khi đó, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn (tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng) và Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng) hoàn toàn do tư nhân đầu tư được coi là những điểm sáng mở rộng hướng đi mới trong đầu tư, phát triển của Việt Nam.

Vỹ An