Đứng sau thủ đô Tokyo, Kyoto là thành phố thứ hai nổi tiếng hơn với khách du lịch. Kyoto (theo Hán tự nghĩa là “Kinh Đô”) từng là thủ đô đầu tiên của Nhật Bản vào năm 794 SCN, còn ngày nay, đây là nơi lưu trữ văn hóa sống ở Nhật Bản.
Nếu bạn muốn đến thăm các điện thờ và miếu đền, thì du lịch Kyoto là một quyết định sáng suốt. Thành phố có hơn 1600 ngôi đền Phật giáo và trên 400 điện thờ Thần đạo. Cho dù bạn dành thời gian khám phá thành phố như thế nào, thì khó có thể nói lời tạm biệt Kyoto mà chưa đến thăm một ngôi đền như thế.
Nhiều du khách đều yêu thích ghé thăm Di sản Thế giới UNESCO ở Kyoto, và nếu bạn cũng vậy, Kyoto sẽ không hề làm bạn thất vọng bởi có đến 17 địa danh trong số đó. Đối với lịch trình của hầu hết mọi du khách, khó có thể tới thăm tất cả các di sản này; bạn cũng không nên vội vàng, bởi chúng đều đẹp theo một nét riêng và luôn xứng đáng để bạn dành nhiều thời gian thưởng thức.
Vì vậy, thay vì cố gắng tới thăm quá nhiều, dưới đây là 7 trong số các di sản UNESCO nhất-định-phải-ghé-thăm ở Kyoto.
Kim Các Tự

Chùa Gác Vàng (còn gọi là Kim Các Tự, hay Kinkaku-ji – 金閣寺) là một trong những điểm du lịch thu hút nhất của Kyoto, và cũng vô cùng nổi tiếng trên thế giới. Được dát bằng vàng lá, vách gác của chùa phản chiếu rực rỡ xuống mặt hồ xung quanh.
Cho dù tới thăm vào mùa thu – khi những cây lá đỏ tương phản với màu vàng, hay mùa đông – khi màu vàng được phủ lên lớp tuyết trắng tinh khiết, hay vào một ngày quang đãng, bạn sẽ thấy gác vàng ánh lên sắc màu tuyệt đẹp – luôn luôn là thời điểm phù hợp để đến thăm Kim Các Tự.
Bản thân chùa có lưu giữ các di vật của Đức Phật; mỗi tầng đều đặc trưng với một lối kiến trúc khác nhau. Dù vậy, khách du lịch không được phép bước vào bên trong. Tuy nhiên, dạo quanh khu vườn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tòa kiến trúc này cũng là một chuyến thăm giá trị.
Địa chỉ: Số 1 Kinkakuji-cho, Kita-ku, thành phố Kyoto.
Ngân Các Tự

Chùa Gác Bạc (còn được gọi là Ngân Các Tự, hay Ginkaku-ji – 銀閣寺) trông giống như Kim Các Tự, chỉ có điều… đó là bạc. Hầu hết mọi người sẽ cho rằng khi so sánh với Kim Các Tự, chùa Gác Bạc không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, chính khu vườn lại khiến nó trở thành nơi đặc biệt.
Có lẽ đây là nơi đẹp nhất ở Nhật Bản. Trong khu vườn, bạn sẽ tìm thấy ‘biển cát bạc’ (ngân sa than – 銀沙灘) và ‘đài hướng về phía Mặt Trăng’ (hướng nguyệt đài – 向月台)


Người ta nói rằng khu vườn cát là tượng trưng cho núi Phú Sĩ, và cảnh tượng cũng khá ngoạn mục. Đụn cát lớn (hướng nguyệt đài) sẽ phản chiếu ánh sáng của Mặt Trăng và rọi vào Ngân Các Tự. Bởi chùa đóng cửa từ chập tối, có lẽ chúng ta không bao giờ biết được lời đồn thổi đó có đúng hay không.

Địa chỉ: Số 2 Ginkakuji-cho, Sakyo-ku, thành phố Kyoto
Nhị Điêu Thành

Khó có thể bỏ lỡ tòa thành này, bởi nó nằm trong trung tâm thành phố Kyoto. Được bao quanh bởi một hào nước lớn, khu đất bên trong tòa thành đặc trưng với một khu vườn xinh đẹp, cùng với nhiều điện thờ tọa lạc xung quanh các tòa kiến trúc.

Được xây dựng vào năm 1603, có lẽ Nhị Điêu Thành (hay Nijō Castle – 二条城) không giống với một lâu đài điển hình nào, bởi đó chỉ là tòa nhà một tầng nằm trên nền đất phẳng, nhưng không có nghĩa tòa thành không để lại ấn tượng cho bạn. Các gian phòng bên trong được trang trí tuyệt đẹp với nhiều bức vẽ và vàng lá, đặc trưng với cánh cửa trượt bằng giấy gạo truyền thống và các tấm thảm tatami.

Địa chỉ: Số 541 Nijojo-cho, Horikawa-nishiiru, Nijo-dori, Nakagyo-ku, thành phố Kyoto
Thanh Thủy Tự

Thanh Thủy Tự, nghĩa là “chùa nước thiêng”, còn gọi là Kiyomizu (清水寺). Tọa lạc trên một ngọn núi, Thanh Thủy Tự là một ngôi đền ấn tượng. Tòa kiến trúc chính của chùa là nơi thu hút nhất, bởi nó được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ và không sử dụng một chiếc đinh nào. Chính từ phần sàn, bạn có thể nhìn thấy hầu khắp thành phố Kyoto. Đây cũng là điểm đến nổi tiếng lúc Mặt Trời lặn, bởi ánh hoàng hôn in bóng ngôi đền tạo nên một cảnh tượng lãng mạn. Và bạn chỉ cần chuẩn bị tinh thần giữa đám đông khách du lịch.

Hàng hiên của chùa được nhiều cây cột cao chống đỡ, khiến nó giống như đứng cheo leo trên vách núi. Trở lại thời Edo, người ta tin rằng bất cứ ai nhảy xuống vách núi cao 13 m này mà vẫn còn sống thì sẽ được ban một điều ước nguyện. Các ghi chép cho thấy hơn 200 người đã thật sự nhảy xuống, và hơn 85% sống sót. Việc làm này hiện đã bị cấm vì một số lý do hiển nhiên.
Địa chỉ: Số 1-chome, Kiyomizu, Higashiyama-ku, thành phố Kyoto
Long An Tự

Khu vườn đá lừng danh thế giới tại Long An Tự (Ryōan-ji – 龍安寺) chính là nét thu hút hầu hết du khách tới thăm ngôi chùa Thiền nồi tiếng này. Còn được gọi là ngôi đền ‘Rồng Bình An’ (Long An), mọi người đến để ngồi lại và ngắm nhìn khu vườn đá từ chiếc cổng vòm – đôi khi là trong nhiều giờ liền.

Nếu bạn chưa biết nhiều điều về các khu vườn đá Nhật Bản, hãy hiểu rằng đá và cát được chuẩn bị công phu để biểu thị một điều gì đó vĩ đại, và đó thường là vũ trụ.

Không gian còn lại ở Long An Tự được hình thành từ một khu rừng khổng lồ với hồ nước lớn. Khu vực khá yên bình, và hồ nước thường được bao phủ với hoa súng nở rộ. Mặc dù vậy, khách du lịch không thường xuyên ghé thăm hồ, mà hầu hết là đến xem vườn đá.

Địa chỉ: 13 Ryoanji, Goryonoshita-cho, Ukyo-ku, thành phố Kyoto
Đông Tự

Ngoài các ngôi đền thực tế từ ‘thời đại bình yên’ (Heian Period), chùa Đông Tự (Tō-ji – 東寺) hay Giáo Vương Hộ Quốc Tự (Kyo-o-gokokuji – 教王護国寺), bao gồm những tòa kiến trúc có từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Trong khu giảng đường (Kodo) là những tượng Phật Chân ngôn tông lâu đời nhất Nhật Bản. Hầu hết du khách đến Đông Tự để chiêm ngưỡng tòa tháp 5 tầng, được coi là kho báu quốc gia, bởi nó mọc lên trên nền cảnh quan như một biểu tượng của Kyoto. Với độ cao 57 m, đây là ngôi chùa cao nhất Nhật Bản.

Địa chỉ: 1 Kujo-cho, Minami-ku, thành phố Kyoto
Thiên Long Tự

Thiên Long Tự (Tenryu-ji – 天龍寺) đứng ở vị trí đầu tiên trong 5 ngôi chùa Thiền lớn của Kyoto. Ngôi đền được tướng quân Ashikaga Takauji xây dựng tại cung điện Kameyama vào năm 1339 để làm yên lòng Thiên hoàng Hậu Đề Hồ.

Phía sau tòa chánh điện là vườn Sogenchi, được chọn lựa làm di tích lịch sử và khu vực cảnh quan lịch sử đặc biệt. Nhờ có khung cảnh núi Arashiyama và Kameyama xung quanh, nơi đây là một ví dụ điển hình của truyền thống quý tộc pha trộn với văn hóa Thiền, thể hiện vẻ đẹp của bốn mùa.

Copyright © 2014 by BesuDesu Abroad. Bài viết được thực hiện bởi Beth Williams, đăng trên Blog của Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh và đăng lần đầu trên BesuDesu Abroad
Bản dịch tiếng Việt đã được chỉnh lý và bổ sung hình ảnh. Nếu đọc giả quan tâm, xin mời đọc toàn văn bài gốc tại BesuDesu Abroad
Biên dịch: Hồng Liên
Xem thêm: