Sau ngót 30 năm kể từ ngày lên sóng, dàn diễn viên của bộ phim truyền hình kinh điển “Tây Du Ký” vẫn còn ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người hâm mộ. Thời gian qua đi như bóng câu ngoài cửa sổ, thấm thoắt người còn, kẻ mất. Giờ đây, cuộc sống của những Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… ngày ấy ra sao?
Năm 1986, Trung Quốc cho công chiếu bộ phim Tây Du Ký trên sóng truyền hình và ngay lập tức tạo nên một cơn sốt lớn. Theo một khảo sát, năm 1987 tỷ suất khán giả phổ thông xem Tây Du Ký lên tới 89,4%. Còn tỷ lệ những người mù chữ, chưa biết chữ theo dõi bộ phim này là 100% tuyệt đối.
Cuộc hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng khi ấy đã khiến cả châu Á sục sôi. Những màn võ thuật đã mắt và diễn xuất xuất thần của Tôn Ngộ Không, những pha gây cười của Trư Bát Giới hay vẻ từ tốn, khiêm cung của Đường Tăng, tính nhẫn nại của Sa Tăng… đều tạo nên trong lòng khán giả những ấn tượng không thể phai mờ.
Trải qua 30 năm cùng rất nhiều phiên bản điện ảnh khác nhau của Tây Du Ký song ký ức về dàn diễn viên Tây Du Ký 1986 luôn là vĩnh viễn trong lòng người hâm mộ. Họ đã trở thành huyền thoại.
1. Lục Tiểu Linh Đồng (vai Tôn Ngộ Không)
Ông sinh năm 1959, tên thật là Chương Kim Lai. Lục Tiểu Linh Đồng sinh ra trong một gia đình có tới 4 đời vào vai Tôn Ngộ Không, được gọi là gia đình “Hầu Vương thế gia”. Năm 1982, vượt qua hàng loạt ứng viên, Lục Tiểu Linh Đồng vào vai Tôn Ngộ Không như một sắp đặt định mệnh.
Cùng với Tây Du Ký, tên tuổi Lục Tiểu Linh Đồng đã vang xa khắp châu Á. Diễn xuất tuyệt vời của ông cho đến nay vẫn còn tạo nên một cái bóng quá lớn cho các thế hệ diễn viên sau này vào vai Tôn Ngộ Không. Sau này, nhắc đến Tôn Ngộ Không, người ta hầu như chỉ nhớ đến cái tên Lục Tiểu Linh Đồng.
“Mỹ Hầu Vương” năm nào giờ đang sống hạnh phúc cùng người vợ Vu Hồng, người bạn diễn của ông trong Tây Du Ký, vào vai “Hoàng hậu Thiên Trúc”. Hình ảnh Tôn Ngộ Không đầu đội vòng kim cô, mình mặc áo vàng tăng nhân, tay múa gậy Như Ý trừ yêu diệt quỷ, phò tá Đường Tăng thỉnh kinh đã trở thành kinh điển.
2. Mã Đức Hoa (vai Trư Bát Giới)
Mã Đức Hoa sinh năm 1945, năm nay đã ngoài 70 tuổi, là một diễn viên kịch nói nổi tiếng của Trung Quốc. Trư Bát Giới cũng chính là vai diễn truyền hình đầu tay của ông. Tuy là đầu tay nhưng cũng là vai xuất sắc nhất.
Mã Đức Hoa đã vào vai Trư Bát Giới không thể xuất sắc hơn. Một Trư Bát Giới ham ăn, háo sắc, biếng lười nhưng cũng trọng nghĩa, trọng thầy, trọng bạn được khắc họa đầy đủ trong từng diễn xuất nhỏ nhất của Mã Đức Hoa.
Cùng với Tôn Ngộ Không, vai Trư Bát Giới của Mã Đức Hoa đã trở thành kinh điển, có ấn tượng sâu đậm trong tâm trí khán giả, nhất là các em nhỏ.
3. Trì Trọng Thụy (vai Đường Tăng)
Trì Trọng Thụy (1952), là người Bắc Kinh, sớm bén duyên với nghiệp diễn xuất và thi đỗ vào học viện Hí Kịch Thượng Hải. Ông từng tham gia vào rất nhiều tác phẩm nhưng vai diễn Đường Tăng là vai diễn ấn tượng nhất.
Gia đình ông có niềm tin sâu sắc vào Phật pháp nên Trì Trọng Thụy nhập vai Đường Tăng cũng rất xuất thuần, để lại ấn tượng sâu sắc với người xem. Tuy nhiên, hiện nay, Trì Trọng Thụy đã từ bỏ nghiệp diễn và trở thành một thương nhân. Ông kết hôn với một nữ doanh nhân tên là Trần Lệ Hoa, từng có một đời chồng trước và được cho là nữ triệu phú sở hữu tài sản lớn thứ hai ở Trung Quốc.
4. Từ Thiếu Hoa (vai Đường Tăng)
Một diễn viên khác từng vào vai Đường Tăng là Từ Thiếu Hoa. Ông sinh năm 1958 tại Sơn Đông. Khuôn mặt điển trai, thư sinh của ông rất hợp với vai Đường Tăng thời trẻ.
Sau vai Đường Tăng, sự nghiệp của Từ Thiếu Hoa rất hanh thông. Ông là diễn viên cấp một quốc gia, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong đoàn kịch nói tỉnh Sơn Đông. Hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng Từ Thiếu Hoa vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động công ích, làm từ thiện…
Dù đã gần 60 tuổi, Từ Thiếu Hoa vẫn miệt mài “chạy sô” ở các tỉnh lẻ. Năm ngoái, Từ Thiếu Hoa xuất hiện trong một buổi biểu diễn ngoài trời đã làm cộng đồng mạng xôn xao.
5. Diêm Hoài Lễ (vai Sa Tăng)
Diêm Hoài Lễ vốn xuất thân là một diễn viên kịch. Vào vai Sa Tăng là một thử thách khó khăn về diễn xuất của Diêm Hoài Lễ. Tuy nhiên, ông đã diễn rất trơn tru và còn đảm nhiệm thêm rất nhiều vai khác trong Tây Du Ký như: Ngưu Ma Vương, Tây Hải Long Vương, Thái Thượng Lão Quân, Ngự Mã Giám…
Điều này xuất phát từ việc đoàn làm phim rất thiếu thốn diễn viên đóng vai phụ. Kỹ thuật hóa trang khéo léo đã giúp Sa Tăng thể hiện rất trọn vẹn cả 7 vai mà hầu như không ai nhận ra. Năm 2009, Diêm Hoài Lễ trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh viêm phổi, hưởng thọ 73 tuổi. Sự ra đi của ông khiến cả làng giải trí Hoa ngữ sững sờ, tiếc nuối.
6. Tả Đại Phân (vai Quan Thế Âm Bồ Tát)
Tả Đại Phân quê ở tỉnh Hồ Nam, nổi tiếng khắp vùng vì nhan sắc xinh đẹp thuở còn là một thiếu nữ. Nhiều người thậm chí còn trìu mến gọi bà là “búp bê”. Vai Quan Thế Âm Bồ Tát của bà diễn cực kỳ thành công. Ngay cả đến các đạo diễn, biên kịch cũng phải công nhận rằng Tả Đại Phân sinh ra để diễn vai này.
Hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên đài sen, ánh mắt hiền từ, tay cầm bình ngọc, luôn xuất hiện kịp thời cứu khổ, cứu nạn cho thầy trò Đường Tăng đã trở thành một trong những hình ảnh kinh điển của Tây Du Ký.
7. Khâu Bội Trữ (vai Hằng Nga)
Không chỉ sở hữu vẻ đẹp tuyệt sắc, nghiêng nước nghiêng thành khiến Thiên Bồng Nguyên Soái Trư Bát Giới say như điếu đổ trong phim, ngoài đời Khâu Bội Trữ cũng rất đẹp.
Năm nay, nữ diễn viên đã bước sang tuổi 58. Bà đã bỏ nghiệp diễn và chuyển sang định cư tại Mỹ cùng các con và người chồng thứ hai. Bà có một sự nghiệp kinh doanh rất thành công.
8. Châu Quảng Long (vai Phật Tổ Như Lai)
Khi đảm nhiệm vai Phật Tổ Như Lai, Châu Quảng Long đã 47 tuổi. Ông từng theo học tại Học viện nghệ thuật Lan Châu, là người có nhiều đóng góp cho hoạt động kịch nói ở địa phương. Vai Phật Tổ Như Lai khiến tên tuổi của Châu Quảng Long được rất nhiều người biết đến.
Sau vai diễn trong Tây Du Ký, Châu Quảng Long gần như không còn xuất hiện trên truyền thông. Những thông tin về ông hết sức ít ỏi. Năm nay, ông đã bước sang tuổi 77 nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh.
9. Vương Lâm (vai nữ vương Tây Lương Nữ Quốc)
Chu Lâm (sinh năm 1952) vào vai Tây Lương Nữ Quốc rất đạt với diễn xuất có hồn và thu hút khán giả bằng mối tình bị cự tuyệt đau đớn với Đường Tăng. Chu Lâm cũng là một người có nhan sắc mặn mà. Thời điểm đóng Tây Du Ký, bà đã có gia đình. Nhưng những cảnh diễn ăn ý của bà và Từ Thiếu Hoa làm dư luận dấy lên nghi án “phim giả tình thật” của hai người.
Ngoài đời, chuyện tình duyên của Chu Lâm cũng khá ư lận đận. Bà cũng bước qua hai lần đò giống như Hằng Nga Khâu Bội Trữ. Năm 2005, Chu Lâm tái hôn và sống khá khép mình trước truyền thông, hầu như không còn xuất hiện trên truyền hình nữa.
10. Hàn Thiện Tục (vai Độc Giác Quỷ vương) và Ngô Quế Linh (vai Trấn Nguyên đại tiên)
Dù chỉ là những vai phụ của Tây Du Ký nhưng cả hai diễn viên Hàn Thiện Tục và Ngô Quế Linh đều gây được ấn tượng sâu sắc với khán giả. Mới đây, cả làng giải trí Hoa ngữ đã trải qua một phen đau buồn khi chứng kiến cả hai lần lượt qua đời, cách nhau chỉ vài ngày. Hàn Thiện Tục ra đi ở tuổi 79, còn Ngô Quế Linh mất ở tuổi 77.
11. Vương Phượng Hà (vai Thiết Phiến công chúa)
Với Thiết Phiến công chúa, Vương Phượng Hà đã có một vai diễn để đời. Thiết Phiến công chúa, tên thường gọi là Bà La Sát, vợ của Ngưu Ma Vương, sống ở động Ba Tiêu, núi Thúy Vân có chiếc quạt bảo bối Ba Tiêu cực kỳ lợi hại.
Tôn Ngộ Không đã năm lần, bảy lượt đến tìm mượn nhưng đều bị từ chối, thậm chí còn bị đánh cho phải tháo chạy mấy lần. Năm 1993, Vương Phượng Hà mất ở tuổi 38 sau nhiều năm chống chịu với căn bệnh ung thư vú.
12. Thiết Ngưu (vai Phật Di Lặc)
Ông sinh năm 1922 ở Sơn Đông (Trung Quốc). Vai Phật Di Lặc phúc hậu trong Tây Du Ký của ông chiếm được rất nhiều cảm tình của khán giả. Năm 2015, Thiết Ngưu qua đời, hưởng thọ 93 tuổi. Trong những năm tháng cuối đời, Thiết Ngưu luôn nhận được sự hỏi han ân cần của nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là nghệ sĩ Lục Tiểu Linh Đồng.
Hữu Bằng (tổng hợp)
Xem thêm: