Trái ngược với nô lệ châu Phi, nô lệ da trắng có vị trí đảo ngược: chủ nô là những người châu Phi Hồi giáo vùng Địa Trung Hải, nô lệ là người da trắng châu Âu, nhưng không phải chỉ có vậy…

Phải chăng chỉ có nô lệ da đen?

Người ta kết tội nhiều về thảm kịch nô lệ châu Phi diễn ra từ giữa thế kỷ XVI tới tận thế kỷ XIX. Tuy nhiên, một hoạt động kinh doanh buôn bán người khác, cũng khủng khiếp tương tự như vậy, đã diễn ra cùng thời điểm đó ở khu vực Địa Trung Hải.

Bản đồ Địa Trung Hải (ảnh: wiki)

Địa Trung Hải là một phần của Đại Tây Dương được vây quanh bởi đất liền – phía bắc bởi châu Âu, phía nam bởi châu Phi, và phía đông bởi châu Á. Có 21 quốc gia sở hữu đường bờ biển Địa Trung Hải: Châu Âu (từ tây sang đông): Tây Ban Nha, Pháp, Monaco, Ý, Malta, Slovenia, Croatia, Bosna và Hercegovina, Montenegro, Albania, Hy Lạp, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Châu Á và Trung Đông (bắc xuống nam): Thổ Nhĩ Kỳ (Anatolia), Síp, Syria, Liban, Israel, Ai Cập (bán đảo Sinai).

Châu Phi (đông sang tây): Ai Cập, Libya, Tunisia, Algerie, Maroc.

Ai thực hiện? Cướp biển

Buôn bán nô lệ ở Địa Trung Hải được biết đến với tên những cướp biển Hồi giáo bắt người da trắng Ki tô giáo, như hình ảnh nói trên, tuy nhiên đó chưa phản ánh hoàn toàn sự thật…(Ảnh: Pinterest)

Người ta biết tới chế độ buôn bán nô lệ từ xa xưa, trong Bộ luật Hammurabi ở Babylon thế kỷ thứ mười tám trước Công Nguyên.

Hầu như tất cả các nền văn minh và văn hóa lớn đều có nô lệ và bắt các dân tộc nhỏ bé hơn làm nô lệ. Tuy nhiên, người ta ít quan tâm hơn tới việc buôn bán nô lệ do những tên cướp biển thực hiện dọc theo bờ biển Địa Trung Hải Barbary.

Người ta ước tính rằng 1,25 triệu người châu Âu bị bắt làm nô lệ bởi “cướp biển Barbary” vào khoảng năm 1600 sau Công Nguyên, và cuộc sống của họ cũng ảm đạm không khác gì các nô lệ châu Phi. Họ được gọi là nô lệ Barbary trắng. Barbary (là thuật ngữ những người châu Âu gọi vào thời điểm đó) chính là tương ứng với vị trí của Ma rốc, Algerie, Tunisie và Libya ngày nay.

Bất cứ ai đi du lịch Địa Trung Hải đều có nguy cơ bị bắt làm nô lệ

Một cuộc chiến đấu trên biển để chống lại những tên cướp biển Địa Trung Hải. (Ảnh: Wikipedia.org)

Bất cứ ai đi du lịch tới Địa Trung Hải vào thời điểm đó đều có nguy cơ thực sự bị cướp biển bắt giữ, và đưa vào các thành phố bờ biển Barbary để bán như nô lệ.

Đang yên ấm ở nhà cũng có thể bị bắt làm nô lệ

Không chỉ thỏa mãn với việc tấn công tàu và các thủy thủ, hải tặc cũng tấn công các cơ sở ven biển ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Ireland, và thậm chí đến Hà Lan và Iceland. Họ đã đổ bộ lên những bãi biển không được bảo vệ, và xông vào làng buổi đêm để bắt các nạn nhân.

Hầu như tất cả cư dân của làng Baltimore ở Ireland đã bị bắt đi theo cách này năm 1631. Trước mối nguy này, dân cư nhiều làng ven biển Địa Trung Hải đã hầu như bỏ làng ra đi cho đến thế kỷ XIX.

Trong thế kỷ mười ba và mười bốn, những tên cướp biển đến từ Catalonia và Sicily của Ý đã thống lĩnh biển, đặt ra một mối đe dọa thường trực đối với các thương gia.

Cướp biển mở rộng hoạt động

Tới thời điểm năm 1600, cướp biển châu Âu đã có kỹ thuật hàng hải và xây dựng tàu tiên tiến ở khu vực bờ biển Barbary. Điều này cho phép cướp biển mở rộng hoạt động của mình ở Đại Tây Dương, và tác động của các cuộc tấn công man rợ lên đến đỉnh điểm nửa đầu của thế kỷ XVII.

Người ta thường nghĩ việc buôn bán nô lệ Barbary thường do cướp biển Hồi giáo bắt nạn nhân Kitô giáo, trên thực tế không đơn giản vậy.

Cướp biển không thực sự quan tâm đến nguồn gốc tôn giáo tín ngưỡng của nạn nhân.

Cướp biển thực sự không quan tâm đến nguồn gốc hay tín ngưỡng của những người mà chúng bắt. Các nô lệ Barbary có thể là da đen, trắng hay ngăm đen; cũng có thể là Người Công giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo, Do Thái hay Hồi giáo. Và cướp biển cũng không chỉ là người Hồi giáo: cũng có cướp biển Anh và thuyền trưởng Thổ Nhĩ Kỳ (Hồi giáo) đổi vai cho nhau.

Có đúng bản chất của chế độ nô lệ là phân biệt chủng tộc?

Một trong những điều mà cả công chúng và các viện nghiên cứu dường như đều muốn đưa ra là chế độ nô lệ luôn luôn có bản chất phân biệt chủng tộc” nhà sử học Robert Davis, tác giả của “Nô lệ Cơ đốc giáo, chủ  nô Hồi giáo: Chế độ nô lệ trắng ở Địa Trung Hải (1500-1800)” đã báo cáo, “Nhưng điều đó là không đúng sự thật,” ông nói thêm.

Trong ý kiến ​​có thể dẫn đến tranh cãi của nhà sử học Robert Davis, Davis khẳng định rằng chế độ nô lệ da trắng đã được nhắc đến một cách giảm thiểu nhất hoặc cố tình bỏ qua bởi vì các nhà nghiên cứu Viện Hàn lâm, vốn ưa thích đề cập đến người châu Âu như những tên thực dân ác độc chứ không phải là nạn nhân.

Cuộc sống của nô lệ da trắng.

Những cô gái da trắng bị cướp biển bắt rồi bán ở chợ nô lệ, để làm việc nhà hoặc làm nô lệ tình dục cho các chủ nô Hồi giáo châu Phi. (Ảnh: Webster.com)

Nô lệ bị cướp biển Barbary bắt đã phải đối mặt với một số phận bi ai. Nhiều người chết trong cuộc hành trình dài trở lại Bắc Phi do bệnh tật hoặc thiếu thức ăn và nước uống. Những người sống sót được đưa tới các chợ nô lệ, nơi họ đã phải đứng hàng giờ đồng hồ trong khi người mua kiểm tra họ trước khi họ được bán đấu giá.

Sau khi mua, các nô lệ đã được đưa vào làm việc theo những cách thức khác nhau. Đàn ông thường được chỉ định để thực hiện những công việc lao động chân tay nặng nhọc, chẳng hạn như làm việc trong hầm mỏ và xây dựng hạng nặng.

Phụ nữ thì được sử dụng vào công việc nhà hoặc làm nô lệ tình dục. Vào ban đêm, những người nô lệ đã được đưa vào nhà tù gọi là “bagnios”, thường rất chật chội và ngột ngạt.

Tuy nhiên, số phận dường như khủng khiếp nhất cho một nô lệ Barbary khi phải làm công việc chèo thuyền. Các tay chèo được đưa vào chỗ ngồi, và không bao giờ được phép rời khỏi. Ngủ, ăn, đi tiểu và đi ngoài tất cả đều thực hiện ngay tại chỗ trên băng ghế của họ. Người canh gác được phép quất roi trên lưng trần của những người nô lệ khi họ bị cho là làm việc không đủ chăm chỉ.

Khủng khiếp nhất là số phận của nô lệ chèo thuyền. (Ảnh: WordPress.com)

Cướp biển Barbary khủng khiếp đến hồi kết thúc

Các hoạt động cướp biển bắt đầu giảm dần vào cuối thế kỷ XVIII, trong khi lực lượng hải quân hùng mạnh nhất châu Âu bắt đầu bắt buộc các tên cướp biển ngưng tấn công hạm đội của họ. Tuy nhiên chỉ tới những năm đầu thế kỷ XIX, một số quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ mới bắt đầu chiến đấu nghiêm túc hơn với vấn nạn cướp biển Barbary.

Algers đã bị đánh bom nhiều lần bởi người Pháp, Tây Ban Nha và người Mỹ vào đầu thế kỷ XIX.

Và cuối cùng sau cuộc tấn công Anh-Hà Lan trên Algers năm 1816 mà hải tặc bị buộc phải chấp nhận các điều khoản bao gồm dấu chấm hết cho việc thực hành buôn bán nô lệ người da trắng Kito giáo, trong khi việc buôn bán nô lệ không phải người Châu Âu vẫn được phép tiếp tục.

Sự cố lẻ tẻ thỉnh thoảng vẫn diễn ra cho đến cuộc tấn công của Anh trên Algers năm 1824.

Sau đó là cuộc xâm chiếm của Pháp ở Algers vào năm 1830, ban đầu là chiếm làm thuộc địa, và sau đó trở thành một tỉnh hải ngoại của nước Pháp. Tunis cũng bị xâm lược tương tự bởi Pháp vào năm 1881. Tripoli trở lại dưới sự kiểm soát trực tiếp của đế chế Ottoman năm 1835, trước khi rơi vào tay người Ý trong chiến tranh Ý-Thổ Nhĩ Kỳ năm 1911.

Cơn ác mộng buôn bán nô lệ cuối cùng cũng đã kết thúc trên bờ biển Barbary khi các chính phủ châu Âu đã thông qua luật giải phóng nô lệ.

Theo epochtimes.fr

Hà Phương Linh biên dịch