Phải nói rằng đây là một sự thay đổi vĩ đại đối với Google Maps. Trước đó, rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em luôn thắc mắc vì sao Trái Đất trong Google Maps lại là một mặt phẳng, trong khi sách giáo khoa nói Trái Đất là hình cầu.

Xưa nay Google vẫn áp dụng phép chiếu Mercator để xây dựng bản đồ phẳng trong phần mềm Google Maps. Cách làm này thường được áp dụng khi người ta cần in bản đồ ra giấy, những tấm bản đồ vốn không thể phóng lớn thu nhỏ.

Năm 2009, Google đã từng giải thích sở dĩ họ dùng phép chiếu Mercator vì đó là cách tốt nhất để không làm sơ đồ các tuyến đường trở nên méo mó. Tuy nhiên, phép chiếu Mercator sẽ làm tỷ lệ của một số lục địa bị sai lệch so với kích thước thực tế. Những lục địa gần xích đạo bị co lại, trong khi những lục địa gần về phía 2 cực Trái Đất lại phình to ra.

Vương quốc Đan Mạch là một ví dụ điển hình. Kích thước thực tế của đất nước này chỉ bằng 1/14 kích thước Châu Phi nhưng trên bản đồ phẳng, chúng to gần bằng nhau.

Sau bao nhiêu năm hiển thị Trái Đất hình phẳng, giờ đây Google Maps đã chịu thừa nhận Trái Đất hình cầu
So sánh kích thước của Đan Mạch (đỏ) và Châu Phi (xanh).

Cuối cùng Google cũng chịu thay đổi. Họ đã tối ưu thuật toán phóng to thu nhỏ của Google Maps để có thể áp dụng công nghệ 3D vào phần mềm này. Giờ đây chúng ta có thể nhìn thấy Trái Đất hình cầu và quan trọng là những đứa trẻ sẽ không cảm thấy mâu thuẫn với kiến thức khoa học, địa lý mà chúng được học ở trường nữa.

Sau bao nhiêu năm hiển thị Trái Đất hình phẳng, giờ đây Google Maps đã chịu thừa nhận Trái Đất hình cầu
Cảm giác xoay xoay “quả bóng” Trái Đất thật thích thú phải không nào.

T.Vũ