Ngày 12/8 theo giờ Mỹ, NASA đã phóng thành công tên lửa đẩy Delta 4 Heavy đưa tàu vũ trụ Parker Solar Probe ra khỏi bầu khí quyển, mang theo sứ mệnh thám hiểm Mặt Trời.

43 phút sau khi rời khỏi bệ phóng, tàu vũ trụ Parker Solar Probe tách khỏi tên lửa đẩy Delta 4 Heavy. Con tàu sẽ hướng thẳng tới sao Kim và lợi dụng lực hút từ hành tinh này để đạt tới tốc độ lý tưởng đi tiếp hành trình của mình.

Ngoài lực đẩy từ Delta 4 Heavy, tàu vũ trụ nặng 700 kg còn cần tới sự hỗ trợ của cả động cơ tên lửa Star 48BV để chống lại vận tốc quay quanh Mặt Trời của Trái Đất.

Theo kế hoạch, Parker Solar Probe sẽ tới điểm mốc cận Mặt Trời đầu tiên vào tháng 11, cách Mặt Trời 24,8 triệu km. Các điểm tiếp theo sẽ thu gọn khoảng cách xuống còn 6,1 triệu km đồng thời tăng tốc độ di chuyển của con tàu lên tới 695 nghìn km/h.

Tiếp cận ở khoảng cách gần là điều rất cần thiết để các thiết bị trên tàu ghi nhận dữ liệu và sự kiện diễn ra trên bề mặt Mặt Trời một cách rõ nét nhất. Bằng cách ước lượng những con số bên trong vành nhật hoa, các nhà khoa học hy vọng sẽ có thể lý giải điều gì khiến Mặt Trời lại nóng tới hàng triệu °C như vậy.

Parker Solar Probe sẽ quay 24 vòng quanh quỹ đạo Mặt Trời, dự tính đến giữa năm 2025. Sứ mệnh này sẽ kết thúc khi còn tàu hết nhiên liệu để chống chọi lại sức hút khổng lồ từ “quả cầu lửa”.

T.Vũ