Trước đây, dư luận xôn xao vì cụm từ “tầng lớp tinh hoa, quý tộc” sau một ý kiến bảo vệ việc xây dựng nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm. Người ta bắt đầu tìm hiểu và phân tích định nghĩa thế nào là tầng lớp tinh hoa, quý tộc. Và có vẻ như, sự tinh hoa, quý tộc không liên quan gì tới mức độ thừa thãi về mặt vật chất hay sự toàn diện trong giáo dục.

Bởi có những người thiếu thốn trong đời sống vật chất cũng không được học hành đến thạc sĩ hay tiến sĩ, nhưng phẩm chất quý tộc vẫn toát lên trong mọi hành động và suy nghĩ của họ.

Nghệ thuật chỉ là một điều kiện cần để trở thành tầng lớp tinh hoa

Trong cuốn sách Phẩm cách Quốc gia, giáo sư người Nhật Fujiwara Masahiko đã viết:

“Để trở thành tinh hoa thật sự thì người ta cần tới hai điều kiện. Một là trang bị cho bản thân vốn văn hóa – những thứ vốn được coi là không đem lại lợi ích gì như văn học, triết học, lịch sử, nghệ thuật, khoa học. Dựa trên nền tảng văn hóa đó mà có được cái nhìn toàn cục và năng lực phán đoán tổng hợp ưu việt mà người dân thường khó có thể sánh được. Đây là điều kiện thứ nhất. Hai là, khi “hữu sự” thì có tấm lòng sẵn sàng hy sinh tính mạng cho quốc gia, dân tộc”.

Đúng là muốn trở thành tinh hoa theo như ông Masahiko, người ta cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức về nghệ thuật bởi đó là một phần của nền tảng văn hoá để giúp ta có cái nhìn và năng lực phán đoán toàn diện hơn trước mọi vấn đề. Nhưng không phải cứ nhồi nhét thật nhiều văn hoá vào người là trở thành người có văn hoá, không phải tới xem thật nhiều buổi biểu diễn nhạc giao hưởng với cái quạt phe phẩy ồn ào và ngáp lia lịa là trở thành tinh hoa, quý tộc.

Giáo sư Trịnh Cường của Đại học Chiết Giang, Trung Quốc từng nói một cách thẳng thắn không e ngại rằng: “Người dân chúng ta thì có hai người trên xe buýt thôi mà vẫn chen lấn nhau. Tương lai cho dù Trung Quốc phát triển rồi, bạn hãy nhìn những người giàu lái xe hơi sang trọng xem, họ khạc nhổ, vứt rác qua cửa kính ô tô, bạn sẽ biết ngay Trung Quốc có giàu có hơn nữa cũng không có lớn mạnh”.

Thế nên đâu phải cứ đi ô tô thì sẽ văn hoá hơn xe máy, nghe nhạc giao hưởng thì sẽ quý tộc hơn nghe nhạc trữ tình. Người có tinh thần quý tộc thật sự, dù họ đi xe đạp cũng thẳng lưng, khoan thai, đi nhanh cũng không thở hồng hộc phì phò, tất nhiên chẳng thể vượt đèn đỏ hay lạng lách đi bừa. Người có tinh thần quý tộc thì dù mặc quần áo cũ, bạc, thì vẫn phải thẳng thớm, gọn gàng. Người có tinh thần quý tộc thì dù phải nghe thứ âm nhạc mà họ cảm thấy uỷ mỵ, thê lương cũng sẽ không bày tỏ thái độ khó chịu để tôn trọng người nghệ sĩ và những người yêu thích thứ âm nhạc đó.

Người quý tộc khi tới cửa sẽ nép mình vào một bên nhường đường cho người đối diện qua trước rồi mới tới lượt mình. Khi thấy người ăn xin, người quý tộc sẽ không trực tiếp ném tiền vào họ mà lặng lẽ mua một xuất ăn nóng hổi nhờ nhân viên nhà hàng mang tới cho người cần. Người quý tộc biết giữ lễ nghĩa với tất cả những ai đối diện họ, giữ nề nếp tại tất cả những môi trường công cộng mà họ tới. Và người quý tộc sẽ không vội vàng nhảy bổ vào các cuộc tranh luận để bày tỏ quan điểm hay bác bỏ người khác để tôn lên cái chủ kiến cá nhân.

Điều làm nên sự khác biệt là cái gốc văn hoá thật sự trong con người, là khả năng phán đoán, phân tích tình hình một cách khách quan và rộng lượng; có chính kiến mà không áp đặt, phê phán người khác; có tiết tháo, trọng danh dự mà không quá cầu kỳ, giả tạo về mặt hình thức; có lương tri và sự từ bi đạt tới khả năng giao cảm với mọi tầng lớp xã hội và thiên nhiên, tạo hoá.

Phẩm chất quý tộc thật sự

Thế nên một điều quan trọng làm nên phẩm cách quý tộc phải là sự từ bi, rộng lượng, và tự thấy có trách nhiệm, sứ mệnh gánh vác đối với các mối quan tâm lâu dài của xã hội.

Trữ An Bình trong Anh quốc phong thái lục có nói: “Phàm là một quý ông quý tộc thực thụ, họ đều xem thường đồng tiền… Người Anh cho rằng một quý ông quý tộc thực thụ là một người cao quý thực sự, chính trực, không thiên vị, không sợ gian khó, thậm chí có thể vì người khác mà hy sinh chính mình. Anh ta không chỉ là một người có danh dự, mà còn là một người có lương tri”.

Bởi trên hết, khi họ có thể có đủ văn hoá để nhận định mọi chuyện, họ biết rằng, cái tôi cá nhân thật nhỏ bé, cái họ hiểu biết cũng thật nhỏ bé. Và dù họ biết rằng phải có trách nhiệm bảo vệ những điều đúng đắn, nhưng phong thái tranh luận cũng nói lên nội hàm con người, và cách khiến người khác tâm phục khẩu phục không phải là bằng sự phán xét, áp đặt và chỉ trích.

Quan điểm về phấm chất quý tộc phương Đông

Có câu nói, quý tộc không phải là hưởng thụ vật chất mà là một loại trạng thái tinh thần, quả đúng lắm. Cái quan điểm về tinh thần quý tộc phương Tây này thật ra lại rất đồng điệu với quan điểm về người quân tử trong văn hoá phương Đông. Có điều, để làm nổi bật hơn nữa, người ta thường phân biệt rõ ràng giữa quân tử (người có đầy đủ đức hạnh) và tiểu nhân (người có nhân cách thấp kém).

Trong đó, trí tuệ của người quân tử không thể hiện ở những tranh luận, thu vén lợi ích vụn vặt mà ở lòng dạ quang minh chính đại, khoan dung độ lượng. Từ đó, lấy tĩnh chế động, hoà ái từ trong tâm cho tới hành động.

Quân tử thường cầu mình chứ không cầu người, nghĩa là đặt yêu cầu cao cho bản thân mà ước thúc thực hành tu tâm lẫn thân. Còn kẻ tiểu nhân thường không xem xét chính mình mà tìm sai lầm của người khác và phán xét.

Người ta vẫn thường nhầm tưởng rằng người quân tử thì thường có khí chất cao ngạo, nhưng thật ra đó chỉ là cái áo mỏng tang của kẻ thất phu. Người quân tử ung dung, bình thản, sống hợp đạo Trời, thuận theo lòng người mà vẫn nhận được sự tôn kính tột bậc. Họ trang trọng trong ăn mặc, bình thản trong tâm hồn, không làm chuyện thất thố, thái quá. Còn kẻ tiểu nhân thì khoe mẽ, tâm hồn xáo động chẳng lúc nào yên.

Khổng Tử từng nói: “Nhân giả bất ưu, trí giả bất hoặc, dũng giả bất cụ”, tạm dịch là người có lòng nhân thì không ưu tư, có kiến thức thì không nghi ngờ, có dũng cảm thì không sợ hãi. 

Thế nên, người quân tử đã hiểu biết tỏ tường cái phông văn hoá hay có đạo học đầy đủ thì luôn trầm tĩnh tự tại, khoan dung độ lượng với mọi sự khác biệt và thấp kém, lại càng chẳng có thế lực nào có thể lay chuyển được họ. Ngược lại, kẻ tiểu nhân tâm địa hẹp hòi, trong lòng luôn có điều mờ ám, vĩnh viễn bất an và thích làm những chuyện phiến động đồn đại.

Dù có phân biệt bằng khái niệm nào đi nữa, tầng lớp tinh hoa, quý tộc hay bậc quân tử trượng phu, thì đều phải có một điểm như Fujiwara Masahiko hay Trữ An Bình mô tả, đó là sự sẵn sàng hy sinh bản thân cho những lợi ích lớn lao hơn của cộng đồng.

Đó là nền tảng cơ bản ở mọi quốc gia hùng mạnh nhất khi muốn dựa vào tầng lớp tinh hoa để dẫn dắt đất nước. Bởi những người này cảm thấy trách nhiệm làm việc tốt đẹp cho xã hội là sứ mệnh của họ, làm việc công là để mang tới lợi ích cho xã hội, đó là quá trình đòi hỏi sự hy sinh chứ không phải hưởng thụ. Làm việc công không phải vì danh vọng, quyền lực, tiền tài, vật chất, mà vì người khác, vì sự tốt đẹp hơn của cộng đồng.

Thế nên muốn quốc gia phát triển, Masahiko đã đặt vấn đề rằng phải cần đến những người tinh hoa thật sự, và rằng giới quan liêu bao cấp không phải là tinh hoa. Chỉ khi những người đang dẫn dắt đất nước thật sự đạt đến tiêu chuẩn tinh hoa, quý tộc thực thụ, với tinh thần hy sinh và sẵn sàng tiếp thu ý kiến trái chiều, có thể viên dung lợi ích của những tầng lớp xã hội khác nhau, thì lúc đó quốc gia mà chúng ta đang xây dựng mới thật sự phát triển bền vững và hùng mạnh.

Nguồn ảnh: Shutterstock.