Thế đấy, người Mỹ cũng không hề ngây ngô, họ tin và duy trì những điều mà có thể khiến những kẻ “cấp tiến” như tôi cười cợt, nhưng đổi lại, họ có được một nền tảng vững chắc để giáo dục dân chúng.
Người Mỹ ngốc nghếch?
Quá ấu trĩ! Họ đi sau chúng ta quá xa về tư tưởng! Từ bé tôi đã được dạy rằng con người là tiến hóa từ vượn mà ra, không có Thần Phật nào hết, tôn giáo chỉ là “sự bám víu của những tâm hồn yếu đuối”, là “thuốc phiện tinh thần” mà thôi.
Trong khi đó, người Mỹ lại thể hiện niềm tin ngốc nghếch của mình ở cấp quốc gia mà chẳng ngại những người vô Thần cấp tiến như tôi cười nhạo. Tiêu ngữ quốc gia của đất nước này được in trên mỗi đồng đô-la là: “In God, We Trust” (Tạm dịch: Chúng ta tin vào Chúa). Bản tuyên thệ dưới cờ cũng có cụm từ: “One Nation, Under God” (Tạm dịch: Một quốc gia dưới Chúa). Và đất nước này còn có “Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc” được tổ chức vào tháng 2 hàng năm.
Trong mắt người Mỹ, họ là con dân của Chúa. Đất nước được thành lập dựa trên cơ sở: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nhân dân không thuộc về chính phủ mà thuộc về Chúa. Chính phủ không phải là khái niệm cao cả và quyền lực nhất, Chúa mới là người quyền lực nhất. Tổng thống của họ – ông Donald Trump trong bài phát biểu nhân ngày Độc lập còn dám nói rằng: “Ở Mỹ, chúng ta không tôn kính chính phủ, chúng ta tôn kính Chúa”.

Ôi thật kỳ lạ! Chính phủ là những người hiện hữu ở đó, hàng ngày làm những việc to tát để chăm lo cho đời sống nhân dân mà các ông lại không tôn kính? Tôn kính Chúa ư? Chúa có bao giờ xuất hiện đâu?
Trong Tuyên bố Lễ tạ ơn quốc gia đầu tiên vào năm 1777 do Henry Laurens ký, có đoạn viết về lý do để có một ngày Tạ ơn của Đại hội Lục địa như sau:
“… Cho lòng cảm ân và những lời ca ngợi một cách trang nghiêm. Đồng lòng như từ cùng một trái tim và một giọng nói, người tốt có thể bày tỏ cảm xúc biết ơn từ tấm lòng của mình, và dâng mình cho sự phục vụ của Đấng Cứu Thế của họ…”
Vài năm sau, George Washington – Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã chính thức công bố ngày Lễ tạ ơn của toàn quốc gia thống nhất, trong đó có nói:
“… Nghĩa vụ của chúng ta với tư cách là một con người, với lòng tôn kính và lòng biết ơn trìu mến, là thừa nhận nghĩa vụ lớn lao của chúng ta đối với Thượng Đế Toàn Năng… và để cầu xin Ngài tiếp tục chứng thực các phước lành mà chúng ta đã được trải nghiệm…”
Cho tới năm 1863, Abraham Lincoln một lần nữa kêu gọi tổ chức ngày Lễ tạ ơn để thúc đẩy đoàn kết dân tộc trong bối cảnh cuộc nội chiến đã chia rẽ những người anh em, những đứa con của Chúa. Ông nói rằng:
… Được công bố trong Kinh Thánh và được chứng minh bởi lịch sử, rằng những quốc gia được ban phước đều có Chúa là tối cao… Nhưng chúng ta đã quên Đức Chúa Trời. Chúng ta đã quên bàn tay từ bi đã bảo vệ chúng ta trong hòa bình và gia tăng sức mạnh của chúng ta. Chúng ta đã tự phụ khi tưởng tượng, bởi sự lừa dối trong lòng chúng ta, rằng tất cả những phước lành này được tạo ra bởi trí tuệ và đức hạnh của chính chúng ta… Dường như đã đến lúc Thiên Chúa nên được biết ơn một cách long trọng và tôn kính như từ cùng một trái tim và một giọng nói bởi tất cả người Mỹ…
Họ đã có niềm tin vào những điều vô hình như vậy từ khi lập quốc. Nhưng tiếp xúc lâu tôi cũng nhận ra, người Mỹ không chỉ ngây ngô và hài hước từ cấp nguyên thủ như vậy, họ còn có những điều rất khác biệt khác nữa mà chúng ta không có.

Một dân tộc không biết đề phòng
Ở trên đất Mỹ tôi phải nghe từ “cảm ơn” không biết bao nhiêu lần một ngày nếu bước chân ra khỏi nhà. Gặp nhau ở thang máy, còn đang lớ ngớ chưa kịp bước vào thì người ta đã cảm ơn tôi vì nhường đường cho họ. Đi qua cửa, đi xe buýt, mua hàng trong siêu thị, đứng đợi đèn đỏ ở vạch qua đường… nói chung là ở đâu người ta cũng nói “cảm ơn” hay “xin chào” với tôi mà tôi còn chưa kịp hiểu và hình thành phản xạ để đáp lại.
Có lẽ, cái văn hóa hàm ơn mọi thứ này của họ cũng xuất phát từ tinh thần của Lễ Tạ ơn – biết ơn trước mọi lợi ích mà mình có được. Và bởi vì kính Chúa, nên họ luôn ghi nhớ lời dạy của Ngài: “Hãy dư dật trong sự cảm ân” – (Colossians 2: 7).
Chính vì có niềm tin vào việc Chúa sẽ ban phước cho người tốt và phán xét người xấu, nên người Mỹ hầu như chẳng đề phòng gì nhau. Tôi có thể trả lại bất cứ món hàng gì, bao gồm cả thực phẩm, cho cửa hàng trong vòng một tuần cho tới 3 tháng kể từ khi mua nó. Thậm chí, tôi chẳng cần có lý do chính đáng cho việc trả lại của mình. Bởi người bán hàng đều có một lý do để chấp nhận sự hoàn trả của khách hàng, đại ý là “sự hối tiếc của người mua” – nghĩa là cho phép bạn trả lại hàng nếu sau khi mua bạn cảm thấy… không còn thích nó!
Chuyện này sẽ chẳng bao giờ có thể có ở Việt Nam. Mà cũng chẳng cần về tới Việt Nam, du học sinh đã mang văn hóa Việt Nam sang tận Mỹ để dạy người Mỹ phải biết cảnh giác. Nhiều học sinh mà tôi quen đã mua tivi xịn về xem World Cup tới hết mùa (hơn 1 tháng) rồi đem trả, thậm chí mua mỹ phẩm, nước hoa dùng gần hết rồi đem trả lại mà họ vẫn nhận. Người Mỹ thật “ngây thơ”!
Nào chỉ thế thôi đâu. Một nhà văn Trung Quốc tên là Vương Sóc đã từng rất ngạc nhiên khi đọc một tờ báo của Mỹ nói rằng mỗi gia đình ở California hàng năm đều phải nộp thuế hơn 1.000 đô-la cho dân di cư bất hợp pháp, ví như chịu trách nhiệm về chi phí giáo dục con cái của họ. Ông ấy đã thầm so sánh rằng, chuyện này nếu thi hành ở Trung Quốc thì ai chịu nộp thuế đây? Và tôi cũng có thắc mắc như vậy khi nghĩ về những người dân nơi quê nhà.

Một xã hội từ thiện
Có thể nói xã hội Mỹ là một xã hội từ thiện, từ thiện từ những chính sách của chính phủ, chính quyền các bang, cho tới từng người dân. Người giàu ở Mỹ thua xa người giàu ở Việt Nam, vì họ sẽ chẳng có cơ hội vênh váo, khoe xe với nhà, vì người Mỹ chẳng quan tâm lắm tới việc anh có xe sang hay nhà biệt phủ. Họ quan niệm rằng, ai giàu là vì người đó được ban phước, thế nên trách nhiệm của người giàu là phải biết ơn và chia sẻ món quà của mình cho những người khác.
Tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller thuộc gia tộc giàu có hàng đầu nước Mỹ được dạy từ bé rằng những gì mình có được là nhờ vào Chúa. Nên trong bài phát biểu nhân dịp thăm một ngôi trường do mình thành lập, ông đã nói: “Đây là vụ đầu tư tốt nhất tôi từng thực hiện trong đời. Chúa đã cho tôi tiền bạc, làm sao tôi có thể không tài trợ cho trường chứ?”.
Hoá ra Chúa hoàn toàn hiện hữu. Chúa của người Mỹ hiện hữu trong từng hành động nhân văn, thiện lành của người dân Mỹ. Nếu không có niềm tin vào Chúa, họ đã không có sợi chỉ dù mong manh nhưng lại níu giữ được đạo đức và dẫn lối trên con đường thành kính đầy lương thiện. Tôi đã hiểu vì sao nhiều người Mỹ không ưa những người vô Đạo, vô Thần. Bởi họ e rằng khi anh không có ai để kính sợ, anh sẽ dễ dàng hành động bất chấp công lý, vô Pháp vô Thiên.
Chúa của những người vô Thần là dục vọng của họ
Trong tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”, nhà văn Dostoevsky có viết đại ý rằng, vì không có đức tin nên những người vô Thần coi “mọi điều đều hợp pháp”. Vì vậy, những người vô Thần có thể làm bất cứ điều gì mà không sợ hãi, kể cả tội ác.
Will Gervais thuộc Đại học Kentucky đã chia sẻ với tạp chí The Times về một nghiên cứu của mình. Kết quả chỉ ra rằng, người Mỹ không muốn bỏ phiếu nhất là cho những người vô Thần. Nghiên cứu này không chỉ thực hiện ở Mỹ mà đã khảo sát hơn 3.000 người từ 13 quốc gia. Ông Will Gervais có nói: “Mọi người dường như cho rằng tôn giáo là yếu tố tất yếu của đạo đức. Và không có tôn giáo, mọi người sẽ hành xử hoang dã vì không có ai yêu cầu họ phải trung thực. Tại sao họ không nên nói dối, ăn cắp và hãm hiếp?”
Nhiều người cho rằng ở Mỹ có một nguyên tắc vàng được lưu truyền trong giới chính khách, đó là người Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho một tổng thống vô Thần.

Khi người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg được hỏi rằng liệu anh có phải là người vô Thần, Mark đã thận trọng trả lời: “Không. Trước đây tôi được nuôi dạy trong Do Thái giáo. Sau đó tôi qua một giai đoạn mà tôi đặt lại các vấn đề. Nhưng bây giờ tôi nghĩ tôn giáo là một chuyện rất quan trọng”. Người ta lập tức bàn tán rằng, có thể Mark sẽ ra tranh cử tổng thống trong tương lai.
Thế đấy, người Mỹ cũng không hề ngây ngô, họ tin và duy trì những điều mà có thể khiến những kẻ “cấp tiến” như tôi cười cợt, nhưng đổi lại, họ có được một nền tảng vững chắc để giáo dục dân chúng.
Tôi bất giác nhìn lại những gì tôi vẫn chứng kiến hàng ngày: nào là lái xe trên 100 km/giờ khiến xe chở xăng lật nhào làm chết 6 người; lái xe tải chèn người ta xong còn cán qua cán lại cho nạn nhân chết hẳn để khỏi phải chăm sóc họ hết đời nếu lỡ may họ tàn tật; nào là cô giáo mầm non bạo hành trẻ nhỏ như trong phim kinh dị; nào là mẹ vứt con mới sinh từ tầng 30 xuống đất; nào là lừa đảo chiếm đoạt lợi ích của nhau ở những công ty từ nhỏ xíu cho đến to đùng v.v.
Tôi đang sống trong một xã hội thiếu niềm tin vào con người, bởi không có đức tin sùng kính nào đối với những biểu tượng hướng con người tới sự lương thiện. Người ta bất chấp hậu quả để sống sao cho sướng cái thân mình. Không tin nhân quả báo ứng, không tin phán xét cuối cùng, không tin là có con mắt của Đấng Toàn Năng rọi từ trên xuống để ước thúc suy nghĩ, hành vi của người ta. Người ta cũng không sợ sự trừng phạt, không sợ phải trả giá cho những gì bản thân mình làm, thế nên chẳng có việc ác nào mà con người vô Thần ngày nay không dám làm.
Vậy thì niềm tin vào Chúa, Lễ tạ ơn quốc gia hàng năm để cảm ân và sự khiêm nhường trước Chúa của người Mỹ có vẻ chẳng “hài hước và ngây ngô” chút nào như tôi đã tưởng. Bởi những gì mà người Mỹ có được từ niềm tin ấy là nỗi thèm khát của của bất kỳ cá nhân nào từng sống trong một xã hội vô Thần, thiếu vắng đức tin và sự tự do về tín ngưỡng hay tôn giáo.
Thuần Dương