Có 10 câu nói đã giúp giảm một nửa nguy cơ gây hại trẻ em ở Hoa Kỳ. Cha mẹ cần lưu ý để dạy con ghi nhớ.

Đối với sự an toàn của trẻ nhỏ, người lớn chúng ta thường hay sơ suất. Vì vậy, làm cha mẹ, hãy cảnh giác trước các rủi ro an toàn của con bạn.

Cha mẹ nên giáo dục an toàn cho con trẻ như thế nào? Làm sao để trẻ dễ nhớ hơn?

Dưới đây là 10 hướng dẫn đã được nhiều phụ huynh Mỹ sử dụng để giáo dục trẻ em về sự an toàn.

1. Tôi là chủ nhân của cơ thể

Gia đình nên chú ý đến sự chừng mực trong việc thân mật với trẻ. Ví dụ, nụ hôn giữa cha mẹ và con cái chỉ tốt nhất cho trán, cha mẹ có thể ôm ấp con cái mình, nhưng những đụng chạm không phù hợp nên dừng lại.

Nếu có người thân hoặc bạn bè hôn và vuốt ve trẻ, nếu cha mẹ nói rằng “Là bởi vì họ yêu con, nên mới làm như vậy”, thì trẻ sẽ cảm thấy rằng “sự thân mật” này là bình thường.

Thay vào đó, cha mẹ hãy khuyến khích con bạn: “Nếu con không thích nó, có thể dũng cảm từ chối. Bởi con là chủ nhân của cơ thể mình!”.

2. Người lớn không yêu cầu trẻ em giúp đỡ

Một người mẹ đột nhiên bị đau bụng dữ dội, phải đến bệnh viện. Vì không có người lớn khác ở nhà, thế là cô mang theo hai đứa con của mình cùng đi.

Khi hai đứa trẻ đang ngồi đợi mẹ trên băng ghế trong phòng khám, có người nhìn chằm chằm vào hai đứa trẻ.

Một người phụ nữ lạ mặt nói với chúng: “Này cháu, bạn trai của cô đang ở trong nhà vệ sinh, chú ấy không dám gặp bác sĩ. Cháu có thể giúp cô một việc, vào gọi chú ấy đi ra được không? Nói với chú ấy rằng bác sĩ sẽ chữa khỏi bệnh cho chú”.

Hai đứa trẻ bình tĩnh trả lời: “Xin lỗi cô, không ạ”.

Người phụ nữ tiếp tục thuyết phục: “Hãy cố gắng gọi giúp cô. Nếu chú ấy được khỏe mạnh là các cháu đã cứu một mạng người đấy!”.

Hai đứa trẻ vẫn kiên quyết từ chối nói: “Không”.

Chỉ sau đó mọi người mới biết rằng người phụ nữ kia là nghi phạm bắt cóc.

Lý do tại sao hai đứa trẻ không bị lừa dối, vì trước đó mẹ của chúng đã dạy rằng: “Người lớn không yêu cầu trẻ em giúp đỡ. Nếu con gặp một người lớn yêu cầu sự giúp đỡ của con, nhất định phải từ chối!”

Đúng là cha mẹ cần dạy con trẻ thiện lương và biết giúp đỡ người khác. Nhưng sự thiện lương của trẻ con cũng có giới hạn. Không giống như người lớn chúng ta, trẻ em không thể tự mình phán đoán, trong hoàn cảnh nào có thể giúp đỡ người khác, hoàn cảnh nào không thể giúp đỡ.

Điều này đòi hỏi cha mẹ cần cho con một giới định rõ ràng.

Hãy chắc chắn nói với con của bạn: “Nếu người lớn yêu cầu sự giúp đỡ của con, nhất định phải từ chối. Vì bình thường, người lớn muốn có sự giúp đỡ, sẽ nhờ một người lớn khác”.

Trong khi dạy con trở nên lương thiện, cũng hãy dạy trẻ cách tự bảo vệ mình. Nếu không, lòng tốt của con trẻ có khả năng sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, khiến bản thân chúng tổn thương nghiêm trọng.

(Ảnh minh họa: ameblo.jp)

3. Tôi sẽ không đi theo người lạ

Đối với điều này, cũng phải nói thêm rằng: Không sai khi dạy con bạn “đừng đi với người lạ”, nhưng đôi khi thật khó để một đứa trẻ định nghĩa như thế nào “là một người lạ”.

Ví dụ: một người bạn của bố mẹ, những người sống trong cùng khu phố… thật khó để trẻ có thể phân biệt ai không phải là người lạ.

Có một tiểu phẩm như vậy: Người mẹ ra ngoài và dặn con đóng cửa, hễ có người lạ gõ cửa thì nhất định không được mở. Sau đó có một số người đóng vai ‘người lạ’ và gõ cửa, nhưng cô bé đã nhận biết và nhất quyết không mở cửa. Cho dù những người này mua kẹo, đồ chơi… dụ dỗ mọi cách đi nữa, cô bé vẫn nhất quyết nói không. Một lúc sau, có người gõ cửa và nói “Thỏ ngoan, mẹ đã về”, thì cô bé mới mở cửa, và đúng là mẹ của mình. Hóa ra, câu nói ấy chính là bí mật giữa hai mẹ con họ.

Vậy nên, thay vì để trẻ tự phân biệt “ai là kẻ xấu”, cha mẹ có thể để trẻ nhớ một số bí mật, cách làm này có vẻ đơn giản hơn nhiều.

Và nếu có thể sử dụng “mã bí mật” này như một trò chơi, cha mẹ chơi cùng trẻ, thì trẻ sẽ ghi nhớ kỹ hơn.

4. Khi được sự đồng ý của ba mẹ mới được phép đi cùng người khác

Có nhiều trường hợp, không nhất thiết là một người lạ muốn đưa đứa trẻ đi, mà những người quen thuộc cũng có ý đồ xấu.

“Báo cáo các trường hợp tấn công tình dục năm 2017” cho thấy: Trong các trường hợp tấn công tình dục trẻ em, có hơn một nửa số người quen là phạm tội, tỷ lệ cao hơn so với người lạ gần 20%.

Vì vậy, cho dù người khác là một người lạ hay một người quen biết, cần phải có sự đồng ý của phụ huynh. Trẻ chỉ có thể được phép rời đi cùng khi đã có sự đồng ý của cha mẹ.  

5. Nơi áo tắm che kín là chỗ riêng tư của tôi

Tại những nơi được áo tắm che kín, cha mẹ hãy nói với trẻ: “Đây là những chỗ riêng tư của con. Con không thể để người khác nhìn thấy hoặc chạm vào nó”.

Dạy cho con trẻ biết về “ranh giới” của cơ thể mình là rất quan trọng.

Có thể sử dụng đồ lót hoặc đồ bơi mà con bạn thường dùng để nói với con bạn, trẻ dễ hiểu và dễ nhớ hơn.

Cha mẹ có thể nói với con của mình rằng: “Những chỗ riêng tư này, chỉ có ba mẹ sẽ giúp con tắm, lau người hay thay quần cho con. Chỉ khi đi khám sức khỏe là bác sĩ có thể tiếp xúc, ngoài ra con nhất định phải từ chối”.

6. Tôi không giữ bí mật cho những kẻ xấu

Mỗi đứa trẻ đều có những bí mật nhỏ trong lòng. Một số người lớn sẽ yêu cầu trẻ giữ bí mật cho anh ta. Nhưng đôi khi đứa trẻ không ý thức được, hoặc đối mặt với sự đe dọa của kẻ xấu mà không dám nói ra.

Vậy nên những gì cha mẹ cần nói với con cái của họ là: “Tất nhiên chúng ta có thể giữ bí mật cho bạn bè của mình. Nhưng nếu bí mật này khiến cho con cảm thấy lo sợ, thì nhất định phải nói cho ba mẹ biết”.

(Ảnh minh họa: kenh14.vn)

7. Nếu bị lạc ở nơi công cộng, hãy ngồi yên một chỗ và khóc lớn, hoặc tìm một người phụ nữ có con để nhờ giúp đỡ

Thông thường các bậc cha mẹ sẽ giáo dục con rằng, nếu con bị lạc, con nên đợi yên một chỗ, đừng hốt hoảng chạy loạn. Hoặc con có thể tìm một người mẹ có con hoặc một người mặc đồng phục cảnh sát để nhờ giúp đỡ.

Hơn nữa, chúng ta cần giúp con lưu giữ hoặc ghi nhớ một trong danh sách những người thân cận, ví dụ: Bố mẹ, ông bà, cô chú…

8. Tôi sẽ lắng nghe cảnh báo từ trái tim

Hầu hết trẻ khoảng 3 tuổi đã có thể bày tỏ suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, thích / không thích, sẵn sàng / không muốn, có / không…

Ở giai đoạn này, ngoài sự bảo vệ của mẹ và cha, hãy khuyến khích con bạn học cách thể hiện bản thân: Nếu ai đó chạm vào cơ thể con, con cảm thấy không thoải mái, ví dụ, ai đó ôm con, hôn con hoặc chạm vào con, con phải dũng cảm nói cho ba mẹ biết.

Rất nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng trẻ nhỏ không có suy nghĩ gì. Thật ra không phải vậy. Đứa trẻ đối với một ai đó mà có biểu hiện không thích và từ chối mạnh mẽ, ví dụ, nếu bạn đưa con đến một nơi nào đó hoặc với ai đó, nhưng đứa trẻ luôn khóc, khó chịu và thậm chí mất bình tĩnh, nhưng cha mẹ cũng không quan tâm.

Chắc hẳn là một số hành động của người kia khiến đứa trẻ cảm thấy khó chịu. Trong trường hợp này, cha mẹ nên kiên nhẫn trấn an con. Sau khi trẻ bình tĩnh lại, từ từ khích lệ con nói những gì chúng nghĩ.

Hãy hoàn toàn tin tưởng về cảm xúc của con bạn.

9. Tôi biết tên, địa chỉ và số điện thoại của phụ huynh

Điều quan trọng nhất là phải nhớ số điện thoại di động của ba mẹ.

Có lẽ điều này không phải nói nhiều. Nếu đứa trẻ bị lạc, sẽ có thể nhờ người khác gọi điện thoại cho cha mẹ và sớm được đoàn tụ.

10. Tôi không cần phải lịch sự với kẻ xấu

Khi ai đó khiến tôi cảm thấy sợ hãi, tôi nên nói to “Không”.

Chúng ta luôn dạy con phải lịch sự. Nhưng nếu trẻ cảm thấy khó chịu, đau đớn, thậm chí khi trẻ bị xâm phạm, dĩ nhiên con không cần phải tiếp tục lịch sự.

Thay vào đó, con nên kêu cứu, chống cự, học cách từ chối và chạy trốn, hoặc đi tìm người khác để giúp đỡ. Đối với kẻ xấu, không cần phải lịch sự!

10 câu nói trên vốn đơn giản, giúp trẻ dễ hiểu và dễ nhớ nhất. Và thực tế là chúng đã giúp giảm hơn một nửa nguy cơ gây hại cho trẻ em Mỹ. Hy vọng rằng chúng sẽ hữu ích cho các bậc cha mẹ trong việc bảo hộ con mình, đặc biệt trong xã hội ẩn chứa nhiều rủi ro như ngày nay.

Vân Hà
Theo Cmoney

videoinfo__video2.dkn.tv||6b186f3bd__