Nunchi được coi là bí quyết của người Hàn Quốc để có hạnh phúc và thành công, những đứa trẻ nơi đây được giáo dục nét văn hóa này từ năm lên 3.

Thật khó để định nghĩa nunchi bởi không có từ ngữ tiếng Việt hay bất kỳ ngôn ngữ nào có thể giải thích nó. Chúng ta chỉ có thể hiểu đơn giản nunchi là đòi hỏi một người phải có sự tinh tế, nhạy cảm nhất định và khả năng nắm bắt thái độ cũng như cách cư xử của mọi người xung quanh, từ đó đưa ra hành động phù hợp với hoàn cảnh. Nunchi giúp cải thiện các mối quan hệ xã hội, giúp con người xích lại gần nhau và tin tưởng nhau hơn.

Nunchi là cách người Hàn “đọc” suy nghĩ của người khác nên được ví như một dạng siêu năng lực. Nét văn hóa này có mặt trong cuộc sống đời thường của người dân xứ kim chi bởi con người được giáo dục từ khi còn rất nhỏ. 

Nunchi dễ bị nhầm lẫn với sự đồng cảm nhưng việc luôn đồng cảm có thể khiến chúng ta yếu đuối. Nunchi đặt sự quan sát, yên tĩnh lên hàng đầu, cho phép bạn lắng nghe người khác nhưng vẫn giữ vững lập trường của mình..

Ảnh minh hoạ (nguồn: The Guardian, Korea Herald).

“Con không có nunchi”

Trong cách dạy con truyền thống của người Hàn Quốc, nunchi giống như việc “nhìn hai bên khi sang đường”, tức là phải quan sát nhiều phía để đưa ra lựa chọn cẩn thận. Bố mẹ thường dạy về nunchi khi trẻ lên ba tuổi vì người Hàn Quốc tin rằng “một thói quen được hình thành từ ba tuổi sẽ kéo dài đến 80 tuổi”.

“Trẻ con Hàn Quốc được dạy về nunchi từ năm 3 tuổi. Chúng được học thông qua những tình huống tiêu cực. Ví dụ như tất cả mọi người đang đứng phía bên phải thang cuốn và 1 đứa trẻ đứng bên trái thì bố mẹ chúng sẽ la mắng con rằng: ‘Tại sao con không có nunchi (ý tứ) chút nào vậy?’. Câu hỏi đó nhằm nhắc nhở đứa trẻ phải để ý đến mọi người và hoàn cảnh xung quanh mình”, Euny Hong viết trong cuốn The Power of Nunchi: the Korean Secret to Happiness and Success (tạm dịch: Sức mạnh của nunchi: Bí quyết hạnh phúc và thành công của người Hàn Quốc), theo The Guardian, Korea Herald.

Hình thành cho trẻ nunchi từ trong tâm trí

Kỹ năng này để trẻ em biết thế giới không xoay quanh chúng và mọi người không có nghĩa vụ phải làm chúng hài lòng.

Ví dụ, một đứa trẻ tỏ ra mất kiên nhẫn khi phải xếp hàng mua đồ ăn, liên tục kêu đói và mỏi chân với mẹ. Lúc này, bố mẹ cần chỉ cho trẻ thấy mọi người đều đang xếp hàng và trẻ không phải người duy nhất cảm thấy đói và mỏi chân.

Một trường hợp khác, hầu hết trường học tại Hàn Quốc không thuê người dọn dẹp. Học sinh sẽ chia thành các nhóm nhỏ, thay nhau dọn dẹp phòng tắm, nhà vệ sinh, lớp học và sân trường. Bài học ở đây là nếu bạn càng gọn gàng thì càng mất ít thời gian để dọn dẹp. Mỗi học sinh phải có ý thức giữ gìn và chịu trách nhiệm về môi trường sống vì điều đó ảnh hưởng đến cả nhóm.

Nunchi mang đến thành công

Một số trẻ em may mắn có sẵn nunchi khi sinh ra, một số có được nhờ luyện tập. Trẻ có nunchi sẽ trở nên gần gũi, thân thiết và thấu hiểu mọi người xung quanh hơn. Từ đó, dù đi đến đâu chúng cũng cảm giác được sự quan tâm và lo lắng từ người khác. Nunchi mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người Hàn Quốc cũng là vì vậy.

Tờ Guardian (Anh) cho biết dường như những người sở hữu “nunchi nhanh chóng” thường có cơ hội thành công trong bất cứ môi trường nào bởi họ dễ thích nghi và tạo mối quan hệ tốt hơn.

Bà Euny Hong, nhà văn, nhà báo người Mỹ gốc Hàn, nhận xét: “Về cơ bản, mọi người sẽ hạnh phúc hơn khi được ở gần bạn nếu bạn có nunchi nhanh chóng”. Bà còn cho rằng nunchi không chỉ có ích với các cá nhân mà còn là nhân tố khiến Hàn Quốc phát triển thần tốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập cao như hiện nay.

Ảnh minh hoạ (nguồn: The Guardian, Korea Herald).

Nunchi được áp dụng đối với mọi khía cạnh cuộc sống, từ đám cưới đến phỏng vấn xin việc. Về cư xử, nunchi có nghĩa là để ý đến ai là người đang nói, ai là người nghe, người xin lỗi, người đang đảo mắt… Từ đó, một cá nhân có thể đánh giá về mối quan hệ và thứ bậc trong một nhóm người để có cách cư xử đúng mực.

Một người không có nunchi sẽ bị đánh giá là người chỉ xem mình là trung tâm, người thiếu nunchi bị cho là không có tinh thần tập thể, không quan tâm thậm chí xem thường cảm xúc của người khác. Nunchi không chỉ thể hiện sự khéo léo, tâm lý của một người mà còn chứng tỏ người đó có nhiều kinh nghiệm xã hội. Nếu như chưa ra đời nhiều, không tích lũy được kinh nghiệm thì một người khó mà có cơ hội hiểu và thấm nhuần văn hóa nunchi. 

Sở dĩ nunchi có tầm quan trọng lớn trong cuộc sống của người Hàn Quốc là bởi quốc gia này vẫn được tiếp nhận ảnh hưởng của Nho giáo. Nho giáo xem trọng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín nên người Hàn Quốc luôn đề cao tinh thần tập thể, họ không hiển thị bản thân mình trước đám đông. 

Video xem thêm: Nói là khả năng, im lặng là “thăng hoa” của hùng biện

videoinfo__video3.dkn.tv||7d970cce1__