Cô bạn đồng nghiệp của tôi gần đây rất đau khổ… Bởi vì tính chất công việc bận rộn, thỉnh thoảng còn phải trực đêm, vì thế cô giao phó toàn bộ việc chăm sóc con cho bà ngoại, tối đến bé cũng sẽ ngủ cùng bà ngoại.

Thời gian trước, bé còn nhỏ nên cô không để ý, cho đến gần đây, khi bé được gần 3 tuổi, cô ấy mới phát hiện con mình và bà ngoại càng ngày càng thân thiết, tính cách ngày càng giống nhau, thậm chí cách nói chuyện cũng giống, còn bé đối với mẹ lại có chút lạnh nhạt. Nếu tính cách giống bà ngoại thì không có vấn đề gì để nói, nhưng cô ấy phát hiện con mình trước đây hoạt bát hay nói líu lo, giờ đây lại trầm tĩnh, cũng không thích ra ngoài vui chơi.

Có nhiều lần cô được nghỉ phép, muốn dắt con ra bên ngoài vui chơi, thì phải dỗ dành hoặc cưỡng ép bé mới chịu đi. Ra đến khu vui chơi bé cũng không thích nô đùa mà thường xuyên nói cái này không sạch sẽ, cái kia mất vệ sinh rồi không chơi… Nếu cô ấy hơi nghiêm với bé một chút, thì bé sẽ khóc lóc và luôn miệng đòi bà ngoại. Lúc này cô ấy mới ý thức được tính nghiêm trọng của sự tình, không biết nên giải quyết vấn đề như thế nào cho tốt.

Cha mẹ càng bỏ con lại cho ông bà thì sợi dây kết nối tình mẫu tử càng mong manh. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 0 – 3 tuổi là thời kỳ phát triển thể chất và tính cách quan trọng, mà ở giai đoạn này, trẻ cần có nhất là sự quan tâm của cha mẹ và cảm giác an toàn. Khi trẻ vừa mới đến với thế giới này, người tiếp xúc gần gũi nhất với trẻ chính là người mẹ, sự tiếp xúc thân mật qua làn da giữa mẹ và bé sẽ đem đến cho trẻ cảm giác an toàn. Ngược lại, nếu trong giai đoạn này trẻ không có sự tiếp xúc thân thiết với người mẹ, mà càng thân thiết hoặc thường ngủ chung với một người khác, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất cũng như tâm sinh lý của trẻ về sau này.

Sau khi trẻ đã qua 3 tuổi, cha mẹ có thể cân nhắc đến việc cho trẻ ngủ riêng, việc này cũng phải thực hiện dần dần để trẻ có thời gian thích nghi. Nhưng trước 3 tuổi, cha mẹ nên để trẻ ngủ chung với mình, bởi vì sự gần gũi, ôm ấp của cha mẹ làm cho trẻ cảm nhận được cảm giác an toàn, trẻ sẽ yên tâm say giấc. Cha mẹ không nên lấy lý do bận rộn vì công việc mà giao con hoàn toàn cho người khác chăm sóc.

Như vậy, trẻ nhỏ trước 3 tuổi ngủ chung với cha mẹ thì sẽ có được lợi ích gì?

Thứ nhất: Càng ngủ chung với mẹ, trẻ sẽ càng hạnh phúc

Đứa trẻ ngày ngày lớn lên có mẹ cùng bên cạnh sẽ có thể xây dựng nên mối liên hệ tình cảm mẫu tử sâu đậm, khi lớn lên cũng sẽ dễ dàng hòa nhập với thế giới xung quanh, có tính cách phóng khoáng, tích cực. Ngược lại, một đứa trẻ lớn lên mà có khoảng cách với người mẹ của mình thì đứa trẻ đó sẽ có tính cách nhút nhát, dễ dàng xa lánh mọi người.

Càng ngủ chung với mẹ, trẻ sẽ càng hạnh phúc. (Ảnh: jyivf.net)

Thứ hai: Khi ngủ cùng mẹ, trẻ sẽ có tính cách tích cực

Từ khi đang còn trong bụng mẹ, trẻ có thể nghe được giọng nói của mẹ, có thể ngửi được mùi vị của cơ thể mẹ, thông qua đó trẻ cảm nhận được sự an toàn. Sau khi sinh ra, cảm giác an toàn tiếp tục được bé cảm nhận thông qua việc bú mẹ, tiếp xúc qua làn da với mẹ, hoặc khi trẻ khóc sẽ được mẹ ôm ấp dỗ dành, buổi tối khi ngủ có thể ngửi được mùi vị quen thuộc của mẹ, từ đó trẻ có thể trẻ có thể yên tâm mà ngủ say. Những bất an, lo lắng, cáu giận… sẽ được tiêu trừ, thay vào đó, nội tâm của trẻ ngày càng thoải mái và bình tĩnh, tính cách cũng sẽ phát triển tích cực.

Trẻ nhỏ sau 2 tuổi, bắt đầu phát triển ý thức về bản thân, đến 3 tuổi là bắt đầu có ý thức về giới tính, ở giai đoạn này cha mẹ có thể cân nhắc đến việc cho con ra ngủ riêng. Việc cho con ra ngủ riêng cũng là bước ngoặt quan trọng trong tâm lý của trẻ, vậy nên cha mẹ cần chú ý kiên nhẫn và cho con làm quen dần dần để con thích nghi một cách nhẹ nhàng. Nhưng trước 3 tuổi, con trẻ cần cảm nhận được sự yêu thương, che chở và cảm giác an toàn, vậy thì cách tốt nhất là cha mẹ cho trẻ ngủ chung với mình.

Theo kknews.cc
Minh Phúc biên dịch