Tự ti gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với sự trưởng thành khỏe mạnh, tự nhiên của trẻ. Chính vì vậy, để khắc phục tính tự ti, giúp con tự tin, cha mẹ cần tìm nguyên nhân và biểu hiện, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục đúng đắn giúp trẻ.

Tự ti là gì?

Tự ti là tự đánh giá thấp mình, là trạng thái mà trẻ cảm thấy mình luôn yếu kém trước bạn khác về một sự việc, vấn đề nào đó. Chính vì vậy, trẻ tự ti luôn thu mình vào vỏ ốc nhỏ bé, không dám thể hiện mình trước người khác, càng không dám thể hiện trước đám đông.

Biểu hiện

Thông thường, một đứa trẻ tự ti thường có những biểu hiện sau đây: Trẻ tránh ở cùng bạn bè, thích ở nhà hơn là ra ngoài và chơi, từ chối nói chuyện hoặc gặp một ai đó, tránh tham gia các hoạt động như nhảy nhót hoặc khiêu vũ, các hoạt động khác nơi mà chúng phải thể hiện bản thân hoặc khả năng của bản thân. Đứa trẻ luôn nói về xui xẻo hay là không may mắn, do đó đổ lỗi cho tất cả mọi thứ vào sự may mắn chứ không phải là chấp nhận thất bại của mình.

Trẻ có cảm giác tự ti thường lẩn tránh mọi sự cạnh tranh, thường không dám nói lên suy nghĩ thật của bản thân, dễ dàng ghen tị với những đứa trẻ xuất sắc, trong khi bản thân thiếu chí tiến thủ luôn cảm giác lo lắng, bất an.

Những trẻ tự ti rất khó thành công trong cuộc sống, tự ti làm cho trẻ khó có thể hòa nhập được với tập thể, cộng đồng. Từ nhận thức sai lệch về mình, trẻ sẽ trở nên thụ động, thiếu hẳn sự linh hoạt, sáng tạo trong mọi công việc vì sợ thất bại, sợ trách nhiệm. Không những thế, tự ti không những làm ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ mà còn ảnh hưởng đến thể chất, có thể nói tự ti là bức tường lớn gây trở ngại cho sự phát triển nhân cách, phát triển toàn diện của trẻ.

Sự tự ti không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, khi lớn lên sẽ là khiếm khuyết trong trẻ. Tôi có một cô bạn là giáo viên mầm non, từ bé sống trong gia đình bố uống rượu say, bố mẹ cãi nhau thường xuyên khiến cô ấy sống thu hẹp mình, tránh nơi đông người. Tất cả bạn bè đều thấy cô ấy khó gần, mỗi đợt thi ở trường cô ấy đều tìm cách thoái thác, làm bất cứ việc gì cô ấy đều sợ bản thân làm không tốt, không biết làm.

Nguyên nhân

Một số trẻ em tự ti vì có hoàn cảnh khá đặc biệt như: khiếm khuyết về cơ thể, kết quả học tập kém, tình trạng kinh tế gia đình khó khăn, gia đình có bố mẹ luôn đánh, chửi nhau hoặc bố (mẹ) say rượu, làm những việc hàng xóm xung quanh dị nghị, lời ra tán vào…

Tuy nhiên, sự tự ti thật sự của một người chủ yếu nằm ở cảm giác bên trong, là nhận thức của người đó về giá trị bản thân.

Đôi khi, nguyên nhân gây ra thiếu tự tin ở trẻ lại đến từ cách cư xử của cha mẹ: sự không tán thành từ cha mẹ trong hầu hết các vấn đề, sự không tôn trọng quyền riêng tư, sự áp đặt ép buộc, nhiều nhận xét tiêu cực, chỉ trích liên tục từ cha mẹ, nhận được quá ít lời khen hoặc không bao giờ được khen, cha mẹ so sánh con với người khác.

Thông thường cha mẹ Việt cố tình chê con, hạn chế lời khen vì sợ con tự kiêu, đồng thời cũng muốn con cố gắng hơn nữa, đạt tiêu chuẩn cao hơn nữa, nhưng chính điều này lại khiến con không cảm nhận được giá trị của bản thân, sống trong lo lắng sợ hãi. Đặc biệt, việc cha mẹ Việt thường xuyên so sánh con với người khác sẽ khiến con tổn thương lòng tự trọng, hoài nghi chính mình, đánh mất tự tin. 

Trong khi đó ở các gia đình Mỹ, ngay từ khi trẻ mới chào đời, cho đến suốt cuộc sống sau này, cha mẹ Mỹ luôn để con biết rằng: dù con mập mạp hay còi cọc, thông minh hay chậm chạp, biết nghe lời hay nghịch ngợm… bố mẹ đều luôn yêu con và nuôi dạy con thành một người độc lập, trưởng thành. Điều này khiến trẻ con Mỹ rất tự tin vì chúng biết, mình không cần phải so sánh với ai và dù có ra sao, chúng vẫn luôn nhận được sự ủng hộ vô điều kiện từ cha mẹ.

Các trường học ở Mỹ cũng luôn dạy trẻ tôn trọng lẫn nhau. Có thể đứa trẻ này không giỏi toán nhưng lại có trí thông minh cảm xúc cao, bạn nhỏ kia kết quả học tập thấp nhưng lại rất khéo tay… Tất cả các học sinh đều có ưu điểm riêng và đều phải được tôn trọng, giúp đỡ để phát huy tài năng của mình. 

Cách khắc phục tự ti cho trẻ

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng để giúp đỡ con thoát ra khỏi vỏ bọc của sự mặc cảm và tự ti. Để giúp con tin tưởng vào bản thân, cha mẹ trước hết cần thay đổi thái độ và hành vi của chính mình, sau đó là định hướng dẫn dắt con. 

Những điểm chính để khắc phục điều này:

Tin tưởng con, tôn trọng con, không so sánh, không dán nhãn, không phán xét con người mà chỉ nói về hành động.

Quan sát và thừa nhận cảm xúc của con, để con được thoải mái bộc lộ chính mình.

Tôn trọng ý kiến của con, tạo cho con cơ hội biến mong muốn thành hiện thực.

Cha mẹ luôn nhìn vào điểm tốt của con chính là giúp con học cách nhìn vào mặt tích cực của chính mình cũng như nhiều vấn đề khác.

Bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết cho con, hướng con đọc sách, học các kỹ năng mềm, giao tiếp nhiều để tích lũy giá trị bản thân.

Khích lệ con dám hy sinh, dám vấp ngã, để con được bước ra khỏi vùng an toàn, khi cần nhẫn chịu phải nhẫn chịu, từ đó trong con hình thành sự tự tin đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

Cha mẹ phát hiện sự khác biệt, nhận ra tiềm năng ở con và giúp con phát triển điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Điều quan trọng là giúp con của ngày hôm sau tốt hơn ngày hôm qua. 

(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Video xem thêm: Phẩm hạnh của bố mẹ là nền tảng giáo dục tốt nhất cho con cái

videoinfo__video3.dkn.tv||01a0d7c69__