Francis Bacon từng nói: “Những người ham hư vinh sẽ bị những người có học vấn khinh thường, những người ngu dốt nghe theo và được những kẻ hay nịnh hót bợ đỡ tôn sùng, cuối cùng sẽ trở thành nô dịch cho chính thói ham hư vinh của bản thân”. Những người như thế ắt có ngày tự mình hại mình, cho dù là người lớn hay trẻ nhỏ, nếu tính ham hư vinh quá cao thì đều có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bản thân.

Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn mình là người giỏi giang ưu tú, được người khác tôn trọng, đây là bản năng, là tâm lý hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu như biểu hiện tâm lý này phát triển quá mức, nó sẽ trở thành thói quen ham thích hư vinh. Đây chính là biểu hiện của việc bản thân luôn muốn theo đuổi hào quang, là việc ai đó dùng mọi phương thức để có danh tiếng và đánh mất cả lòng tự trọng của bản thân. Bởi họ luôn muốn mình phải hơn hẳn người khác.

Theo đà phát triển không ngừng của đời sống vật chất, trẻ nhỏ trong xã hội hiện đại được sống trong đủ đầy. Nhất là những gia đình khá giả lại chiều con thì thậm chí trẻ muốn thứ gì là có thứ đó. Thực ra, con người ai cũng có trong mình lòng ham thích hư vinh nhất định, mong muốn bản thân có thể giành được tình yêu thương của người khác, trở thành đối tượng được mọi người để ý. Vì thế, lòng ham thích hư vinh dễ nảy sinh từ sự so sánh dù là nhỏ nhặt “Chiếc váy của mình không đẹp bằng của bạn đó”, “Cái bút của mình không nhiều tính năng như của bạn kia”. Do vậy, cha mẹ cần chú ý đến tâm lý của con, tránh để con nảy sinh thói ham hư vinh quá mức.

Trong giáo dục gia đình, các bậc cha mẹ có thể thông qua những phương thức dưới đây để giúp con hạn chế thói quen ham thích hư vinh.

Cha mẹ cần chú ý đến tâm lý của con, tránh để con nảy sinh thói ham hư vinh quá mức.
Cha mẹ cần chú ý đến tâm lý của con, tránh để con nảy sinh thói ham hư vinh quá mức. (Ảnh: shutterstock.com)

1. Cha mẹ phải làm gương cho con cái

Cha mẹ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tính ham thích hư vinh của trẻ. Nếu cha mẹ thường xuyên khen trẻ trước mặt người khác, mong muốn trẻ được người khác ghi nhận, yêu quý điều này là không sai. Nhưng đôi khi, lời khen ngợi của cha mẹ lại xuất phát từ thói hư vinh chứ không phải từ năng lực thực tế của con. Trong mắt cha mẹ thì con mình bao giờ cũng là nhất, không ai muốn con mình kém cỏi hơn người khác. Để thỏa mãn được tâm lý hư vinh này, một số cha mẹ thường khen ngợi con mình quá mức. Biểu hiện nhất thời này, khiến trẻ cũng có tâm lý tự mãn và sẽ hình thành tâm lý ham thích hư vinh.

Ngoài ra, một số cha mẹ lại rất thích ganh đua xếp hạng thành tích và vẻ bề ngoài cả trong lời nói và hành động đều ẩn chứa sự hư vinh. Khi trẻ nghe thấy, nhìn thấy và vô hình trung sẽ bị nhiễm thói xấu này. Trẻ nhỏ vô cùng nhạy cảm và tinh tế nên cha mẹ cần chú ý hành động và lời nói của mình. Nếu không muốn con đắm chìm trong sự ham thích hư vinh, trước tiên cha mẹ hãy là tấm gương cho con về sự khiêm tốn, học hỏi và lắng nghe.

2. Kịp thời điều chỉnh những trạng thái tâm lý không tốt của con

Nếu cha mẹ phát hiện con bắt đầu để ý đến sự khác biệt vẻ bề ngoài của mình với người khác, đặc biệt nếu quá chìm đắm với diện mạo và sắc đẹp bề ngoài, quá khó tính trong việc lựa chọn trang phục hay đồ chơi thì đây chính là biểu hiện của thói ham hư vinh đang hình thành ở trẻ. Nếu cha mẹ nhận thấy điều đó thì đừng nổi nóng đánh mắng con, hãy kiên nhẫn giảng đạo lý để trẻ hiểu được vẻ đẹp thực chất bên trong quan trọng hơn rất nhiều những cái bề ngoài. Ánh hào quang của sự nổi tiếng hay vẻ đẹp của diện mạo chỉ tồn tại một thời gian nhất định, vẻ đẹp tâm hồn mới là vĩnh cửu, mới thực sự khiến người khác tôn trọng.

Nếu không muốn con đắm chìm trong sự ham thích hư vinh, trước tiên cha mẹ hãy là tấm gương cho con về sự khiêm tốn, học hỏi và lắng nghe.
Nếu không muốn con đắm chìm trong sự ham thích hư vinh, trước tiên cha mẹ hãy là tấm gương cho con về sự khiêm tốn, học hỏi và lắng nghe. (Ảnh: 123rf.com)

3. Dạy con học cách nhận thức về bản thân một cách đúng đắn

Vì hoàn cảnh sống không giống nhau nên sự tự nhận thức về bản thân của trẻ em cũng khác nhau. Nếu như trẻ nhận được quá nhiều sự quan tâm và yêu quý từ người khác sẽ dễ trở thành người không có chủ kiến, sẽ có thói quen đánh giá bản thân thông qua người khác. Dần dần có thể chỉ vì muốn xây dựng một hình tượng đẹp trong mắt người khác mà trở thành người không có chính kiến.

Do vậy, cha mẹ cần hướng dẫn con biết nhận thức đúng về bản thân, không hoàn toàn nhìn sự việc bằng thái độ của người khác, phải biết phân tích những ưu nhược điểm của bản thân, nhìn nhận sự vật trên quan điểm của bản thân, từng bước nỗ lực mới có thể giành được tình cảm của mọi người.

4. Dạy con theo đuổi những giá trị đích thực

Cổ nhân có câu: “Đồ hư danh, đắc thực họa”, có nghĩa là nếu một người chỉ biết mải mê theo đuổi hư vinh, không dùng thực lực của mình để thể hiện bản thân thì cuối cùng sẽ gây họa và gặp tai họa. Bất luận là nam hay nữ, nếu không biết cố gắng để có được thứ mình mong muốn bằng sự nỗ lực thì sẽ rất khó được xã hội chấp nhận. Đặc biệt là những người nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội thì sự ham thích hư vinh càng bất lợi cho sự sinh tồn và phát triển của họ.

Vì thế, đối với con trẻ cha mẹ cần bồi dưỡng cho con có nhận thức đúng đắn, để con hiểu được: Thành công của một người là qua cả một quá trình nỗ lực trước đó, chỉ khi bản thân thực sự nỗ lực để đạt được thành quả mới là điều đáng giá nhất.

Cha mẹ cần hướng dẫn con biết nhận thức đúng về bản thân, không hoàn toàn nhìn sự việc bằng thái độ của người khác, phải biết phân tích những ưu nhược điểm của bản thân.
Cha mẹ cần hướng dẫn con biết nhận thức đúng về bản thân, không hoàn toàn nhìn sự việc bằng thái độ của người khác, phải biết phân tích những ưu nhược điểm của bản thân. (Ảnh: candonline.com)

5. Định hướng cho con nhận thức đúng đắn về vật chất và lợi ích

Nếu một người quá coi trọng những tác dụng mà vật chất và lợi ích đem lại sẽ hình thành nên thói quen ham thích hư vinh. Đối với trẻ nhỏ, nhận thức về lợi ích và vật chất vẫn còn rất mơ hồ. Nếu không được giáo dục đúng đắn có thể khiến cho nhận thức về lợi ích và vật chất của trẻ bị sai lệch. Do đó, cha mẹ cần định hướng cho con nhận thức đúng đắn về lợi ích vật chất, để con hiểu rằng vật chất và lợi ích là những thứ không thể so sánh được với nhau.

Nhà khoa học Marie Curie dành cả đời cống hiến cho nghiên cứu khoa học, nhưng không bao giờ bà xem trọng lợi ích vật chất. Mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại nhiều hơn nữa mới chính là phương châm sống của bà.

Một lần có người bạn đến chơi nhà, nhìn thấy con gái của Marie Curie đang nghịch một tấm huy chương do Hoàng gia Anh ban tặng cho bà. Người bạn vô cùng kinh ngạc hỏi: “Huy chương cao quý như thế, sao có thể để trẻ nhỏ tùy tiện đem ra nghịch được?”. Marie Curie nói: “Tôi muốn cho con biết danh tiếng không thể đi theo chúng ta hết cuộc đời, nó cũng giống như món đồ chơi vậy, rồi có ngày cũng trở thành cũ kỹ. Nếu người ta cứ mãi giữ trong mình cái danh tiếng ấy thì sẽ rất khó có được thành công, cũng sẽ không thể hiện được giá trị của con người thêm nữa”.

Quả đúng như vậy, danh tiếng của một người có được là ở những cống hiến mà người đó mang lại cho xã hội, biết dùng khả năng của bản thân mình để mang lại lợi ích cho người khác. Cha mẹ cần dạy trẻ hiểu được đạo lý này. Có thể thông qua các câu chuyện kể về những tấm gương sáng để con giác ngộ ra được ý nghĩa sâu xa hàm chứa trong đó.

Đối với trẻ nhỏ, nhận thức về lợi ích và vật chất vẫn còn rất mơ hồ. Nếu không được giáo dục đúng đắn có thể khiến cho nhận thức về lợi ích và vật chất của trẻ bị sai lệch.
Đối với trẻ nhỏ, nhận thức về lợi ích và vật chất vẫn còn rất mơ hồ. Nếu không được giáo dục đúng đắn có thể khiến cho nhận thức về lợi ích và vật chất của trẻ bị sai lệch. (Ảnh: ysbok.com)

6. Không tạo cho con cảm giác mình là trung tâm vũ trụ

Trong nhiều gia đình, nhất là những trẻ là con một thường được cha mẹ nuông chiều, coi như cục vàng, là trung tâm của vũ trụ, bất kể là chuyện ăn mặc hay môi trường sinh hoạt đều dành cho trẻ những điều kiện tốt nhất. Tâm lý này của cha mẹ cũng có ưu điểm là bồi dưỡng cho trẻ nhỏ sự tự tin, nhưng nếu tâm lý này quá mãnh liệt, thêm vào đó là các nhu cầu của trẻ không bị hạn chế, thì sẽ khiến cho dục vọng của trẻ ngày càng lớn hơn, tâm lý hư vinh cũng hình thành từ đó.

Trẻ còn nhỏ, tâm hồn và trí tuệ còn non nớt nên dễ bị những thứ mới lạ mê hoặc. Có khi mẹ vừa mua cho con chiếc váy, con vừa mặc vài ba lần đã cảm thấy nó không còn đẹp nữa, bởi con thấy váy của bạn cùng lớp đẹp hơn. Nếu cha mẹ đáp ứng mọi đòi của con, thì trẻ sẽ vĩnh viễn không bao giờ biết thỏa mãn các nhu cầu, tâm lý ham hư vinh cũng vì thế mà không ngừng tăng lên.

Cha mẹ yêu thương con không có gì sai, nhưng nhất định không được dung túng con. Trong cuộc sống, nên đưa ra một vài quy tắc nhất định, dạy con biết tiết kiệm, đừng để thói quen ham thích hư vinh của con ngày một lớn.

Hồng Ân