Tử tế chứa đựng sự ấm áp, sôi nổi, nhẫn nại, cảm giác tin tưởng và lòng biết ơn. Biến sự tử tế trở thành một thói quen là điều quan trọng để có cuộc sống hạnh phúc và thành công.

Hầu hết trẻ con đều thích được khen. Không điều gì làm bọn trẻ thích bằng cách khen chúng thông minh. Cậu bé Jeff Bezos thuở nhỏ cũng vậy.

Trong một lần đi du lịch cùng ông bà, cậu nhìn thấy trên đường cao tốc đầy những bảng quảng cáo chống hút thuốc lá với nội dung “Mỗi điếu thuốc lá lãng phí 2 phút cuộc đời”. Muốn gây ấn tượng với ông bà, cậu đã nhanh nhảu tính toán số thuốc bà cậu đã hút và “phấn khởi” thông báo rằng bà đã lãng phí 9 năm cuộc đời.

Bà của Jeff đã thật sự bị sốc, và bật khóc. Sau đó, cậu nhận được một lời khuyên từ ông: “Jeff à, làm người tử tế khó hơn người thông minh nhiều lắm”.

Ghi nhớ lời dạy đó, cậu bé Jeff Bezos năm nào giờ đã trở thành một trong những người thành công nhất thế giới và đang nỗ lực xây dựng một nền văn hóa “Thân thiện và đầy nhiệt huyết” trong đế chế Amazon của mình.

Câu chuyện này đại diện cho vấn đề mà nhiều người trong chúng ta phải đối diện hàng ngày: Liệu chúng ta có thường xuyên chọn trở thành một người tử tế – ở nhà và ở công sở? Khi phải lựa chọn, chúng ta liệu “đạp” lên đồng nghiệp để tiến thân? Có tận dụng cơ hội hạ bệ đối thủ để giành lợi thế? Có kèn cựa với nhà hàng xóm vì những xích mích cỏn con?

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói:

Hãy tử tế bất cứ khi nào bạn có thể, và bạn luôn luôn có thể tử tế.

Không phải ai cũng làm được những điều vĩ đại, nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm được những điều nhỏ nhặt, với tình yêu lớn lao, và cùng nhau, chúng ta có thể làm được điều gì đó tuyệt vời. Hãy biến lòng tốt, sự tử tế trở thành một thói quen bằng 5 cách đơn giản dưới đây:

1. Ghi những việc làm tốt trong những tờ giấy nhớ

Cách làm này giúp chúng ta hiểu rằng lòng tốt không đòi hỏi những điều to lớn. Lòng tốt có thể biểu hiện ngay trên những tờ giấy nhớ.

Phương pháp này hiệu quả ở mọi lứa tuổi. Trẻ nhỏ có thể viết, vẽ những lời tốt lành lên giấy nhớ, trong khi người lớn có thể dùng chúng để đánh dấu các trang sách đã đọc.

Mặt khác, những tờ giấy này còn được gắn trong phòng làm việc, lớp học hoặc hành lang. Lâu dần, mỗi tờ giấy nhớ trở thành một poster lan tỏa lòng tốt.

2. Những trò chơi thú vị

Trò chơi này áp dụng được trong gia đình, lớp học, thậm trí có thể vận dụng sáng tạo tại cả nơi làm việc. Mỗi người được phát một loại thẻ với những ô trống.

Khi ai đó làm được một việc tốt, họ sẽ ghi lại việc làm tốt đó vào ô trống trong thẻ. Người lấp đầy các chỗ trống trước sẽ chiến thắng và có thể thưởng quà hoặc khen ngợi.

Cách làm này khuyến khích những hành động tử tế giữa các thành viên với nhau.

3. Chiếc bình của sự tốt bụng

Mỗi thành viên sẽ được đặt một quả bóng vào chiếc bình nếu họ làm được một điều gì đó tốt đẹp. Sau đó, chính người này sẽ mô tả lại hành động tốt bụng của mình.

Việc làm này sẽ thúc đẩy trẻ chung sức để làm đầy chiếc bình, đồng thời nâng cao kỹ năng diễn đạt bằng lời nói của bản thân. Trò chơi này có thể áp dụng trong trường học hoặc gia đình.

4. Ứng dụng công nghệ

Các ứng dụng trên điện thoại cũng có thể sử dụng vào việc giáo dục trẻ. Mới đây, một ứng dụng miễn phí có tên Nobly được phát hành, cho phép người dùng ghi lại và chia sẻ những việc làm tốt của mình.

Không chỉ thế, ứng dụng còn cung cấp những “hashtag” giúp hành vi tử tế được đẩy lên mức phong trào, lôi kéo được nhiều học sinh khác tham gia hơn. Ngoài ra, còn có thể sử dụng mạng xã hội để ghi nhớ, chia sẻ nhưng việc tốt và lan tỏa điều đó trong cộng đồng.

5. ‘Nhiệm vụ’ về sự tử tế

Tại gia đình hoặc trường học, trong một số thời điểm nhất định có thể thay thế bài tập về nhà bằng các hành động tử tế. Mỗi ngày trong tuần trẻ sẽ được giao một chủ đề. Ví dụ, thứ Hai, các em sẽ được trò truyện với người cao tuổi. Vào thứ Ba, các em sẽ giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Thứ Tư, các em chọn một hành động tử tế ngẫu nhiên để thực hiện. Vào thứ Năm, sẽ học cách tự chăm sóc bản thân.

Đến cuối tuần, một chiếc hộp sẽ được đặt tại lớp để các em có thể bỏ những mẩu chuyện ghi việc làm tốt của mình vào đó. Cách làm này khiến hành vi tử tế trở thành một thói quen, đồng thời giúp xây dựng tính cách của trẻ về sau này.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất là trước khi làm điều gì đó ảnh hưởng đến người khác, hãy tự hỏi bản thân một câu đơn giản “Hành động này có tử tế không?”

Video: Chúng tôi cất tiếng nói cho những người không thể nói

videoinfo__video3.dkn.tv||60c162dc7__