Với những lợi thế thiết thực, nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn việc cho con du học từ bậc THPT tại Mỹ. Vậy sự khác biệt giữa trường THPT tư thục và công lập tại quốc gia này như thế nào?

Sự khác biệt giữa hai hệ thống trường này ở những điểm sau:

Tài trợ và học phí

Các trường công lập nhận tài trợ đến từ cả 3 nguồn: liên bang, tiểu bang và địa phương. Chính quyền các tiểu bang thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu liên quan tới hầu hết các hoạt động của các trường, cũng như tài trợ và có chính sách ưu đãi về thuế cho các trường học.

Học phí trường công thấp hơn rất nhiều so với trường tư, nhưng thường chỉ dành cho học sinh bản xứ, chỉ có một số ít trường tiếp nhận học sinh quốc tế thông qua chương trình trao đổi văn hóa. Tuy nhiên học sinh quốc tế theo diện visa F-1 chỉ được phép học tối đa 1 năm tại các trường công lập, sau đó sẽ phải chuyển qua các trường tư thục để tiếp tục các năm học tiếp theo và lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Trường tư thục không phụ thuộc vào chính phủ cả về tài chính và quản lý. Nguồn tài chính của trường tư thục phần lớn có được từ các nguồn đầu tư, tài trợ của các tổ chức từ thiện, các tập đoàn và học phí của học sinh, ngoài ra còn các nguồn tài trợ và đóng góp từ các tổ chức tôn giáo.

Học phí trường tư khá cao, dao động từ 20.000 – 60.000 USD/năm, phụ thuộc vào việc bạn chọn trường nào, khu vực nào, ví dụ tại những đô thị cạnh tranh như New York, học phí trường tư khá cao.

Phương pháp giảng dạy và học tập

Nhiều trường tư thục là do các tổ chức tôn giáo tài trợ và điều hành nên hầu hết các trường đều đưa thực hành các hoạt động tôn giáo vào chương trình giảng dạy của họ. Điều này thường thấy ở các trường Công giáo trên khắp nước Mỹ, nơi học sinh được tham dự và quan sát các nghi lễ thực hành…

Các trường tư thục thường tạo ra chương trình học của riêng họ, mặc dù vẫn dựa trên nền tảng kiến thức chung, nhưng có thể có thêm những chương trình nhấn mạnh vào nghệ thuật và tôn giáo nhiều hơn so với các trường công.

Do một số quy định của chính phủ nên các trường công không dành nhiều tiền quỹ của trường cho nghệ thuật hay tôn giáo. Các trường công lập thường bị giới hạn về việc lựa chọn chương trình học chuyên ngành, trong khi ở các trường tư học sinh có thể lựa chọn nhiều chương trình học khác nhau như IB (bằng tú tài quốc tế), các lớp AP.

Giờ học trong một ngày của trường tư có thể kéo dài hơn trường công, bởi học sinh vừa học các chương trình theo tiêu chuẩn giáo trình giống như các trường công lập, đồng thời học sinh lại được học thêm nhiều khóa học khác nhau.

Phương pháp giảng dạy và học tập
Nhiều trường tư thục là do các tổ chức tôn giáo tài trợ và điều hành nên hầu hết các trường đều đưa thực hành các hoạt động tôn giáo vào chương trình giảng dạy. (Ảnh: tah-heetch.com)

Tiền lương và giáo viên

Giáo viên trường tư thục được trả khoảng 36.000 USD/năm, so với mức lương trung bình dành cho giáo viên trường công lập là gần 50.000 USD/năm. Một số tiểu bang không yêu cầu giáo viên trường tư phải có chứng chỉ giống như giáo viên trường công. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để các trường công lập tốt hơn. Thực tế, các trường tư thường thường tự điều chỉnh, tự lo các chi phí để duy trì hoạt động của trường, nhìn chung họ rất cẩn thận trong việc tuyển chọn giáo viên có trình độ cao, được đào tạo cụ thể và nhiều giáo viên trường tư thục có trình độ tiến sĩ.

Tỉ lệ học sinh

Thường thì tỉ lệ học sinh tại các trường công lập đông hơn, từ 20-25 học sinh/lớp trong khi tỉ lệ học sinh ở trường tư chi có từ 10-15 học sinh. Ở trường trung học tư, mô hình lớp học nhỏ, đội ngũ giáo viên luôn kèm cặp sát sao, kết quả học tập luôn được theo sát và điều chỉnh học sinh kịp thời, tỷ lệ học sinh đạt điểm số tốt rất cao, phù hợp cho học sinh có mục tiêu vào các trường đại học danh tiếng.

Các trường công lập bị ảnh hưởng nhiều bởi chính trị địa phương. Một số trường bị ràng buộc ngân sách trong khi các trường tư không dựa vào các quỹ thanh toán thuế, họ có nhiều tự do hơn trong vấn đề này. Nên các trường tư có cơ sở vật chất khá tốt, trang thiết bị tân tiến đều được tích hợp trong giảng dạy. Các trường tư thục đều có thư viện, nhà hát, khu thể thao luôn có chất lượng cao hơn so với các trường công khác trong khu vực.

Thủ tục nhận học sinh

Đây là một sự khác biệt rõ ràng mà chúng ta không thể không đề cập đến:

Các trường trung học công lập tại Mỹ thường chỉ dành cho học sinh bản xứ và hầu như không tiếp nhận du học sinh (DHS) quốc tế. Một số trường có tiếp nhận du học sinh quốc tế thông qua chương trình Trao đổi văn hóa (Cultural Exchange).

Thủ tục nhận học sinh
Các trường trung học công lập tại Mỹ thường chỉ dành cho học sinh bản xứ và hầu như không tiếp nhận du học sinh quốc tế. (Ảnh: joohanus.tistory.com)

Du học sinh tham gia chương trình Trao đổi văn hóa sẽ được học một năm lớp 11 hoặc lớp 12 tại trường THPT công lập, chi phí khoảng 8.000 USD. Điều trở ngại của chương trình này là dù DHS đã học lớp 11 tại Việt Nam có thể vẫn phải học lại lớp 11 ở Mỹ. Ngoài ra, DHS sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Mỹ (High school diploma). Tham gia trường THPT công lập theo chương trình Trao đổi văn hóa, DHS nhận visa J-1 (thời hạn 1 năm).

Trường tư thục có thể có các yêu cầu kiểm tra và các hình thức đánh giá khác trước khi nhập học bao gồm: Học sinh phải trong độ tuổi từ 14 đến 19 (12-13 tuổi đối với Chương trình Nội trú Trung học Cơ sở)

  • Học sinh phải tham gia bài thi SLEP (Secondary Level English Proficiency) do trường tổ chức. Điểm yêu cầu thường dao động từ 45-55, nhưng một số trường chấp nhận điểm thấp hơn và một số yêu cầu điểm cao hơn. Với những học sinh có điểm SLEP thấp hơn, nhiều trường cung cấp chương trình ESL trước khi vào học chính thức
  • Học sinh phải hoàn thành hồ sơ xin học đầy đủ. Học sinh cũng phải nộp các giấy tờ về sức khỏe, thư giới thiệu từ giáo viên gần nhất, bảng điểm và bài luận cá nhân.
  • Đối với những trường thuộc hạng top, học sinh phải nộp điểm TOEFL và điểm SSAT và điểm trung bình ở trường trên 90.
  • Học sinh phải đủ linh động và trưởng thành để sinh sống ở nước ngoài.
  • Các kỹ năng về thể thao, âm nhạc, nghệ thuật hoặc bất kỳ sở thích nào khác sẽ là điểm cộng lớn.

Các trường PTTH tư thục ở Mỹ có 2 dạng. Không nội trú: học phí trung bình từ 10-15 ngàn USD/năm. Tham gia chương trình này, nếu có thân nhân tại Mỹ, học sinh ở với gia đình của người thân, ngược lại, sẽ ở cùng với gia đình người giám hộ (Host family). Chi phí khoảng 5.000 USD/năm bao gồm ăn, ở. Dạng nội trú: học phí trung bình 40-50 ngàn USD/năm.

Đôi khi, sự khác biệt giữa trường tư và trường công có thể không ảnh hưởng đến thành công của con bạn nhiều như bạn nghĩ. Nhưng bạn cần tìm hiểu kỹ các số liệu thống kê của trường công lập hay tư thục mà bạn có thể sử dụng để cân nhắc cho quyết định của mình.

Trang Thơ