(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Cha mẹ lỗi

Diễn giải

Cha mẹ có lỗi lầm thì phải cố gắng khuyên can để cha mẹ sửa chữa, quy chính, bản thân mình cần phải có vẻ mặt hòa nhã vui vẻ, nói năng dịu dàng. Cha mẹ không nghe lời khuyên can thì phải đợi đến khi cha mẹ vui rồi khuyên can tiếp, nếu vẫn chưa được thì khóc lóc cầu xin, cho dù bị cha mẹ đánh cũng không hề có một lời oán hận.

Câu chuyện tham khảo:

Tú Trinh khuyên mẹ cứu em gái

Vào thời nhà Minh, mẹ của Dương Tú Trinh sinh liền 3 người con gái, không có con trai. Sinh người con thứ 4 cũng vẫn là gái. Bà tức giận lắm, muốn dìm chết đứa trẻ sơ sinh.

Tranh vẽ Dương Tú Trinh quỳ xuống cầu xin mẹ cứu em gái. (Ảnh qua: n.sinaimgn.cn)

Khi đó Dương Tú Trinh 13 tuổi, cô vội vàng chạy đến ôm lấy em gái rồi quỳ xuống cầu xin mẹ: “Mẹ à, vì con trai mà sát hại con gái thì càng không thể có được con trai đâu. Nếu mẹ phiền não vì phải lo của hồi môn sau này thì hãy lấy con làm của hồi môn cho em gái này”.

Bà nội chửi cô không hiểu sự đời, Tú Trinh quỳ xuống thưa với bà nội rằng: “Bà nội ngày ngày niệm Phật, bây giờ thấy người sắp chết mà không cứu thì niệm Phật để làm gì?”.

Bà nội cảm động và đã minh bạch ra, thế là giữ bé gái sơ sinh lại nuôi. Hai năm sau, mẹ Tú Trinh quả nhiên đã sinh được một bé trai.

Khi mẹ sinh em trai, cha Tú Trinh mộng thấy ông nội nói với cha rằng: “Nếu đứa con gái thứ 4 mà không giữ lại thì đứa con trai này nhất định không thể nào sinh được”.

Chính vì những lời Tú Trinh năm xưa quỳ xuống cầu xin khuyên can, lòng chí hiếu đã cảm động đến Thượng Thiên nên nhà họ Dương mới có được người nối dõi.

Phụ chú

1. Nguyên tác

親 有 過 諫 使 更
怡 吾 色 柔 吾 聲
諫 不 入 悅 復 諫
號 泣 隨 撻 無 怨

2. Âm Hán Việt

Thân hữu quá, gián sử canh
Di ngô sắc, nhu ngô thanh
Gián bất nhập, duyệt phục gián
Hào khấp tùy, thát vô oán.

3. Pinyin Hán ngữ

Qīn yǒu guò,jiàn shǐ gēng,
Yí wú sè,róu wú shēng.
Jiàn bú rù,yuè fù jiàn,
Háo qì suí,tà wú yuàn.

4. Chú thích:

– Gián: khuyên can, can ngăn
– Canh: thay đổi
– Di: ôn hòa vui vẻ
– Ngô: tôi, ta
– Sắc: sắc mặt, vẻ mặt
– Nhu: nhu hòa, dịu dàng
– Bất nhập: không tiếp thu
– Duyệt: vui vẻ
– Phục: lại
– Hào khấp: khóc lóc. Hào có nghĩa là kêu khóc lớn. Khấp có nghĩa là khóc sụt sịt
– Tùy: theo sau, theo cùng
– Thát: đánh đòn
– Oán: oán trách

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch