Trẻ em bây giờ hầu như đều là “bảo bối” trong mỗi gia đình, được ông bà cha mẹ hết mực yêu thương chăm sóc. Đôi khi diễn ra tình trạng: người lớn thì nhiều, trẻ con thì ít, nên người lớn tranh giành sự “sủng ái” của con trẻ.

Ông bà cha mẹ đôi khi thuận miệng hỏi con cháu rằng:

“Trong nhà, con yêu thương ai nhất?”

Hoặc thậm chí là:

“Giữa bố và mẹ, con thương ai nhiều hơn?”

Đằng sau câu hỏi ấy ẩn giấu kỳ vọng của người lớn được trẻ yêu thương mình hơn một chút. Thực ra, câu hỏi này vô cùng có hại, xin được chỉ ra lần lượt dưới đây.

Cái hại 1: Tự chuốc phiền não

Giả sử nếu bạn hỏi mà trẻ trả lời rằng yêu bạn nhất, thế thì có thể bạn sẽ hả hê một chút. Nhưng nếu trẻ lại nói yêu người khác nhất thì sao? Thì bạn sẽ phải thất vọng rồi! Mà sự thất vọng của bạn cũng khiến con trẻ khó hiểu và mất vui, vì chúng chỉ đơn giản là nói lên sự thật.

Đôi khi, trẻ sẽ trả lời rằng: “Con yêu tất cả mọi người như nhau!”. Khi này, bạn chớ nên nằng nặc đòi trẻ phân chia “thứ hạng” cho bằng được, ngược lại bạn nên cực kỳ vui mừng, vì lý do sẽ phân tích ở mục 3.

(Ảnh minh họa: flickr.com)

Cái hại 2: Dạy trẻ nói dối

Một số trẻ học được cách “lấy lòng” người lớn, nên bố hỏi câu này thì chúng trả lời là “yêu bố nhất”, mẹ hỏi thì nói là “yêu mẹ nhất”. Đến đây là tai vạ rồi. Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, nghĩa là: Người không có chữ tín thì chẳng làm nổi bất cứ việc gì. Con trẻ vốn chân thật, thành tín như vậy, bạn đã khiến chúng bị mất đi phẩm chất quý nhất đó rồi.

Có bậc cha mẹ nghĩ rằng: “Con mình sớm đã khôn khéo như vậy, sau này ra xã hội sẽ có lợi”. Tuy nhiên, nếu tự hỏi mình, bạn có muốn kết giao với người gian tham khéo miệng hay không? Dĩ nhiên là không. Chẳng ai muốn chơi với người nói dối, thế thì tiền đồ của bé nhất định phải được xây dựng từ đức tính chân thật này.

Cái hại 3: Khiến trẻ trở nên vị tư, hẹp hòi

Khi trẻ bị ép buộc phải cân đong đo đếm, so sánh xem yêu thương ai nhiều hơn, thì cái tâm yêu thương hồn nhiên, bình đẳng của trẻ đã bị làm cho hẹp hòi, vị tư mất rồi. Sách “Phép tắc người con” (Đệ tử quy) đời nhà Thanh có viết:

“Phàm là người, đều yêu thương.

Che cùng trời, ở cùng đất”.

Chúng ta không chỉ cần giáo dục cho bé yêu thương mọi người trong gia đình như nhau, mà tiến xa hơn cần dạy bé mở rộng tấm lòng yêu thương tới tất cả mọi người trong xã hội, yêu đến cả động vật, cỏ cây, trân quý đồ vật. Trong “Lễ Ký”, Khổng Tử nói: “Thi hành đạo lớn, cả thiên hạ là của chung”.  

Một người càng nhân hậu, càng có nhiều tình yêu thương, thì càng cảm nhận được niềm biết ơn và hạnh phúc. Ví dụ, khi bé yêu thương mẹ thì bé sẽ ngoan ngoãn, hiếu thảo với mẹ; khi bé yêu thương tất cả ông bà, cha mẹ, anh chị em, thì ở trong gia đình bé sẽ kính trọng tất cả mọi người, hành xử rất lễ phép. Nếu như bé yêu thương mọi người xung quanh, thế thì bé đi đến đâu cũng có thể cung kính lễ độ, hoà ái, biết giúp đỡ và chia sẻ. Yêu thương động vật và cỏ cây, bé sẽ cẩn thận không làm tổn thương chúng. Yêu thương đồ vật, bé sẽ giữ gìn không lãng phí…

(Ảnh minh họa: flickr.com)

Bồi dưỡng tấm lòng yêu thương rộng khắp từ bé thơ, lớn lên tiền đồ sẽ rộng mở

Phạm Trọng Yêm là Tể tướng của triều nhà Tống, từ nhỏ ông đã có tấm lòng yêu thương hết thảy mọi người trong thiên hạ.

Có một lần, Phạm Trọng Yêm đi xem tướng, liền hỏi thầy tướng số rằng: “Ông xem giúp cháu, cháu liệu có thể làm tể tướng không ạ?”. Thầy tướng số sau một hồi kinh ngạc, liền nói với Phạm Trọng Yêm: “Cháu tuổi còn nhỏ, sao lại có khẩu khí lớn thế này?”.

Phạm Trọng Yêm thoáng chút ngại ngùng, tiếp tục nói: “Nếu không được như vậy, ông xem lại giúp cháu, xem cháu có thể làm thầy thuốc được không ạ?”.

Vị thầy tướng số nghĩ ngợi một hồi, chí nguyện sao lại thay đổi nhanh thế này, liền hỏi ông: “Tại sao cháu lại có hai chí nguyện này vậy?”.

Phạm Trọng Yêm trả lời: “Bởi vì chỉ có vị tể tướng và thầy thuốc tốt thì mới cứu được người ạ”.

Vị thầy tướng số sau khi nghe xong rất cảm động, một đứa trẻ niệm niệm đều nghĩ đến cứu người, ông lập tức nói với Phạm Trọng Yêm: “Cháu có tấm lòng thế này, thực sự là tấm lòng của quan tể tướng, cho nên sau này cháu nhất định làm được tể tướng”.

Và quả thực, Phạm Trọng Yêm đã trở thành tể tướng, hơn nữa lại còn là vị tể tướng ưu tú trong lịch sử, được nghìn đời ngợi ca.

Khiêm Từ