Walmart là chuỗi siêu thị nổi tiếng và gia tộc Walton cũng là một trong những gia tộc giàu có nhất thế giới. Nhưng ai có thể ngờ rằng, Sam Walton, người sáng lập và là chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty lớn như vậy lại để bốn người con của mình tự kiếm tiền tiêu vặt ngay từ khi còn nhỏ.

Khi bốn người con của ông còn rất nhỏ, Sam Walton đã cho con đi “làm thuê”, làm một vài việc vừa với sức của bọn trẻ. Các con ông đã biết quỳ xuống sàn cửa hàng để lau chùi, giúp cha sửa nóc nhà kho, bốc xếp những hàng hóa đơn giản… Ông bố này sẽ căn cứ vào lượng lao động của các con, căn cứ vào tiêu chuẩn của công nhân bình thường mà “phát lương” cho những đứa trẻ.

Người ta thường nói, giáo dục con nhà giàu khó hơn giáo dục con nhà nghèo rất nhiều. Trẻ em nghèo vì gia cảnh nên sớm phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, nhờ đó mà “sớm trưởng thành”, sớm lập chí. Còn con nhà giàu sống trong núi vàng non bạc nên rất khó để hiểu được rằng kiếm tiền không hề dễ dàng.

Trẻ em bây giờ phần lớn không phải lo lắng về chuyện ăn mặc hàng ngày. Nhưng cũng chính vì thế mà cha mẹ càng phải bồi dưỡng để con biết tác dụng và giá trị của đồng tiền, hình thành cho con thói quen “muốn tiêu tiền, tự mình kiếm”. Đây là bước đầu tiên dạy con quản lý tài chính của mình.

Hiểu được mối quan hệ giữa đồng tiền và công việc trong nhà

Để bồi dưỡng ý thức quản lý tài chính cho con thì ngay khi trẻ bắt đầu có thể tiêu tiền, nên để con làm chủ việc chi tiêu của mình. Nhờ đó sẽ hình thành nơi con ý thức chi tiêu hợp lý.

Ngoài việc khích lệ con tiết kiệm, cha mẹ cần để trẻ biết kiếm tiền không dễ, cho con biết tiền do đâu mà có. Cha mẹ có thể sắp xếp một số việc phù hợp để con tự kiếm tiền tiêu vặt, để chúng hiểu được rằng muốn kiếm được nhiều tiền hơn thì phải làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn.

Nếu trẻ chưa thể ra ngoài làm việc kiếm tiền, cha mẹ có thể sắp xếp công việc trong nhà phù hợp với sức của các con rồi trả công cho chúng. Những việc mà trẻ được trả lương phải ngoài công việc thường ngày của trẻ, không thể ngay cả việc vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng của mình cũng được trả thù lao. Như thế mới có thể khiến trẻ biết rằng mình cũng có nghĩa vụ nhất định trong gia đình, cần phải bỏ công sức không cầu báo đáp.

Trẻ làm những công việc vừa sức, được trả thù lao không những có được thêm tiền tiêu vặt mà còn giúp chúng có được sự rèn luyện nhất định. Quan trọng là các em hiểu được mối quan hệ giữa tiền bạc và lao động, để quan niệm “muốn tiêu tiền, tự mình kiếm” khắc sâu trong lòng, hình thành thói quen tốt “kiếm sống bằng đôi tay của chính mình”.

Giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa tiền bạc và lao động. (Ảnh: sundaykiss.com)

Để con trai “chịu nghèo”

Có câu tục ngữ rất hay rằng: “Con nhà nghèo sớm biết lo liệu”. Câu nói này đã bao hàm một triết lý giáo dục rất sâu sắc:

Chỉ có “nghèo khó” mới khiến con trai cảm nhận được mùi vị của “khổ” và “mệt”, từ đó mà nỗ lực, phấn đấu vươn lên để thoát khỏi cảnh nghèo.

Chỉ có “nghèo khổ” mới có thể khiến con trai được tôi luyện trong gian khổ, từ đó có phẩm chất kiên cường, trở thành trụ cột trong gia đình và ngoài xã hội với tinh thần bất khuất.

Vì thế, con trai phải “chịu nghèo” mới có thể khơi dậy được các khả năng gánh vác trách nhiệm trở thành trang nam nhi đầu đội trời chân đạp đất.

Một cặp vợ chồng nọ có thu nhập rất cao, có thể nói cuộc sống của họ khá an nhàn, thoải mái. Nhưng sau khi con của họ chào đời, họ bắt đầu cuộc sống “nghèo khổ”. Trong cuộc sống gia đình, họ chú ý cần cù tiết kiệm. Họ luôn nói với con, cha mẹ làm việc rất vất vả để con biết cha mẹ kiếm tiền không dễ dàng, kinh tế gia đình không dư giả.

Trước sự giáo dục theo phong cách “nghèo khổ”, con trai của họ từ nhỏ đã hình thành thói quen cần kiệm, rất ít khi đòi cha mẹ tiền tiêu vặt, cũng không tiêu tiền bừa bãi. Những thùng giấy vụn trong nhà, con nhặt từng thùng từng thùng một rồi bán phế liệu.

Nhìn con “lo liệu việc nhà” đâu ra đó, hai vợ chồng họ đều cảm thấy tin tưởng hơn vào phương pháp giáo dục con của mình. Nhờ thế mà nụ cười vui vẻ, hài lòng luôn hiện hữu trong tổ ấm của họ.

Để con trai “chịu nghèo”. (Ảnh minh họa: elmundous.com)

Để trẻ hình thành ý thức “muốn tiêu tiền, tự mình kiếm”

Trên blog cá nhân của mình, một ông bố đã giới thiệu một cách rất hay để giáo dục con cách kiếm tiền:

Sau khi con trai đi học, suốt ngày đòi tiền mua kẹo mút, nước ngọt, đồ chơi… Ban đầu khi con đòi là bố mua cho. Nhưng để con đòi là được sẽ chỉ khiến nhu cầu của con ngày càng nhiều.

Thế là người bố này quyết định áp dụng phương pháp định kỳ định lượng cho con tiền tiêu vặt. Nhưng tiền tiêu vặt của con chẳng mấy chốc mà hết, con lại hỏi xin bố. Lúc ấy, bố nghiêm túc nói: “Vẫn chưa đến lúc cho con tiền tiêu vặt, con muốn tiêu tiền thì phải tự mình kiếm!”

“Nhưng con không biết kiếm tiền!”, cậu con trai cảm thấy rất ấm ức.

“Con có thể giúp mẹ làm một số việc nhà, bố sẽ căn cứ vào việc làm của con để cho con tiền”

“Như thế là được ạ? Hay quá!”. Cậu bé vui mừng nhảy cẫng lên và bắt đầu với chiến dịch làm việc nhà kiếm tiền của mình.

Nhưng qua một thời gian, con cảm thấy làm việc nhà kiếm được quá ít tiền, hơn nữa còn rất mệt. Con yêu cầu làm công việc nhẹ nhàng hơn nhưng kiếm được nhiều tiền hơn.

Bố nghĩ một lát rồi nói: “Con có thể dùng trí óc để kiếm tiền, chỉ cần một ý kiến mà con nghĩ ra được áp dụng trong gia đình thì bố sẽ cho con tiền lương gấp 3 lần lao động chân tay. Ý kiến hay là có thể mang lại sự thuận tiện cho cuộc sống gia đình, hơn nữa còn tiết kiệm tiền”.

Kết quả, cậu bé bắt đầu động não suy nghĩ. Quả thực, con đã đưa ra rất nhiều ý kiến hay. Bây giờ, cậu bé không những yêu lao động mà còn rất thích động não suy nghĩ, tìm tòi.

Đúng là để trẻ xây dựng được ý thức “muốn tiêu tiền, tự mình kiếm”, không những có thể khiến trẻ yêu lao động, tăng cường sức khỏe mà còn khiến trẻ động não suy nghĩ, tăng thêm hiểu biết. Như thế không những có thể nhanh chóng khiến trẻ độc lập về kinh tế mà còn khiếm tâm lý của trẻ thêm vững vàng.

Để trẻ làm việc, tìm kiếm cơ hội kiếm tiền tiêu vặt không phải là chuyện “mất mặt” gì cả. Lẽ nào giáo dục một đứa trẻ yêu lao động từ nhỏ, biết được phải bỏ công sức ra mới có thu hoạch không phải là việc rất nên làm hay sao?

Tâm Bình