Mỗi đứa trẻ khi đến với thế giới này đều như một tờ giấy trắng, và cha mẹ sẽ là những người họa sĩ, nắm trong tay những cây bút vẽ đủ màu. Thế giới của con trẻ sẽ đầy màu sắc hay chỉ là một màu ảm đạm? Đều phụ thuộc vào nét vẽ của cha mẹ!

Sự giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của con trẻ. Trẻ ở mỗi từng gia đình khác nhau sẽ có tính cách biểu hiện khác nhau. Có những cha mẹ dạy dỗ nên những đứa trẻ ưu tú, từ lời nói đến việc làm, cử chỉ đều biểu hiện khiêm tốn có giáo dưỡng; lại có cha mẹ dưỡng nên những đứa trẻ hư, tính tình dễ kích động, ích kỷ…

Các chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ em cũng đã khuyên rằng, khi trẻ trong quá trình phát triển thì không nên đặt quá nhiều quy tắc hạn chế, hãy dành cho trẻ không gian tự do, và hãy đặt sự tin tưởng vào khả năng vô hạn của trẻ, bởi sự trưởng thành của trẻ là không giới hạn. Nếu trẻ làm sai thì cha mẹ điều chỉnh, hướng dẫn cho con, và nhất định không nên áp đặt con trẻ phải sống theo suy nghĩ của cha mẹ.

Có nhiều cha mẹ nhận thấy con của mình cái gì cũng không tốt, thường hay so sánh với con nhà người khác. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ. Nhiều khi cha mẹ cảm thấy đó là khuyết điểm của con mình, là điều phiền phức, nhưng không hẳn là như vậy, đôi khi đó lại là thế mạnh của con trẻ.

1. Trẻ tương đối nghịch ngợm

Trẻ nghịch ngợm là do tính tình lạc quan, hiếu động, thích khám phá. Nếu có con như vậy, cha mẹ không cần phải lo lắng. Bởi vì những đứa trẻ này có những đặc điểm nổi trội như: tay chân nhanh nhẹn, đầu óc linh hoạt, tính tình phóng khoáng, có tâm lý ổn định, vững vàng, cho nên khi gặp vấn đề hay khó khăn thì sẽ có phản ứng nhanh nhạy, rất dễ thích ứng với hoàn cảnh.

Tuy nhiên, những đứa trẻ nghịch ngợm này lại hay đi kèm với cứng đầu, và thường có chủ kiến riêng của mình, không thích sự áp đặt của người khác, vậy nên cha mẹ thường hay buồn bực, đau đầu khi giáo dục con. Vì vậy khi giáo dục con, cha mẹ nên nhẫn nại hướng dẫn hoặc gợi ý cho trẻ, không nên áp đặt hoặc ra lệnh bắt trẻ làm theo ý muốn của mình.

Trẻ nghịch ngợm thường có tính tình lạc quan, hiếu động, thích khám phá. (Ảnh: netsfilrn.org)

2. Trẻ thích nói nhiều

Có những đứa trẻ bản tính thích nói nhiều, miệng lúc nào cũng nói không dứt. Nhiều cha mẹ lại không thích như vậy, đôi khi cảm thấy thật phiền, hay la rầy con, bắt con nói ít lại. Nhưng làm như vậy, vô tình là cha mẹ đã đánh mất khả năng tích cực của con mình. Bởi vì trẻ nói nhiều là những đứa trẻ có khả năng phong phú về ngôn ngữ, năng lực biểu đạt rất mạnh mẽ, đồng thời có tính cách hướng ngoại, tự tin. Đây là những thế mạnh nổi trội của người có bản lĩnh lãnh đạo và tài năng giao tiếp tốt. Những đứa trẻ có đặc điểm này, tương lai khi ra xã hội sẽ dễ dàng hòa nhập, dễ tạo nên các mối quan hệ thân thiện, khả năng thành công cao.

Đối với những đứa trẻ này, cha mẹ nên nắm rõ tính cách của trẻ, nhìn mặt ưu điểm của con, từ đó mà có những phương pháp giáo dục đúng đắn, khuyến khích, giúp con phát huy các khả năng của mình.

3. Trẻ thích hoạt động

Có nhiều đứa trẻ có bản tính hoạt bát, hiếu động, tinh thần và thể lực dồi dào, lúc nào cũng hoạt động, chạy nhảy, không chịu ngồi yên tĩnh dù chỉ một phút. Cha mẹ đừng vì con mình như vậy mà cảm thấy buồn bực, khó chịu. Những đứa trẻ có đặc tính này thường có năng lực học tập tốt, đầu óc thông minh, tư duy nhanh nhẹn.

Đối với những đứa trẻ ưa thích hoạt động, thì bắt trẻ ngồi yên một chỗ là không thể. Cha mẹ nên nhìn nhận mặt tích cực và hướng dẫn trẻ tập trung tinh lực phát huy sở trường của mình.

4. Trẻ thích đặt câu hỏi

Những đứa trẻ thích đặt câu hỏi thường có tính hiếu kỳ, muốn tìm hiểu mọi thứ, đây là một tín hiệu rất tốt, chứng tỏ trẻ rất ham học hỏi. Cha mẹ cũng không nên bực mình khi trẻ hỏi quá nhiều, mà nên kiên nhẫn giải đáp thắc mắc của trẻ, hoặc cùng trẻ đi tìm đáp án cho vấn đề được đặt ra. Làm như vậy, vừa có thể làm hài lòng trẻ, vừa giúp trẻ có thêm kiến thức, đồng thời khơi gợi tinh thần học hỏi mạnh mẽ của trẻ.

Thích đặt câu hỏi thường là những đứa trẻ rất ham học hỏi. (Ảnh: kknews.cc)

***

Cha mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn, giáo dục trẻ. Mỗi một đứa trẻ có tính cách đặc điểm khác nhau, cho nên cũng cần có những phương pháp giáo dục khác nhau cho phù hợp với từng đặc điểm tính cách đó. Cha mẹ nên nhớ rằng, không có bất kỳ đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, vậy nên không cần phải so sánh con mình với con người khác. Cha mẹ nên tùy vào đặc điểm tính cách của con mình để có cách giáo dục phù hợp, giúp con phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, trở thành người có ích cho xã hội.

Đương nhiên, giáo dục trẻ không phải là vấn đề dễ dàng, cha mẹ cũng nên tìm hiểu và học hỏi từng bước, cũng đừng nôn nóng hay quá lo lắng, cũng không nên nghĩ đây là vấn đề phiền phức.

Con trẻ vốn rất đơn thuần và tinh khiết, trẻ đến thế giới này với cha mẹ là có duyên phận với nhau. Vậy nên cha mẹ hãy dụng tâm thương yêu, giáo dục con trẻ nên người, đem đến cho con những điều tốt đẹp và hạnh phúc nhất trên thế gian này.

Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch