Biết ơn là tình cảm tốt đẹp, là hiểu và cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ của người khác dành cho mình. Một người có lòng biết ơn cũng sẽ nhận được sự tin tưởng, yêu thương của những người xung quanh.

Biết ơn là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người

Các bậc cha mẹ thông thường chỉ biết lặng lẽ hy sinh vì con cái mà không biết cách nói chuyện, giao tiếp với con. Dần dần, trẻ cho rằng cha mẹ làm tất cả mọi việc cho mình là điều đương nhiên, là trách nhiệm, là thói quen của cha mẹ. Với suy nghĩ này, trẻ làm sao học được cách biết ơn người khác?

Bồi đắp lòng biết ơn là một quá trình lâu dài mà trong đó, bản thân trẻ dần biết quan tâm đến những người xung quanh, tôn trọng người khác và nâng cao giá trị bản thân mình. Qúa trình này không thể tách rời sự tham gia và dẫn dắt của cha mẹ.

Thực ra, giáo dục trẻ biết cảm ơn được thể hiện trong mỗi việc làm, tình huống sinh hoạt hằng ngày trong gia đình. Lòng biết ơn không phải tự nhiên mà có, hoặc được hình thành ngay lập tức, mà được nảy sinh và hình thành từ những tình huống trong cuộc sống thường ngày.

Vì vậy, cha mẹ cần thông qua những việc nhỏ hằng ngày, dạy con cách cảm ơn sự giúp đỡ của người khác, đồng thời báo đáp họ trong phạm vi năng lực của mình. Ví dụ, dạy trẻ biết giúp đỡ khi thấy cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, khi có đồ ăn ngon, dạy trẻ mời người lớn trong nhà trước.

Tích tiểu thành đại, từ những chuyện nhỏ này khiến trẻ dần dần cảm nhận thấy tình cảm của người khác dành cho mình, kích thích lòng yêu thương, dẫn dắt lòng biết ơn của trẻ.

Biết ơn là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người
Tích tiểu thành đại, từ những chuyện nhỏ khiến trẻ dần dần cảm nhận thấy tình cảm của người khác dành cho mình… (Ảnh: ocusedcollection.com)

Bồi dưỡng lòng biết ơn của trẻ như thế nào? Sau đây là một vài gợi ý giúp cha mẹ khơi dậy lòng biết ơn của trẻ:

Không để cho trẻ “cứ đòi là được”

Thực tế cho thấy, một đứa trẻ “muốn gì được nấy” sẽ không biết trân quý những gì mình đang có. Cảm giác được thỏa mãn mọi thứ một cách dễ dàng vô tình sẽ khiến trẻ mất đi lòng biết ơn với những người đáp ứng nhu cầu của trẻ, những người tạo ra thứ mà trẻ thích.

Vì thế, ngoài những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống cần có, cha mẹ không nên dễ dàng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ. Thay vào đó, hãy tạo cho trẻ cơ hội để hiểu rằng, mọi thứ trên đời không phải tự nhiên mà có nên trẻ cần phải nỗ lực cố gắng mới có được thứ mình muốn.

Tấm gương hành động của cha mẹ

Tục ngữ có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, cha mẹ và con cái sớm tối bên nhau, nên cha mẹ chính là đối tượng bắt chước của trẻ. Vì thế, việc đầu tiên cha mẹ phải là người có lòng biết ơn. Sau khi được trẻ giúp đỡ, cha mẹ cần nói cảm ơn với trẻ, khi nhận được sự giúp đỡ của người khác cha mẹ cũng nên cảm ơn họ.

Khi nghe được lời cảm ơn từ những người thân của mình, trẻ sẽ tiếp thu và sau đó sẽ tự động làm theo một cách tự giác. Việc tiếp xúc với hành động biết ơn mỗi ngày như vậy chắc chắn sẽ tạo sự ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn bất kỳ lời thuyết giảng suông.

Nói năng lễ phép, cư xử đúng mực, dành món ăn ngon nhất cho người cao tuổi trong gia đình ăn trước; luôn nhớ tặng quà ông bà, bố mẹ vào các dịp lễ, tết…; thường xuyên gọi điện thăm hỏi bố mẹ, ông bà nếu ở xa… là những ví dụ điển hình và trực quan mà cha mẹ có thể thực hiện để con trẻ có thể học theo.

Cha mẹ nên coi lời “cảm ơn” là một thói quen, biết cảm ơn mọi người, điều này sẽ ảnh hưởng ngầm đến trẻ. Biết nói cảm ơn và có lòng biết ơn là con đường đưa trẻ đến gần hơn với thành công.

Tấm gương hành động của cha mẹ
Cha mẹ là đối tượng bắt chước của trẻ. Vì thế, việc đầu tiên cha mẹ phải là người có lòng biết ơn. (Ảnh: pinterest.com)

Cùng trẻ tham gia một số hoạt động từ thiện

Mẹ có thể thường xuyên cho con tham gia một số hoạt động từ thiện như giúp đỡ các bạn nhỏ mồ côi, người già neo đơn, những hoàn cảnh đáng thương… Trước khi tham gia các hoạt động này, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu vì sao mình cần tham gia các hoạt động ấy, sau khi hoạt động kết thúc hãy cùng trẻ chia sẻ cảm tưởng.

Như vậy, trẻ sẽ nhận thức được rằng cuộc sống của bản thân may mắn và hạnh phúc biết bao, cần phải trân trọng biết bao. Từ đó trẻ sẽ biết ơn, biết trân quý thành quả lao động và công lao dưỡng dục to lớn như trời biển của cha mẹ dành cho mình. Từ tình yêu thương trong gia đình, trẻ sẽ biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những người trẻ tiếp xúc trong cuộc sống sau này.

Tạo cơ hội cảm ơn cho trẻ

Thông thường, các bậc cha mẹ sẽ coi việc học tốt và ngoan ngoãn là trách nhiệm lớn nhất của con cái khi còn nhỏ, nên họ luôn nhắc con học bài, làm bài chăm chỉ. Khi con trẻ muốn giúp bạn làm một việc gì đó, theo thói quen, bạn có thể sẽ trả lời rằng: “Con học bài/đọc sách là được rồi”. Điều đó là hoàn toàn không nên. Làm như vậy sẽ khiến con trẻ bị áp lực về việc học và “thui chột” sự biết ơn đối với bố mẹ.

Cha mẹ tuyệt đối không nên làm hết mọi việc cho con, hãy tạo cho trẻ cơ hội để con dùng cách của mình bày tỏ tình yêu đối với cha mẹ. Hãy nói với trẻ rằng, cha mẹ chăm sóc con là vì tình yêu thương trẻ vô điều kiện, cha mẹ cũng cần được trẻ an ủi và yêu thương. Khi cha mẹ nhận được tình yêu thương của trẻ, trẻ cũng có dịp thể hiện giá trị của bản thân để trẻ biết rằng mình là người có ích khi mang lại hạnh phúc cho người khác. Nhờ đó, trẻ cũng sẽ nhận lại tình yêu thương của mọi người dành cho mình.

Sẽ có một ngày trẻ lớn lên, trưởng thành và rời khỏi vòng tay cha mẹ để bước ra hòa nhập cùng xã hội. Chỉ có học cách cảm ơn, mới giúp trẻ sống yêu đời hơn, biết quan tâm đến người khác hơn và từ đó cũng nhận lại tình yêu thương quý mến của mọi người.

Tạo cơ hội cảm ơn cho trẻ
Tạo cơ hội cảm ơn cho trẻ. (Ảnh: pixabay.com)

Lòng biết ơn là khởi nguồn của đạo đức. Biết ơn không chỉ là thái độ sống tốt đẹp, mà còn là nền tảng của tình yêu và sự lương thiện. Vì thế, cha mẹ nên bồi dưỡng lòng biết ơn cho con mình từ khi con còn nhỏ. Lòng biết ơn không chỉ được răn dạy qua những lời thuyết giảng đạo lý sáo rỗng mà còn cần được răn dạy thông qua những hành động thiết thực trong cuộc sống hằng ngày.

Hồng Ân