Trẻ nhỏ có tâm lý e sợ giáo viên là việc thường xảy ra, nhất là khi bước vào năm học mới, hoặc khi kết thúc kỳ nghỉ đông, nghỉ hè phải quay lại trường học.

Cha mẹ thường dạy con phải cảnh giác với người lạ, song cũng khuyên con nên tin tưởng vào người lớn, điều này thật đúng là có chút khó khăn. Do trẻ còn nhỏ, sự phát triển của não bộ chưa đạt đến trình độ có thể phân biệt được mọi thứ, và cũng chưa thể cảm nhận nguy cơ bằng trực giác.

Các trường mẫu giáo thường hay đề nghị phụ huynh đưa trẻ đến trường để làm quen với trường lớp và giáo viên trong một thời gian nhất định, xem như là một sự chuẩn bị về mặt tâm lý để trẻ đi học không bị lo sợ, hoang mang. Đây là việc nhất định phải làm nếu muốn trẻ thoải mái vượt qua ngày đầu đến trường. Nhưng cho dù có sự chuẩn bị trước, trẻ vẫn ít nhiều cảm thấy lạ lẫm với trường học và giáo viên, cho nên các bậc phụ huynh cần phải giúp đỡ trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dưới đây là một số phương pháp giúp trẻ vượt qua tâm lý e ngại giáo viên, xin được nêu ra để các bậc phụ huynh tham khảo.

1. Không nên an ủi trẻ bằng các câu nói như: “Con đừng có sợ nhé” hoặc “Cô giáo không đáng sợ đâu”

Nếu nói như vậy, đồng nghĩa với việc phủ nhận cảm giác của trẻ, làm cho trẻ hoài nghi chính mình, khiến trẻ sẽ càng lo lắng khi giáo viên hoặc bạn bè trong lớp biểu đạt tình cảm với trẻ. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ nói ra cảm giác và thực sự lắng nghe trẻ để có những lời động viên thích hợp. Cha mẹ nhất định phải bình tĩnh, không nên tức giận hoặc trách cứ trẻ hay giáo viên, vì như vậy sẽ làm tăng thêm nỗi sợ hãi trong lòng trẻ.

2. Đừng để trẻ rơi vào nỗi sợ hãi không thoát ra được

Khi trẻ có biểu hiện sợ hãi, cha mẹ không nên tỏ ra quá mức chú ý. Tìm hiểu nguyên nhân làm cho trẻ sợ hãi, một khi trẻ nói cho cha mẹ biết nguyên nhân rồi thì phải cam đoan với trẻ rằng cha mẹ sẽ cùng với con tìm cách giải quyết nỗi sợ hãi ấy. Đồng thời, nói cho trẻ biết rằng, cha mẹ sẽ là người bảo vệ con, sẽ không cho bất cứ ai làm tổn thương đến con.

Cha mẹ không nên tỏ ra quá chú ý khi trẻ sợ hãi. (Ảnh: gohaveababy.com)

3. Có thể trẻ hoang mang sợ hãi vì những quy định của trường không giống như khi trẻ ở nhà

Lúc này, cha mẹ có thể giải thích cho con biết vì sao cần có những yêu cầu như vậy; rằng ở lớp có rất nhiều bạn nhỏ như con, nên cần phải có yêu cầu đặt ra chung cho mọi người; ai cũng phải thực hiện như vậy, không phải chỉ một mình con.

4. Có thể nói với giáo viên về nỗi sợ của trẻ, đề nghị giáo viên giúp đỡ

Các giáo viên mầm non hẳn sẽ có kinh nghiệm xử lý những tình huống này, cho nên cha mẹ cần nói chuyện với giáo viên về vấn đề của trẻ, nguyên nhân khiến trẻ sợ hãi… để giáo viên hiểu được. Đồng thời, xin ý kiến giáo viên về cách xử lý và đề nghị sự giúp đỡ từ giáo viên. Cha mẹ chú ý, khi nói chuyện không nên dùng giọng điệu lên án hay trách cứ giáo viên.

5. Đề nghị được đưa trẻ đến lớp làm quen trước khi chính thức nhập học

Trước khi nhập học chính thức, đưa trẻ đến lớp làm quen với bạn bè, giáo viên và lớp học là điều cần thiết. Nếu trẻ vẫn chưa thích nghi được thì cần xin tăng thêm thời gian làm quen, nhưng nhất định không thể kéo dài thời gian làm quen quá lâu.

Trước khi cho trẻ bước vào lớp, cha mẹ nên biểu hiện tình cảm với trẻ như hôn trẻ và nói “ba/mẹ yêu con”, “chúc con đi học vui vẻ” và hứa “chiều ba/ mẹ sẽ đón con”. Cha mẹ chú ý, khi tiễn con vào lớp thì không nên lưu lại lâu bên ngoài lớp, cũng không nên đến cửa lớp rồi dẫn con về nhà, bởi vì một khi trở thành thói quen thì trẻ sẽ dễ mất hứng khi cha mẹ rời đi.

Trước khi nhập học chính thức, đưa trẻ đến lớp làm quen với bạn bè, giáo viên và lớp học là điều cần thiết. (Ảnh: vtc.vn)

6. Dạy cho trẻ nói một cụm từ hay hát một đoạn khi cảm thấy sợ

Dạy cho trẻ nói một cụm từ đơn giản như “mình thực mạnh mẽ”, hoặc dạy trẻ hát một bài hát mà trẻ thích khi trẻ cảm thấy sợ hãi. Như vậy sẽ giúp trẻ vượt qua được tâm lý sợ hãi, đồng thời khiến trẻ tăng thêm tự tin và can đảm.

7. Đọc cho trẻ nghe những cuốn sách hướng dẫn vượt qua nỗi sợ hãi

Có rất nhiều cuốn sách hướng dẫn giúp trẻ vượt qua tâm lý sợ hãi khi bắt đầu đến trường. Cha mẹ có thể tham khảo các cuốn sách này, và chọn ra một cuốn mà mình cảm thấy phù hợp nhất với con. Hãy đọc cho trẻ nghe nội dung của cuốn sách, đồng thời cùng trẻ nghiên cứu và thảo luận về những gợi ý trong sách để có biện pháp thích hợp vượt qua sợ hãi.

8. Có thể nguyên nhân khiến trẻ sợ hãi liên quan đến vấn đề trong gia đình

Nhiều khi, biểu hiện sợ hãi của trẻ khi đến trường có liên quan đến một vài vấn đề ở gia đình. Cha mẹ cũng nên ngẫm lại xem thời gian trẻ bắt đầu đến trường và sợ hãi thì trong nhà mình có phát sinh sự kiện nào hoặc có áp lực nào ảnh hưởng đến tâm lý trẻ hay không.

Hoàn cảnh gia đình bất ổn sẽ khiến cho trẻ cảm thấy lo lắng không an toàn khi tiếp xúc với người lạ và môi trường mới. Cho nên, cha mẹ không nên cãi vã, to tiếng trước mặt con trẻ. Hãy dành cho trẻ sự quan tâm thường xuyên, để trẻ luôn cảm nhận được tình cảm cha mẹ dành cho mình, chứ không phải đến khi sợ hãi thì mới được cha mẹ chú ý. Trước khi đưa trẻ đến trường cần phải chuẩn bị mọi thứ cho trẻ thật tốt, để trẻ sẵn sàng đi học mà không phải chịu bất cứ áp lực hay căng thẳng nào.

Hãy để trẻ có tâm lý thật tốt khi đến trường. (Ảnh: thenewslens.com)

9. Đôi khi chính giáo viên hoặc hoàn cảnh trường học khiến cho trẻ cảm thấy sợ hãi

Tuy rằng loại tình huống này rất ít xảy ra, nhưng không có nghĩa là không có. Gặp trường hợp này, cha mẹ nên đề nghị được tham dự vào lớp học, để bản thân tự nhận thức và đánh giá cách giáo viên đối xử với trẻ như thế nào. Cũng có thể gặp gỡ các phụ huynh khác, chuyện trò xem thử con của những người này có gặp vấn đề như con mình hay không. Hoặc có thể liên hệ với ban giám hiệu nhà trường để nói ra những lo lắng của mình, tìm hiểu xem trong lớp học đã xảy ra chuyện gì khiến trẻ sợ hãi như vậy. Nếu xác nhận được nguyên nhân gây sợ hãi cho trẻ là từ giáo viên hay trường học (chứ không phải là do không quen với việc đến trường) thì cha mẹ nên sớm chuyển trường cho con.

Nếu đã thử các phương pháp trên nhưng trẻ vẫn sợ hãi, thậm chí biểu hiện ngày càng tăng, thì tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia để tìm nguyên nhân và phương pháp giải quyết.

Theo epochtimes.com
Minh Phúc biên dịch