Quả thật, những người làm cha làm mẹ chúng ta ai cũng có vốn sống quý giá cho riêng mình, có ai không nóng lòng muốn truyền lại cho con? Nhưng hầu hết chúng ta thường đều phạm phải một sai lầm chung…

“Dục tốc bất đạt” – Bài học dạy con của “Ngư vương”

Ở Israel, nhà nhà đều biết đến câu chuyện của người đánh cá. Chuyện kể về người đánh cá nọ có kỹ thuật đánh cá hạng nhất, được mọi người tôn là “ngư vương”. Nhưng về già, “ngư vương” rất khổ não vì kỹ thuật đánh cá của ba người con trai ông đều rất tầm thường.

Ông thường kể lể nỗi khổ tâm của mình với mọi người: “Tôi thật sự không hiểu, kỹ thuật đánh cá của tôi giỏi như thế, tại sao các con tôi lại kém cỏi như vậy? Tôi truyền dạy cho chúng từ khi chúng hiểu chuyện, từ những thứ cơ bản nhất, nói cho chúng biết làm sao giăng lưới dễ bắt được nhiều cá nhất, làm sao chèo thuyền mà không làm kinh động đến cá, làm sao dụ cá vào rọ…”.

“Khi chúng lớn lên, tôi còn dạy chúng nhận biết thủy triều, phân biệt luồng cá… Tất cả những kinh nghiệm được rút ra từ những nhọc nhằn, vất vả bao năm qua của mình tôi đều truyền lại cho chúng. Vậy mà bây giờ, kỹ thuật đánh cá của chúng thậm chí còn không bằng con cái của những cư dân hạng bét!”.

Một người đi đường, sau khi nghe ông giãi bày tâm sự, trầm ngâm hỏi:

“Có phải ông vẫn luôn nắm tay các con, hướng dẫn chúng đánh cá không?”.

“Ngư vương” thành thật trả lời: “Đúng vậy, để chúng nắm được kỹ thuật đánh cá, tôi đã dạy chúng rất kỹ, rất kiên nhẫn. Và để chúng không đi đường vòng, tôi luôn cho chúng bắt chước tôi”.

Người đi đường đúc kết: “Nói như vậy thì chỗ sai của ông đã quá rõ rồi. Ông mới chỉ truyền kỹ thuật cho các con chứ chưa cho chúng luyện tập. Đối với tài năng mà nói, không có tập luyện, rèn giũa cũng đồng nghĩa với không có kinh nghiệm thực tế, đều không thể trở thành người xuất chúng”.

Ngư vương nắm được rất nhiều kinh nghiệm và bí quyết đánh cá qua những năm tháng bể dâu của cuộc đời mình, ông muốn truyền lại vốn quý ấy cho các con trai, hy vọng họ có thể đi đường tắt, nhanh chóng trở thành vua đánh cá, thành “ngư vương” như ông. Song ông đã đi sai nước cờ dẫn đến “dục tốc bất đạt”.

Quả thật, những người làm cha làm mẹ chúng ta, ai cũng có vốn sống quý giá cho riêng mình giống như “ngư vương” kia, có ai không nóng lòng muốn truyền lại cho con? Nhưng hầu hết chúng ta đều phạm phải một sai lầm là xem thường mẫu số chung của mọi phương pháp giáo dục hiệu quả, đó là: Trải nghiệm.

“Dục tốc bất đạt” - Bài học dạy con của “Ngư vương”
“Ngư vương” không thể truyền thụ cho con được những kinh nghiệm của mình vì ông quên để chúng tự “trải nghiệm” (ảnh: pinterest.com).

Vấp ngã là quy luật tất yếu của sự trưởng thành

Mỗi người khi mới sinh ra đều giống như một tờ giấy trắng, mỗi lần trải qua một sự việc hay vấp ngã đều trở thành một bài văn sinh động trong cuộc sống. Bản thân chúng ta đều có thể viết nên cuốn tiểu thuyết cuộc đời đặc sắc, muôn màu muôn vẻ trên tờ giấy trắng của chính mình, mà không cần cha mẹ phải chấp bút viết thay. Là người làm cha làm mẹ, mỗi người ai cũng luôn lo lắng, không nỡ nhìn thấy con vấp ngã. Nhưng cha mẹ cần buông tay, rèn con như lửa thử vàng, lớn lên từ gió sương, từ bão táp mới trở thành tài giỏi và đứng vững giữa cuộc đời.

Hầu hết chúng ta khi thấy con mình đưa ra quyết định sai lầm thì đều đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt. Nhưng những lúc như thế, chúng ta càng cần phải để cho bọn trẻ có không gian suy nghĩ, đừng ép chúng đi vào ngõ cụt. Chúng ta hãy thử thay đổi tâm thái khi đối diện với vấn đề này xem sao. Khi con cái đưa ra quyết định không mang lại kết quả như mong muốn, chúng ta hãy thử vui vẻ đón nhận vì thật sự bọn trẻ đã nhận được một bài học quý giá và hình thành thói quen tự chịu trách nhiệm.

Tất nhiên, chúng ta vẫn phải dạy lẽ phải cho con, để chúng thấy rằng: Cái được – mất trước mắt không quan trọng, quan trọng là được hay mất đều phải thay đổi tính nết của mình, đó là làm một người chính trực, làm một người có lý tưởng tốt đẹp.

Con cái chúng ta cần tìm tòi và học hỏi, cần một quá trình tự điều chỉnh hành vi của bản thân, càng cần sự bao dung và thấu hiểu của người lớn, cũng cần người lớn cho chúng một không gian riêng.

Vấp ngã là quy luật tất yếu của sự trưởng thành. Sau những dịp tổng kết kinh nghiệm, tuy có cái chúng ta chưa thể đưa ra phán đoán chính xác nhưng dần dần trong quá trình trưởng thành, chúng sẽ có khả năng lựa chọn chính xác. Trong quá trình này, việc con tích lũy kinh nghiệm là rất quan trọng và cha mẹ hãy cho con cơ hội để tập đưa ra quyết định. Trong quá trình luyện tập, con không thể tránh khỏi sai lầm, nhưng chính kinh nghiệm sai lầm lại là cơ sở để sau này con đưa ra được quyết định đúng đắn.

Chúng ta mang một sinh mệnh mới đến với thế giới, là để chúng tự trải nghiệm, tự lĩnh hội. Đó chính là ý nghĩa của câu “cuộc đời là hành trình, chứ không phải đích đến”. Nhưng chúng ta thường vì lo lắng mà bóp nghẹt sự tự do của sinh mệnh ấy.   

Nếu chúng ta luôn ôm “lòng thương hại” dại dột ấy, luôn dùng “cây kéo” của mình cắt bỏ tất cả trở ngại của con cái để chúng dễ dàng có được thứ mình muốn, dễ dàng làm những việc mình thích thì các con sẽ khó có được một thân thể khỏe mạnh và tính cách kiên nhẫn trong quá trình “lăn lộn”, ngược lại còn dễ thất bại trong tương lai. Các bậc cha mẹ thật sự yêu thương con cái cần dùng sự hiểu biết của mình giúp con rèn luyện đôi cánh chắc khỏe, chứ không phải ngăn chúng chui ra khỏi cái kén. Đừng để con trẻ trở thành kẻ tầm thường khi chúng rời xa chúng ta.

Vấp ngã là quy luật tất yếu của sự trưởng thành
Cha mẹ hãy giúp con trải nghiệm và rút ra bài học từ những vấp ngã… (Ảnh: pixabay.com).

Phương pháp bồi dưỡng kỹ năng xử lý những vấn đề cho con 

1. Lắng nghe là một liều thuốc bổ. Lắng nghe không có nghĩa là cha mẹ dạy con “con cần phải làm như thế nào, con không nên làm gì”. Lắng nghe chỉ đơn giản là cha mẹ làm thính giả có lòng nhẫn nại, thấu hiểu con và vỗ về tâm hồn con lúc chúng cảm thấy tủi thân.

2. Khi con đột nhiên gặp vấn đề khó khăn, khó tránh khỏi những biểu hiện chần chừ, lưỡng lự, thậm chí còn không biết phải xử trí ra sao. Cha mẹ cần giúp con làm rõ suy nghĩ của mình, cho chúng một cơ hội trao đổi.

3. Cha mẹ cần có phản hồi kịp thời khi con tự giải quyết thành công một việc nào đó. Ngoài ra, ý kiến của cha mẹ chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là mệnh lệnh.

4. Trong cứng ngoài mềm. Đừng để cho con cảm thấy cha mẹ giám sát và điều khiển tất cả các hoạt động của chúng, nếu không cha mẹ sẽ dễ làm hao mòn khả năng tự xử lý những vấn đề của con.

5. Nếu con có bản tính nhu nhược, nhút nhát, thiếu quyết đoán, cha mẹ không nên làm con bị kích động, mà cần dẫn dắt, gợi mở cho con nói ra nỗi sợ hãi trong lòng mình, cần thông cảm với những lo lắng băn khoăn, tiếp nhận cảm nhận, đồng thời bày tỏ thái độ ủng hộ chúng. Ngoài ra cha mẹ nên tích cực đưa con đến những nơi công cộng, rèn luyện tầm nhìn của chúng, loại bỏ nỗi lo sợ đối với môi trường lạ và tăng tính thích nghi khi gặp vấn đề.

6. Cần bồi dưỡng thói quen “tự nghĩ cách” cho con. Ban đầu phụ huynh có thể nói cho con biết cách làm thế nào, nhưng quan trọng nhất là từng bước dạy kỹ năng phán đoán cho con, giúp con biết tự nghĩ cách xử lý vấn đề chứ không giúp con làm tất cả mọi vấn đề.

Bạn đang đọc bài viết: “Nghệ thuật giáo dục con của người Do Thái: Cho con cá không bằng cho cần câu tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__