Kiến thức nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái dường như là một kho báu vô tận mà cha mẹ luôn muốn kiếm tìm, càng tìm càng thấy thú vị, càng thấy hữu ích.

Nhà báo khoa học Helen Pearson đã chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ của mình trong chương trình “TED Talk” và đưa ra một vài gợi ý hay. Một trong những trải nghiệm của cô là dành 15 phút mỗi tối để nói chuyện với con về hoạt động trong ngày của chúng. Sau đó chúng sẽ chìm vào giấc ngủ. Điều này nghe có vẻ rất ngọt ngào và thông minh, ngoài ra cũng có nhiều lời khuyên thú vị khác mà các chuyên gia rất muốn chia sẻ với bạn.

Bright Side tổng hợp 10 lời khuyên của người có chuyên môn về cách nuôi dạy một đứa trẻ, giúp bạn trở thành cha mẹ tốt hơn như sau:

1. Hãy để bé ngủ cùng giường với bạn cho đến khi 3 tuổi

Một số nhà nghiên cứu cho rằng cách ngủ an toàn nhất đối với trẻ chính là ngủ cùng mẹ. Bác sĩ nhi khoa nhận thấy rằng để trẻ trong một phòng riêng có thể không an toàn.

Họ nghiên cứu 16 trẻ sơ sinh ngủ trong cũi và trên ngực mẹ của chúng. Kết quả chỉ ra rằng em bé ngủ một mình bị căng thẳng gấp 3 lần.

Theo các nhà khoa học, tốt nhất là em bé ngủ chung giường với mẹ đến 3 tuổi. Đồng thời, cũng có một khuyến nghị rằng cho trẻ ngủ chung giường trước 4 tháng là không an toàn lắm. Nhìn chung, nếu bạn đang ôm một đứa trẻ sơ sinh trên ngực, hãy cố gắng đừng ngủ.

2. Đừng ép con ăn nhiều hơn

Các chuyên gia khuyên rằng, hãy đặt các thực phẩm sạch trên bàn của gia đình bạn. Chỉ cần làm như vậy thôi là đủ, bạn sẽ không cần lo lắng về việc em bé đang ăn thực phẩm không an toàn hay về lượng thức ăn mà chúng ăn.

Một số cha mẹ có thể ép con ăn vì họ nghĩ rằng chúng bị đói. Nhưng tốt hơn là không gây áp lực cho trẻ về chuyện ăn uống. Chỉ cần cung cấp những thực đơn lành mạnh và để con bạn tự quyết định ăn gì.

3. Đừng hoảng sợ nếu em bé mới biết đi của bạn không muốn dùng bô

Rõ ràng là thật tốt khi không phải lãng phí tiền vào việc mua tã hàng tháng, cho nên việc dạy trẻ dùng bô là cần thiết. Tuy nhiên, theo một bác sĩ nhi khoa và tác giả của cuốn sách Baby 411, không có một độ tuổi nhất quán để trẻ bắt đầu sử dụng bô.

Điều đó tùy thuộc vào thời điểm con bạn sẵn sàng và thể hiện sự quan tâm đến việc này. Thông thường khoảng thời gian thích hợp là từ 2 đến 4 tuổi.

4. Để con tập đưa ra quyết định từ lúc mới chập chững biết đi

Ngay cả một đứa trẻ mới biết đi cũng cần học cách tự lập. Bác sĩ nhi khoa Gwenn Schurgin O’Keeffe chia sẻ rằng hướng dẫn trẻ một cách tỉ mỉ không hẳn đã là tốt.

Tốt hơn là không áp đặt ý chí của bạn lên trẻ ngay từ khi trẻ mới biết đi. Các con cần tự lựa chọn. Ví dụ, hỏi con bạn thích gì cho bữa tối, hoặc con muốn mặc áo phông màu gì .

5. Cho trẻ đi cùng khi bạn gặp bác sĩ

Hiểu biết về sức khỏe rất quan trọng, đặc biệt là khi nuôi dạy trẻ nhỏ. Trẻ em cũng nên học cách đến gặp bác sĩ và có thể tự cung cấp cho bác sĩ một số thông tin. Hãy để các con cùng đi khi bạn gặp bác sĩ của mình.

Bác sĩ Abrams nói rằng đến 6 tuổi, trẻ có thể bắt đầu trả lời một số câu hỏi trong quá trình kiểm tra. Đừng cô lập các con và đừng trả lời hộ tất cả các câu hỏi của bác sĩ. Trẻ nên hiểu rằng các con cũng có trách nhiệm với sức khỏe của mình.

6. Hãy chú ý đến bất kỳ sự thay đổi nào trong thói quen ăn uống của trẻ sơ sinh

Bác sĩ gia đình cảnh báo rằng trẻ sơ sinh thường ăn theo bữa nhất định. Vậy nếu bạn phải đánh thức em bé dậy ăn hoặc con không ăn hết suất như thường lệ thì rất có thể đó là dấu hiệu con đang bị ốm. Cũng nên chú ý đến các dấu hiệu khác như trẻ có ra mồ hôi khi ăn hay không, kiểu khóc có khác thường không hoặc con ngủ nhiều hơn mức bình thường hay không.

7. Hãy làm những điều này nếu em bé của bạn dưới 1 tuổi và nếu em bé không chịu ngừng khóc

Đôi khi bạn cảm thấy như mình đã làm hết cách mà bé vẫn khóc liên tục. Con khô ráo, đã bú no và đã ngủ đủ, nhưng vẫn khóc, vậy các chuyên gia gợi ý bạn sử dụng thử các kỹ thuật sau:

  • Nựng con trên ghế bập bênh hoặc trong vòng tay của bạn.
  • Cho con nghe nhạc nhẹ.
  • Ôm con đi bộ hoặc đặt con trong xe đẩy.
  • Chở con đi đâu đó bằng xe ô tô.
  • Ru con bằng tiếng ồn nhịp nhàng, như tiếng quạt hoặc tiếng ồn của máy rửa chén.

8. Xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng cho trẻ từ khi còn nhỏ

Một số bác sĩ cho rằng trẻ em có lòng tự trọng cao sẽ hạnh phúc hơn. Khi đó, trẻ ít nguy cơ bị suy sụp trước áp lực. Đồng thời, lòng tự trọng giúp trẻ đưa ra quyết định tốt hơn.

Vậy cha mẹ nên khen ngợi trẻ và ghi nhận những nỗ lực và thành tích của chúng. Khuyến khích con trở nên tốt hơn bằng cách:

  • Trao cho con trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi và không quên nói lời cảm ơn.
  • Dành thời gian cho trẻ. Trẻ em nên biết rằng chúng quan trọng.

9. Giả vờ rằng bạn không nhận thấy tiếng la hét khi trẻ đang nổi giận

Một đứa trẻ la hét hờn dỗi trong một cửa hàng có vẻ như là một tình huống điển hình, nhưng nhiều bậc cha mẹ còn chưa biết cách xử lý tình huống này và làm thế nào để ngăn chặn cơn giận dữ của con.

Tiến sĩ Tanya Remer Altmann nói rằng cách tốt nhất để ngăn chặn cơn giận dữ của trẻ là lờ chúng đi. Khi con bạn ở một nơi an toàn, chỉ cần nhìn đi chỗ khác. Ngay khi con bạn để ý và nhận ra rằng mình không chú ý, cháu sẽ dừng la hét.

Điều này có thể sẽ khó thực hiện vào lần đầu tiên, nhưng bạn hãy thử. Ngoài ra, mang theo một số sách và đồ chơi yêu thích để đánh lạc hướng con.

10. Lên kế hoạch cho một hoạt động vui vẻ sau khi con gặp nha sĩ

Nếu bạn đưa con đến nha sĩ, hãy cố gắng lên kế hoạch cho một số hoạt động vui vẻ ngay sau đó để biến điều cuối cùng xảy ra là những kỷ niệm đẹp. Bạn có thể hỏi con bạn những gì con muốn làm sau khi đến gặp bác sĩ nha khoa.

Bên cạnh đó, vệ sinh răng miệng là rất quan trọng và đó là điều mà bạn cần dạy cho con của bạn. Hãy để trẻ tự chọn bàn chải và kem đánh răng. Thật tốt khi đọc sách hoặc cho con xem video dành cho trẻ em nói về vệ sinh răng miệng.

Hãy chia sẻ cùng chúng tôi những kinh nghiệm nuôi con quý báu của các bạn nhé!

Theo Bright Side
Kim Cương biên dịch

Video: Câu chuyện về một bé tự kỷ biết ‘xin phép bố mẹ đi chơi’

videoinfo__video3.dkn.tv||135e05eec__