Nuôi dạy con cái là một hành trình gian nan, và làm cha mẹ là một công việc không có ngày nghỉ phép. 8 bí quyết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hoàn thành trách nhiệm nặng nề đó một cách sáng suốt và hiệu quả.

1: Để trẻ thấy hậu quả của những việc trẻ làm

Cuộc sống của nhiều ông bố, bà mẹ thường xoay quanh con cái, yêu chiều con mà vô tình khiến những đứa trẻ nghĩ rằng chúng là “trung tâm của vũ trụ”. Khi lớn lên, những đứa trẻ này chỉ biết đến mình và cho mình có quyền làm mọi thứ. Do vậy, cha mẹ phải giúp trẻ nhận ra hậu quả của những việc mình làm, giải thích cho trẻ hiểu về mọi thứ diễn ra xung quanh.

Nếu trẻ kiên quyết làm một điều gì đó, cha mẹ cũng không nên ngay lập tức can thiệp. Hãy cứ để trẻ thấy hậu quả phải chịu như thế nào. Tất nhiên, điều này không có nghĩa cha mẹ sẽ bỏ mặc con mà biết chắc hậu quả xảy ra trong khuôn khổ an toàn cho phép đối với trẻ.

Ví như, khi trẻ không chịu ăn bữa trưa, thay vì quát nạt, dọa dẫm, làm đủ mọi cách cho trẻ ăn thì cha mẹ có thể nói với trẻ rằng chúng sẽ phải nhịn đói cho đến giờ cơm tối và để trẻ nói ra quyết định của mình.

2: Để con rút ra bài học từ sai lầm

Cha mẹ yêu thương bao bọc, che trở cho con là điều đương nhiên, nhưng bao bọc quá mức có thể khiến trẻ mãi không thể trưởng thành và hình thành tính ỷ lại, phụ thuộc vào người khác.

Muốn con trở thành người biết phép tắc, đạo lý, cha mẹ cũng cần cho trẻ được phép sai và tự sửa lỗi, chịu trách nhiệm với những việc mình làm.

Đứa trẻ có thể làm sai vài câu trong bài tập về nhà hoặc bị điểm kém ở một số môn học. Nhưng điều đó không sao cả. Học từ sai lầm có thể là bài học tốt nhất trong cuộc sống.

3: Nhượng bộ, chiều con không phải là cách giáo dục hay

Nhượng bộ khi một đứa trẻ khóc lóc hoặc làm việc nhà thay cho chúng là cách nhanh và dễ dàng nhất. Nhưng cách đi “đường tắt” kiểu này sẽ dạy cho trẻ những thói quen xấu và không có tính kỷ luật.

Nếu mỗi khi trẻ nhõng nhẽo đều được đáp ứng, trẻ sẽ sử dụng thái độ này như cách thức để đạt được mong muốn của mình. Vì vậy, việc nhân nhượng của cha mẹ vô tình tạo thói quen xấu cho con.

4: Không nên hăm dọa, quát mắng, đánh đòn trẻ

Việc thường xuyên dọa nạt, đánh đòn sẽ làm tổn hại đến tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng như tâm lý của trẻ. Việc sử dụng đòn roi có thể tác động ngay lập tức đến hành vi của trẻ nhưng về lâu dài, nó sẽ không dạy cho trẻ cách cư xử đúng đắn.

Trẻ cũng sẽ học lại cách cư xử đó như một phần tính cách trong mình, ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ.

Ảnh: Pixabay.

5: Tôn trọng ý kiến của con trẻ

Những đứa trẻ cũng là những cá thể riêng biệt. Chúng cũng có nhu cầu, mong muốn và tính cách riêng. Đôi khi, trẻ sẽ cảm thấy áp lực khi phải trở nên hoàn hảo trong mắt cha mẹ. Vì vậy, chúng bắt đầu phản kháng để thể hiện sự độc lập của bản thân.

Nếu cha mẹ cảm thấy không thể đi đến thỏa thuận về những vấn đề đơn giản nhất với con thì đã đến lúc bạn nên cho con được góp phần vào việc đưa ra các quyết định.

Cha mẹ không nhất thiết phải làm theo mọi lời nói của con, nhưng việc đánh giá cao những ý kiến đó sẽ khiến con thấy mình được bố mẹ tôn trọng hơn, giúp trẻ thấy tự tin, tự chủ với bản thân mình khi quyết định việc nào đó. 

Bố mẹ thông thái là những người xem bản thân là người dẫn đường chứ không phải người bảo vệ, họ cho phép con được bước ra ngoài thế giới và trải nghiệm cuộc sống.

6: Thống nhất trong cách dạy con

Cha mẹ cần giữ thái độ chuyên nhất về những điều đúng, sai, việc nào nên làm và không nên làm… Nhờ vậy, trẻ sẽ hiểu những hành động nào là phù hợp.

Cách phản ứng của cha mẹ với các hành của trẻ không nên thay đổi khi có những yếu tố và dưới những môi trường khác nhau.

Ví dụ: Trẻ xem TV quá lâu và cha mẹ yêu cầu chúng tắt, nhưng trẻ không chịu. Nếu cha mẹ đang có tâm trạng tốt vào lúc này, họ có thể sẽ để đứa trẻ tiếp tục xem. Ngược lại khi tâm trạng không tốt, cha mẹ lại gay gắt quát đứa trẻ tắt ngay lập tức… Không nên như vậy, cần có sự thống nhất, nói một là một hai là hai.

7: Dạy trẻ trân trọng những điều tốt đẹp mình đang có

Cha mẹ luôn nỗ lực để mang lại những điều tốt đẹp nhất có thể cho con, nhưng đôi khi con lại không đánh giá cao những điều ấy. Và điều cha mẹ cần phải làm là dạy cho trẻ thực hành lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ.

Tùy vào độ tuổi mà cha mẹ sẽ có cách dạy con biết ơn khác nhau. Ví dụ đối với trẻ mẫu giáo, cha mẹ có thể dạy trẻ cách nói cảm ơn mỗi khi được mua cho món đồ gì đó. Còn đối với trẻ cấp 1, việc cố gắng học tập tốt cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn với bố mẹ.

Đối với tất cả mọi người, mọi vật xung quanh, cần dạy cho trẻ có thái độ trân trọng, cảm ơn vì những gì mình đang có.

8: Chú trọng việc nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách tốt đẹp cho trẻ, thay vì mù quáng chạy theo điểm số, vật chất

Một số bậc cha mẹ mong muốn con mình đạt điểm cao, có thành tích trong các cuộc thi và nghĩ rằng mình chỉ cần bỏ tiền để cho con tham gia các lớp học thêm, chu cấp cho con đầy đủ vật chất là trẻ sẽ trở nên giỏi giang, có cuộc sống hạnh phúc. Thực tế là, tâm hồn và nhân cách ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người nhiều hơn lượng kiến thức cụ thể. “Đức dục” cần đi trước “trí dục”, bởi vì tâm hồn và nhân cách là cái gốc, kiến thức tài năng là cái ngọn. Gốc có vững thì cành lá mới có thể xum xuê, tươi tốt được.

Ngoài ra, cha mẹ cần hiểu hơn về đặc trưng tâm sinh lý lứa tuổi và đời sống của con, dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe. Dừng những so sánh trẻ với “con nhà người ta”.

“Hãy luôn nhớ đến ‘Nuôi dạy một đứa trẻ là nhiệm vụ của một ngôi làng’, một cộng đồng tốt, một môi trường gia đình lành mạnh chính là những điều kiện tốt để con có thể phát triển. Đừng chỉ: ‘trăm sự nhờ thầy’, hãy lặng lẽ quan sát và chia sẻ cùng với con. Vì trẻ con có những nỗi khổ riêng của chúng. Và chúng cần sự hiểu biết, chia sẻ, cần sự nối kết trong tình thương yêu của thầy cô, bạn bè và cha mẹ”.
– Giảng viên Phan Thị Hồ Điệp, Báo Giáo dục & Thời đại.

Video xem thêm: Tại sao chúng ta lại tức giận?

videoinfo__video3.dkn.tv||0388e73f9__