Nếu chẳng may sau này gặp khó khăn thử thách, gặp phải những chuyện lực bất tòng tâm thì liệu con gái tôi có thể mạnh mẽ được hay không, có thể đứng lên và bước tiếp được hay không? Câu hỏi này cứ mãi giằng xé tâm can tôi…

Con gái tôi từ nhỏ đã nhút nhát, trước kia tôi nghĩ là con gái thì đương nhiên sẽ có tính cách này. Nhưng gần đây, tôi mới phát hiện khuyết điểm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến con. Đó là mỗi lần để cho bé làm một việc nào đó mà trước kia chưa từng làm, là y rằng là cô bé đùn đẩy, tìm đủ mọi lý do để từ chối. Nếu như có việc nào đó làm không tốt hoặc không đạt được mục tiêu như đã dự tính là tinh thần suy sụp, thậm chí hễ có ai định nhắc lại chuyện này là bé liền nổi giận.

Những biểu hiện này của con gái khiến tôi có suy nghĩ khác về cách giáo dục hiện đại. Nghĩ lại thì nhiều năm qua, thực sự là tôi đã quá bao bọc cho con. Mỗi khi con tự làm việc gì, tôi đều lo lắng con sẽ bị thương, tôi giúp đỡ cho bé mọi lúc mọi nơi, thậm chí còn làm thay con, khiến con mất đi cơ hội tự làm việc, tự trải nghiệm.

Thêm vào đó, con gái tôi là một cô bé có thành tích học tập tốt, luôn được thầy cô đánh giá cao, ít khi bị phê bình, được các bạn vô cùng ngưỡng mộ. Sống với tâm thái như thế, lòng tự trọng nhất định sẽ rất cao, chỉ một chút vấp ngã thôi là sẽ không thể nào chịu nổi. Tôi bắt đầu lo lắng cho con bé, một đứa trẻ như vậy sẽ càng gặp nhiều vấn đề về tâm lý. Nếu chẳng may sau này gặp thử thách, gặp phải những chuyện lực bất tòng tâm thì liệu bé có thể mạnh mẽ được hay không, có thể đứng lên và bước tiếp được hay không?

Có lần, tôi cho con gái đến học thổi sáo trúc ở cung thiếu nhi. Lúc mới đầu, con bé rất vui vẻ, hăng say tập luyện. Mặc dù, lúc con tập thổi sáo còn khá căng thẳng, thần thái chưa tự nhiên, tiếng sáo chưa được du dương cho lắm nhưng tôi luôn dùng ánh mắt trìu mến nhìn con mỗi khi luyện tập, trong lòng cũng cảm thấy say mê cùng con.

Nhưng cách đây không lâu, mỗi lần con đi học về tôi phát hiện thấy vẻ mặt của con không được tươi tỉnh, dường như đang phải chịu ấm ức gì đó. Tôi hỏi con mới biết được là con bị cô giáo phê bình, còn phạt cho đứng ở góc tường luyện sáo. Tình huống này trước giờ bé chưa bao giờ gặp phải, thế nên cô bé vô cùng buồn bã. Sau đó, bé con kiên quyết nói: “Con không đến lớp học nữa đâu!”

Nhìn bộ dạng đau khổ của con gái, tôi cũng thấy hơi lúng túng, bởi mục đích cho con học thổi sáo là để cuộc sống của con thêm phần phong phú, để con cảm thấy vui vẻ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, học kỹ năng nào đi nữa thì con người cũng phải chịu cực khổ, không khổ luyện thì sẽ không học được gì cả. Nghĩ được vậy, tôi cũng cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn.

Một chủ nhật nữa lại đến, tôi sắp xếp mọi việc như thường ngày, chuẩn bị đưa con đi học. Cô bé bắt đầu cảm thấy do dự, hình như bé đang nghĩ đến hình ảnh bị cô giáo phạt đứng ở góc tường luyện sáo, vì thế mà nhất định không chịu đi. Tôi cười và ân cần nói chuyện với con: “Con gái mẹ sao lại bỏ cuộc như vậy được? Mẹ không tin là con thổi sáo không tốt, trên đời này không có việc gì khó cả, chỉ sợ lòng người không bền mà thôi”. Nói chuyện một hồi, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được con bé thử đến lớp một lần nữa.

Ngày trước tôi chỉ đưa con đến trước cửa phòng học, rất ít khi vào trong lớp học vì bé biết mẹ rất bận nên cũng chưa bao giờ đòi hỏi mẹ vào luyện tập cùng. Lần này tôi phá lệ, đưa con vào tận phòng học.

Bước chân vào trong, tôi nhìn thấy có vài vị phụ huynh, tôi bắt đầu cảm thấy có chút áy náy. Lúc này, con gái vẫn nắm chặt tay kéo tôi lại, tôi cảm nhận được là con bé đang sợ hãi và khó xử. Cô giáo dạy con tôi cũng khoảng hơn 50 tuổi rồi, nhưng dung mạo vẫn rất xinh đẹp và đôi mắt rất có hồn. Cô nhìn thấy tôi, chợt nghĩ ngợi rồi cô cũng hiểu ra chuyện gì. Không đợi tôi lên tiếng, cô đã nhẹ nhàng bước đến nói: “Lần trước tôi có nghiêm khắc với cháu một chút, thực ra tôi chỉ muốn cháu tiến bộ nhanh hơn mà thôi”. Lúc này, con gái tôi mới thở phào nhẹ nhõm, trở về vị trí của mình lấy nhạc cụ.

Trên đường về nhà, tôi cứ thấy băn khoăn: Các bạn ở lớp phần lớn đều được cha mẹ đưa đi, có lúc còn được cha mẹ giúp đỡ, tâm lý chắc chắn là nhẹ nhàng hơn nhiều. Còn tôi vì muốn bồi dưỡng cho con tính cách mạnh mẽ và ý chí kiên cường, muốn con có thể tự học nên để con tự lo liệu. Qua đó mới thấy, trẻ nhỏ chẳng may có gặp khó khăn thất bại, người lớn chỉ bảo cho con như thế nào cũng đòi hỏi phải có nghệ thuật. Con yêu thích văn học, làm văn luôn được cô giáo khen ngợi, nhưng học thổi sáo không phải là điểm mạnh của con, trong quá trình học tập gặp khó khăn, thiếu tự tin là điều không tránh khỏi. Bởi vậy, việc cha mẹ xây dựng cho con sự tự tin, bồi dưỡng cho con tinh thần khắc phục khó khăn là điều quan trọng hơn cả.

Việc cha mẹ xây dựng cho con sự tự tin, bồi dưỡng cho con tinh thần khắc phục khó khăn là điều quan trọng hơn cả. (Ảnh minh họa: photo-ac.com)

Vì tương lai của con, tôi bắt đầu buông tay một chút, đồng thời tôi giúp con nhìn nhận những khuyết điểm của bản thân, xem xét lại bản thân để nâng cao khả năng đối phó với khó khăn và kích thích ý chí tiến thủ của con gái. Để làm được điều này tôi đã áp dụng một số kỹ năng cơ bản sau:

1. Để con gái đối mặt với khó khăn

Mỗi khi con gái gặp khó khăn hay vấp ngã, tôi vẫn thường động viên con rằng: Những khó khăn, thử thách không phải là hòn đá ngáng đường cuộc đời con mà là động lực giúp con tiếp tục tiến lên phía trước. Khó khăn hoàn toàn không đáng sợ, điều đáng sợ chính là bản thân con bị nó đánh bại. Trong cuộc đời ai cũng có lúc gặp khó khăn, nhưng điều quan trọng là ở chỗ chúng ta nhìn nhận và vượt qua chúng như thế nào. Khi con bị vấp ngã, điều nên làm không phải là khóc lóc mà cần cố gắng điều chỉnh lại cảm xúc của bản thân, nghiêm túc nhìn lại xem mình đã không làm tốt ở đâu để rút kinh nghiệm lần sau làm được tốt hơn.

2. Dạy con gái cách giải tỏa cảm xúc

Tôi hiểu rằng, đối với trẻ nhỏ không được giải tỏa cảm xúc còn đau khổ hơn cả sự chán nản khi thất bại. Vì thế, tôi đã chỉ ra một số cách để con có thể giải tỏa cảm xúc của mình như chơi thể thao, tán gẫu với bạn bè, đi dạo hay đến một nơi thoáng đãng hét lên thật to. Nhờ sự chỉ dẫn ấy mà con gái tôi nhanh chóng lấy lại cân bằng cho cảm xúc của mình.

3. Dạy con gái biến những khó khăn, vấp ngã thành động lực

Con gái thường khá nhạy cảm, khi phải trải qua những khó khăn thường nảy sinh tâm lý tiêu cực. Vì thế, mỗi lần con gặp khó khăn bế tắc nào đó mà không tự mình giải quyết được, tôi thường cùng con tìm nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Khi con tự mình khắc phục khó khăn tôi luôn dành cho con sự khẳng định và động viên đúng lúc. Nhờ thế mà con gái tôi có thể cảm nhận được niềm vui, sự hãnh diện khi thành công và cũng nhờ đó mà con ngày càng tự tin hơn, mạnh mẽ hơn.

Dạy cho con hiểu cách để biến những khó khăn, vấp ngã thành động lực. (Ảnh minh họa: wenlc.com)

4. Để con gái tự mình tìm ra phương pháp đối phó với khó khăn

Tôi vẫn thường khuyên con gái tôi rằng, sau khi con đã nhận biết được khó khăn thì con cần tìm ra cách để đối phó với nó, ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Chỉ khi nào con có hành động nhắm vào tình huống khiến mình thất bại thì mới có thể tránh được thất bại cho lần sau.

Ngoài ra, tôi cũng nói với con bé rằng, đôi khi khó khăn không hoàn toàn do mình gây nên. Đối với những việc mà bản thân mình không thể thay đổi được thì hãy để tinh thần mình được thả lỏng, đừng quá quan tâm đến chúng, con hãy nhanh chóng thoát ra khỏi cái bóng của những cảm xúc không tốt đó.

5. Bồi dưỡng cho con gái khả năng chịu đựng áp lực khi vấp ngã

Đứng trước khó khăn hay thất bại nào đó của con gái, giờ tôi không còn cuống lên như trước đây. Bởi vì, tôi biết rằng khả năng đối mặt với vấp váp của con mạnh hay yếu đều phụ thuộc vào thái độ của tôi. Nên tôi cố gắng bình tĩnh đối mặt với vấn đề của con, tôi biến thất bại ấy của con thành cơ hội để giáo dục con, từ đó giúp con sớm tự mình đứng lên, dần dần trở nên mạnh mẽ. Đồng thời, tôi cũng khuyên con nên có thái độ đúng đắn với thành công và cách nhìn nhận thất bại. Khi con bé thành công tôi chỉ khen con rằng: “Con thật chăm chỉ!”. Tôi muốn con hiểu rằng, con thành công là do con đã cố gắng, đã chuyên tâm chứ không phải là do may mắn.

Giờ tôi đã hiểu: khả năng đối mặt với vấp váp của con mạnh hay yếu đều phụ thuộc vào thái độ của tôi. (Ảnh minh họa: gahag.net)

6. Trao đổi với con nhiều hơn, phát hiện kịp thời vấn đề và định hướng đúng đắn

Ngay cả người lớn chúng ta khi có chuyện không vui, chỉ cần tâm sự với người khác thì nỗi buồn dường như cũng vơi đi. Trẻ nhỏ cũng vậy thôi, khi gặp khó khăn mà chưa tìm ra cách giải quyết, chúng cũng rất cần một người có thể chia sẻ với chúng, đặc biệt là các bé sống nội tâm. Vì thế, mỗi ngày tôi đều dành thời gian nói chuyện cùng con gái. Một mặt, là để hiểu thêm về khó khăn của con, giúp con tìm cách xử lý và giải tỏa nỗi buồn. Mặt khác, tôi có thể hiểu hơn cảm xúc của con, từ đó tìm ra những biện pháp làm giảm bớt những tổn thương mà khó khăn gây nên.

Xã hội càng ngày càng phức tạp, con gái rồi cũng giống như con trai, đều phải bước vào xã hội và cùng phải chịu áp lực ngang nhau. Cũng may là tôi đã sớm nhận ra rằng, con cũng sẽ lớn khôn và trưởng thành như mình, cũng sẽ phải vật lộn để mưu sinh, cha mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh được. Nếu như lúc nào tôi cũng bao bọc và gánh vác cho con mọi thất bại thì làm sao con chịu đựng được bất cứ khó khăn nào.

Hồng Ân