Trong bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống Tam Tự Kinh có câu “Nuôi không dạy, lỗi người cha”. Điều đó khẳng định trách nhiệm của người cha trong việc nuôi dạy con trưởng thành. Tuy nhiên, để trở thành một người cha tốt không hề đơn giản.

Ngày 3/12/1982, Phòng Tổ Danh, cậu quý tử của ngôi sao phim võ thuật Thành Long (Jackie Chan) ra đời tại Los Angeles, Mỹ. “Tổ Danh” nghĩa là làm rạng danh tổ tông, nhấn mạnh cậu là đứa con trai duy nhất nối dõi tông đường.

Thế nhưng, suốt hơn 30 năm cuộc đời, Tổ Danh lớn lên mà không có cha bên cạnh. Trong một cuộc phỏng vấn, anh từng tiết lộ mỗi năm chỉ được gặp cha một lần do Thành Long quá bận bịu.

Có lần, Thành Long biết được tâm sự của con nên nhắn riêng tài xế chuẩn bị xe cho mình. Tuy nhiên, Thành Long đến trước cổng trường đợi mãi mà không thấy con tan lớp.

Lo lắng, ông liền gọi điện cho quản gia, quản gia báo Tổ Danh vẫn đang đứng ở cổng trường đợi cha. Thành Long tìm khắp sân trường, các lớp học đều đã tan hết và học sinh đều đã về nhà mà vẫn không thấy bóng dáng con trai đâu.

Lúc này, vị quản gia mới hỏi: “Ông đang đứng ở đâu?”, Thành Long bực mình nói: “Tôi đang đứng ở trước trường tiểu học của Tổ Danh chứ đâu”. Người quản gia lặng đi rồi nhẹ nhàng đáp: “Tổ Danh đã lên trung học rồi mà”…

Vì lớn lên thiếu tình yêu thương và sự dạy bảo của cha, Phòng Tổ Danh sau này đã lún sâu vào những cuộc chơi bời trác táng. Báo chí Đài Loan nhận xét: “Cặp kè gái gú và lê la vũ trường là cuộc sống của Phòng Tổ Danh. Anh là khách mời thường xuyên của các hộp đêm đắt đỏ. Chiến tích chơi bời khác hẳn với thành tích kém cỏi của Tổ Danh trong ngành điện ảnh”.

Đến năm 2014, Phòng Tổ Danh vướng scandal hút cần sa và bị bắt giam cùng ngôi sao Đài Loan Kha Chấn Đông. Sự kiện này đặt dấu chấm hết cho danh tiếng và sự nghiệp của Phòng Tổ Danh.

Có thể nói, trước sự sa ngã của Phòng Tổ Danh, người bố Thành Long khó lòng tránh khỏi trách nhiệm. Thành Long chỉ là 1 trong 6 kiểu người cha vô tình ảnh hưởng xấu đến tương lai con cái.

1. Người cha vô tâm

Người cha vô tâm không bao giờ ngó ngàng tới con, có thể vì bận rộn công việc hoặc đơn giản vì đó là tính cách của họ. Họ thậm chí không biết con học lớp mấy, được bao nhiêu điểm, buồn vui như thế nào khi đến trường. Người cha này cũng không nắm bắt được sự thay đổi cảm xúc của con trong các giai đoạn phát triển, vì thế nên luôn coi con là “đứa trẻ ranh”, dẫn đến tâm lý không tôn trọng con.

Kiểu người cha như vậy sẽ khiến con cái có tâm lý tự ti, không biết được lợi thế, năng lực của bản thân, dẫn đến thu mình lại. Đứa trẻ, đặc biệt là các bé gái, có xu hướng yêu sớm và truy cầu những cảm xúc ấm áp, yêu thương từ bạn trai để bù đắp cho sự thiếu hụt tình cảm từ cha.

Ảnh: Pixabay

2. Người cha nóng nảy

Tuýp người cha nóng nảy không ổn định về mặt cảm xúc, thường khó kiểm soát sự bực dọc của mình, thậm chí dồn cảm xúc tiêu cực lên con cái thông qua những lời nói, hành động lỗ mãng.

Cuộc sống của người đàn ông trụ cột gia đình vốn có rất nhiều nỗi lo toan, tuy nhiên nóng nảy cáu kỉnh nói lên rằng người cha này chỉ quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của chính mình mà không lắng nghe cảm xúc của người khác, bao gồm con cái. Trẻ là con trai sẽ dần trở nên nóng nảy, bạo ngược giống bố. Ngược lại, bé gái sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi, luôn muốn trốn chạy để né tránh mọi sự chú ý dành cho mình. Khi bước vào tuổi yêu đương, cô gái sẽ có thể bị bạn trai của mình ngược đãi và rơi vào trạng thái đấu tranh giữa sự tổn thương của bản thân và tình yêu mà cô nhận được.

3. Người cha độc đoán

Có những người cha tin rằng việc “sống thay con” là tốt cho chúng, nên luôn đưa ra mọi quyết định trong cuộc đời con cái và bắt chúng phải nhất nhất tuân theo. Hệ quả là, đứa trẻ bị bó buộc vào cha, thậm chí không thể trưởng thành độc lập. Ngay cả khi đứa trẻ tự có khả năng chăm sóc chính mình, người cha vẫn yêu cầu con phải phụ thuộc, phải thông qua họ trong mọi quyết định lớn, nhỏ của đời sống.

Thực ra, trách nhiệm của bậc làm cha mẹ chỉ là chỉ dạy cho con điều hay lẽ phải, giúp con xác định hướng đi đúng đắn trong cuộc đời, chứ không phải là người “cầm lái” thay con. Mỗi một người đều có vận mệnh và ý chí riêng của mình, bản thân cha mẹ nếu buông được cái tâm muốn điều khiển, kiểm soát con cái cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản.

4. Người cha tiêu cực

Đây là những người cha yếu đuối về mặt tinh thần, có những thói quen xấu nghiêm trọng như nghiện ngập rượu chè, cờ bạc…  hoặc từng trải qua những thất bại nặng nề trong cuộc sống, dẫn đến tâm lý tiêu cực, nhìn nhận mọi việc thiếu tốt đẹp. Họ cũng có thể là người xấu, là thành phần “bên lề” xã hội, khiến con cái phải thất vọng, xấu hổ.

Trong nhiều trường hợp, hệ quả là đứa trẻ trở nên nổi loạn, sống bất chấp, quăng mình vào những thói hư tật xấu. Trẻ thậm chí tự hủy hoại hình ảnh, tương lai của mình, với ước muốn sâu xa là khiến bố chú ý tới mình nhiều hơn, bắt nguồn từ sự thiếu thốn tình cảm và quan tâm từ người bố.

5. Người cha quá cưng chiều con

Khác với 4 kiểu người cha phía trên, người cha yêu con mù quáng thường có xu hướng coi con như công chúa, hoàng tử dẫn đến cưng chiều và bảo bọc con quá mức. Vì thế, đứa con dần trở nên ích kỷ, tự coi mình là trung tâm vũ trụ, lúc nào cũng muốn người khác phải nuông chiều mình. Ở tuổi trưởng thành, khi bước vào quan hệ yêu đương, cô gái hay chàng trai này luôn đặt nhu cầu của bản thân lên trên bạn đời, khiến cho mối quan hệ bị ảnh hưởng.

Người cha yêu con đúng mực là người biết nói “không” với con cái đúng thời điểm. Cần phải dạy con biết tôn trọng người khác, cũng như tôn trọng chính mình.

6. Người cha quá kỳ vọng vào con

Tương tự như mẫu người cha số 5, người cha quá kỳ vọng vào con xuất phát từ tình yêu thương con cái mù quáng mà ảo tưởng về khả năng của trẻ, đặt mục tiêu cao quá mức. Cũng có thể vì bản thân người cha từng thất bại trong sự nghiệp, hoặc hy sinh sự nghiệp vì con, nên giờ đây dồn hết hy vọng vào đời con. Như vậy, vô hình trung sẽ tạo áp lực lên con cái, khiến chúng luôn phải gồng mình lên để đạt được kỳ vọng của cha mà thiếu cân nhắc đến năng lực, sở trường cũng như hạnh phúc của chính mình.

Ảnh: Pixabay

Khi đứa trẻ không thể đạt được kỳ vọng của cha mình, chúng dễ nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản, coi thường bản thân. Đúng ra, khi con cái đã nỗ lực hết sức, cha mẹ nên ngợi khen chúng vì nỗ lực ấy, thay vì chỉ đánh giá thành – bại thông qua kết quả tuyệt đối.

***

Cha mẹ là hình mẫu nhân cách mà con trẻ quan sát mỗi ngày và noi theo. Tâm thái của cha mẹ cũng là mảnh đất nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, phẩm chất đúng đắn cho con trẻ. Vì thế, cả cha lẫn mẹ cần tu dưỡng chính mình, giúp con cái có được hành trang tốt nhất để có tương lai hạnh phúc.

Video: Hành trình người cha chữa bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn cho con gái

videoinfo__video3.dkn.tv||5bb2f448d__