Ngoài những đặc điểm như “nói vào mặt con thay vì nói chuyện với con”, “suy nghĩ tiêu cực”, “không quản lý sự thất vọng của chính mình”, “xem thường bạn bè của con”, “dán nhãn cho con” còn những hành động, trạng thái nào bộc lộ rằng cha mẹ đang cư xử “xấu”?

Chuyện kể trên theAsianparent rằng, cô gái ấy học cấp 2 và cấp 3 ở một trường chuyên hàng đầu Hà nội, lúc nào cũng đứng đầu lớp, giành được nhiều giải thưởng khoa học, và được nhận học bổng toàn phần để học trung học ở Singapore. Sau đó nhờ kết quả học tập xuất sắc bạn tiếp tục được nhận học bổng khác tại các đại học lớn ở Singapore.

Vậy mà không ngờ trước khi bước vào Đại học, khi con đường phía trước vô cùng tươi sáng thì gia đình và bạn bè đón nhận một tin như trời giáng: bạn bị trầm cảm.

Hóa ra bạn gặp trục trặc khi gia đình liên tục ép bạn đăng ký những trường đại học danh tiếng ở Mỹ cho bằng con cái của những phụ huynh khác. Khi không đạt được nguyện vọng, bố mẹ lại liên tục chỉ trích bạn không nấu ăn giỏi như con nhà bác A, không biết thêu thùa như con nhà bác B, không xuất sắc bằng con nhà bác C… Từ nhỏ đến lớn bạn luôn sống trong sự so sánh của bố mẹ với con nhà người ta khiến bạn cảm thấy dù cố gắng bao nhiêu cũng không đủ…cho đến một ngày giọt nước làm tràn ly.

Bố mẹ bạn đã phạm sai lầm gì? Đó chính là đặc điểm thứ sáu của cha mẹ ‘xấu’.

Đặc điểm thứ sáu: So sánh con mình với người khác

Một trong những hành vi xấu nhất của cha mẹ là so sánh con mình với anh chị em hoặc bạn bè, với “con nhà người ta”, hy vọng rằng con sẽ thể hiện hành vi tốt tương tự.

Tuy nhiên theo chia sẻ của Tiến sĩ Greenberg, thay vào việc so sánh, cha mẹ nên tôn vinh cá tính của mỗi đứa trẻ; so sánh chỉ làm tổn hại lòng tự trọng và không đóng vai trò là động lực phát triển cho trẻ.

Cha mẹ xấu coi việc so sánh con mình với người khác là điều bình thường, nhưng hậu quả để lại cho con lại thật khôn lường.

Ngoài điều đó ra, cha mẹ hãy chú ý loại bỏ những cư xử ‘xấu’ khác sau đây:

Đặc điểm thứ bảy: Cha mẹ thường nói “con luôn luôn…”, “con không bao giờ…”

Trong giao tiếp với con, cha mẹ xấu hay nói những cụm từ “con luôn luôn…” hoặc “con không bao giờ…”, điều đó sẽ cản trở sự cải thiện ở con.

Hãy tránh những cụm từ tuyệt đối hóa như vậy, mà thay bằng ngôn ngữ khích lệ sự thay đổi như “dường như con đang bị thất vọng khi….” hoặc “làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau giải quyết vấn đề này?”

Đặc điểm thứ tám: Chỉ trích bản thân trước mặt con

Cha mẹ xấu thường tự trách móc bản thân vì những vấn đề rất nhỏ như cân nặng hay ngoại hình. Trong khi trẻ em luôn quan sát cha mẹ và lấy đó làm tấm gương, bao gồm cả vấn đề lòng tự trọng.

Tự làm xấu bản thân trước mặt con thực ra là một kiểu giao tiếp không hiệu quả. Nếu bạn tự nhận mình là ngu ngốc hay béo phì thì thử tưởng tượng xem, con bạn cũng có khả năng làm điều tương tự.

Tốt nhất là giữ trong im lặng những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và thay vào đó bằng ví dụ tích cực cho chúng thấy bạn biết cách chăm sóc bản thân bằng tập thể dục đều đặn hoặc có chế độ ăn hợp lý.

Đặc điểm thứ chín: Cố gắng trở thành bạn thân nhất của con

Trẻ em cần cha mẹ làm cha mẹ. Nếu cha mẹ cố gắng biến thành bạn của con thì điều đó thành tai hại.

Ví dụ điển hình của cha mẹ xấu chính là mặc quần áo giống con, kết bạn với bạn bè của con (ở mức độ không phù hợp), thậm chí tiết lộ nhiều thông tin cá nhân của mình cho con.

Sự ràng buộc giữa cha mẹ và con cái theo kiểu này sẽ tạo nên một cơ chế không lành mạnh trong đó trẻ cảm thấy có lỗi khi phát triển vượt trội hơn cha mẹ (một điều vốn tự nhiên và bình thường) còn cha mẹ lại bỏ lỡ mất cơ hội kết bạn với những người khác cùng lứa tuổi của mình.

Rõ ràng, vai trò của cha mẹ và trẻ em cần được giữ vững với các ranh giới rõ ràng để trẻ cảm thấy thoải mái và phát triển thành một người trưởng thành khỏe mạnh về tinh thần.

Đặc điểm thứ mười: Không để con tự lập

Các bậc cha mẹ có thể cảm thấy buồn khi phải nhìn con lớn lên, nhưng đó là một quá trình tự nhiên, đẹp đẽ, đầy tự hào và xen lẫn cả hoài niệm về quá khứ.

Vậy mà đối với một số cha mẹ xấu, họ lại có xu hướng chăm sóc con theo kiểu phi tự nhiên, nghĩa là kìm hãm sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Trẻ em cần phải có khả năng bắt đầu tự chăm sóc bản thân ở một độ tuổi nhất định. Tiến sĩ Greenberg giải thích, làm hết mọi thứ cho con thực sự là một hành vi nuôi dạy độc hại. Điều này khiến trẻ nghĩ rằng bạn không tin chúng có năng lực và kết quả là ngăn cản chúng phát triển các kỹ năng.

Cha mẹ nên giao những nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi cho trẻ, như cho thú cưng ăn, phơi quần áo hoặc bê bát… Cả thứ tự sinh của con (con cả, con thứ hay con út) cũng khiến con có những đặc điểm và xu hướng tính cách khác nhau, cha mẹ hãy giao việc phù hợp cho từng đứa trẻ.

Đặc điểm thứ mười một: Để hành vi của con tác động tới cảm xúc cá nhân của bạn

Có thể phụ huynh đã từng nghe con nói không thích mình, thậm chí là những lời lẽ tệ hơn. Điều này mang đến một cảm giác không thể chấp nhận được, bởi bạn là người sinh ra chúng, nuôi nấng chúng từng miếng ăn, từng giấc ngủ.

Tuy nhiên thích hay không thích là cảm xúc tự nhiên, chỉ là một phần trong quá trình phát triển của trẻ để khẳng định sự độc lập và tách biệt với cha mẹ mà thôi.

Cha mẹ xấu lại có xu hướng cá nhân hóa vấn đề này, họ cảm thấy bị tổn thương. Họ có thể phản ứng lại bằng những cư xử tiêu cực như oán hận hay im lặng triền miên. Nếu tình trạng này không cải thiện, cha mẹ hãy tìm đến chuyên gia tâm lý.

Đan Tâm

Theo Reader’s Digest

Video xem thêm: Bí quyết giữ lửa của gia đình Việt kiều Ý

videoinfo__video3.dkn.tv||8f5f80cf3__