Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đã đưa ra những dấu hiệu học sinh chứng tỏ năng lực toán của học sinh đang yếu dần.

1) Mất gốc:

Đây là biểu hiện đáng lo ngại nhất. Với hình thức thi trắc nghiệm, nhiều học sinh có thói quen làm bài ngược dẫn đến học ngược: Đi từ trên ngọn xuống, thử đáp án, thay số,… để chọn đáp án đúng. Lâu dần, học sinh mất kiến thức cơ bản.

2) Tùy tiện:

Biểu hiện này vô cùng nguy hiểm. Do quá trình làm bài trắc nghiệm, nhiều em bằng mọi cách cố tìm đáp số, trong đó có những cách không chính xác thậm chí nhắm mắt đưa chân, làm liều, làm ẩu,… hình thành thói quen tùy tiện, vô tổ chức.

3) Mất phương hướng:

Có nhiều em học sinh thậm chí không có phương pháp để giải quyết các bài toán cơ bản. Đứng trước một bài toán bình thường, nhiều em lơ ngơ, không biết bắt đầu từ đâu, thậm chí không biết mình đang làm gì…

4) Cẩu thả:

So với các thế hệ trước, học sinh ngày nay khá là cẩu thả. Các em thường không biết trình bày tuần tự và hay mắc những lỗi rất ngớ ngẩn.

Mặc dù hiện tại hình thức thi trắc nghiệm là phổ biến nhưng trong quá trình học các em cần luyện tập khả năng trình bày, tư duy logic chứ không phải học chỉ để qua kỳ thi.

5) Phụ thuộc máy tính:

Phần lớn học sinh của “thời trắc nghiệm” lệ thuộc một cách “mù quáng” vào máy tính. Bấm máy vô tội vạ, như là nô lệ của máy tính. Đi học mà không có máy tính thì vật vã, lo lắng, thậm chí … không dám làm bài.

Đáng tiếc là một số giáo viên lại cổ súy cho việc sử dụng máy tính trong bài thi trắc nghiệm Toán dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng gia tăng.

6) Lười học:

Có người nói rằng: Chúng ta đang thực hiện một nền giáo dục bôi đen. Không chỉ lười học, nhiều em còn lười suy nghĩ, ngại khó. Bài hơi dài 1 tí là bỏ, có khi không thèm đọc hết đề.

Ngày nay, hiện tượng học qua loa, học đối phó, thậm chí không học trở nên vô cùng phổ biến, nhất là với các em ý thức tự giác kém.

Thậm chí có học sinh còn tự hào khoe rằng: “Bài tập về nhà có đến 50 câu, em chỉ khoanh trong một nốt nhạc”.

7) Thiếu suy luận logic:

Mục tiêu lớn nhất của môn Toán là rèn cho học sinh tư duy logic. Mục tiêu này đang dần bị phá sản khi những lập luận có lí, sắc bén của học sinh bây giờ được coi là xa xỉ.

8) Ngây ngô khi học Toán đại học:

Vào đại học chủ yếu học tự luận, có phân tích, có chứng minh, học sinh lâu rồi không được rèn, lại hổng kiến thức cơ bản nên nhiều em gặp khó khăn.

Một số đồng nghiệp của tôi dạy Toán ở đại học cũng kêu trời về chất lượng yếu kém về Toán của sinh viên mấy năm gần đây. Có nơi còn phải bố trí giảng viên dạy lại Toán phổ thông cho sinh viên.

9) Tâm lí ỷ lại, chờ may rủi:

Hiện nay, các kì thi trong trường phổ thông phổ biến với 4 mã đề. Học sinh có nhiều cách để dò mã đề và chuyển đáp án cho nhau như: ra ám hiệu, chuyền giấy nháp, mượn thước kẻ, máy tính,…

Nhiều em trông chờ vào những sự trợ giúp đấy mà không lo học hành. Nếu không được trợ giúp vẫn còn phương án điền bừa chờ vận may. Tâm lí này hình thành một lớp người thụ động, không có chí tiến thủ.

10) Không cảm nhận được vẻ đẹp của Toán học:

Học vì điểm số khiến học sinh không còn cảm nhận được vẻ đẹp của Toán học nữa. Mục tiêu học tập của các em chỉ là điểm cao, vượt qua kỳ thi… Tất nhiên, không phải tất cả đều như vậy, nhưng số lượng những em học sinh này lại chiếm đại đa số.

Lâu dần, cảm nhận Toán học của các em cũng thui chột, thậm chí không còn phân biệt được đúng sai trong rất nhiều trường hợp đơn giản. Ví dụ như, gặp phương trình sinx = 2 vẫn cố bấm máy tính để tìm x.

Video: Có khiếm khuyết mới là vĩnh cửu, không hoàn mỹ mới gọi kiếp nhân sinh

videoinfo__video3.dkn.tv||992717e50__