Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Không biết nên bắt đầu từ đâu, cũng không biết kể về “thương cảng bậc nhất” của xứ Đàng Trong một thời thuyền neo nhộn nhịp ấy như thế nào, nên thôi đành mượn câu ca thân thương này làm lời dẫn:

“Em muốn kể anh nghe ngày em về Hội phố

Thăm ngõ nhỏ, tường hoa, mái ngói rêu phong”

(Thơ Trần Hưng Đại)

Faifo cổ kính bên những góc phố hoa. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Faifo – Có phải phố không?

– Phải phố!

Vậy gọi là ‘Faifo’ được không? Được! (Ai da, câu này là Hạ Mi nghĩ thêm thôi đó nha)

Không biết đây có được xem là lý do vì sao Faifo được đánh dấu trên bản đồ thay cho tên Lâm Ấp phố hay không, nhưng có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết địa danh “Faifo” đã ra đời trong câu đối thoại ngắn ngủi giữa du khách nước ngoài và người dân bản xứ rất dễ thương như vậy.

Hội An còn được biết đến với nhiều tên khác nhau như Đại Chiêm Hải Khẩu của Vương quốc Champa, Phố cảng Faifo của nhà nước Đại Việt, cũng từng là nơi giao thương hàng hóa sầm uất của người Việt, người Hoa, người Nhật và các nước phương Tây.

Hội An từng là cảng thị sầm uất nhất của xứ Đàng Trong. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Viết về Hội An, giáo sỹ dòng Tên người Ý Cristoforo Borri miêu tả: “Thành phố ấy gọi là Faifo, một thành phố lớn đến độ có thể nói là có 2 thành phố, một phố của người Hoa, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy”.

Nhà bác học Lê Quý Đôn miêu tả Hội An trong “Phủ biên tạp lục”: “Thuyền từ Sơn Nam (đàng Ngoài) về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa (Phú Xuân) về thì cũng chỉ có một thứ là hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam thì không thứ gì không có”.

Đúng vậy, trong quá khứ Hội An còn được xem là mốc giao quan trọng của con đường tơ lụa trên biển, là thương cảng nổi tiếng được các thương nhân người Anh, Hà Lan, Nhật Bản và người Hoa lựa chọn dựng lập thương điếm, đem những vật phẩm, hàng hóa thượng hạng từ các nơi đến trao đổi buôn bán. Thời thịnh vượng, Hội An từng là kho vàng cung cấp cho 9 đời Chúa, cùng 13 đời vua Nguyễn.

Cung đàn trên phố cổ

Hội An hôm ấy nắng và mây ngập khắp con phố. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Hội An hôm ấy, gió đưa mây mang nắng về trải dài đôi bờ sông Hoài lặng lẽ, lang thang từ góc phố này qua góc phố khác giữa những sắc hoa đủ màu đung đưa bên bức tường vàng, cả một bầu trời bình yên ôm lấy phố và người. Không còi xe inh ỏi, không ống bô khói bụi, không những chiếc xe ô tô choán hết cả phần đường; chỉ có những bánh xe đạp chậm rãi lăn đều, những bước chân thảnh thơi ngắm phố phường và hoa nắng.

Kiến trúc và cách trang trí của phố cổ là sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa đặc biệt lối kiến trúc của người Hoa. Nhiều tài liệu viết lại, rất nhiều nhà cổ tại Hội An đã được tháo dỡ từ quê hương của người Hoa Minh Hương và chở tàu sang lắp ráp.

Phố cổ Hội An nằm dọc hai bên dòng sông Thu Bồn, nổi bật bởi những nếp nhà gỗ cổ kính, phía trên lợp hàng ngói âm dương, mái cong hình máng, một hàng lợp úp xen một hàng lợp ngửa tạo thành những đường kẻ dọc theo chiều nghiêng của mái.

Ngói âm dương là một trong những kiến trúc đặc trưng của nhà cổ Hội An. Ngói âm dương có độ dày cao, cấu tạo vồng ngửa vồng úp tạo nên một khoảng trống giữ khí, thông gió cho mái nhà, do vậy nhà lợp ngói âm dương sẽ mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông; ngoài ra cấu tạo của ngói sẽ khiến nước không bị đọng trên mái.

Hàng ngói âm dương giữ hồn phố cổ. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Phong là gió, thủy là nước, phong là dương, thủy là âm, hai yếu tố quan trọng này tạo thành sinh khí của ngôi nhà. Khi lợp ngói, người ta đặt viên ngói âm và viên ngói dương xen kẽ nhau, âm dương giao hòa, vừa có thể thoát nước, lại vừa tạo nên khoảng trống giữ khí và thông gió cho ngôi nhà. Âm dương thái cực của Đạo gia từ lâu đã là một phần linh hồn trong văn hóa truyền thống của người Á Đông. Mái nhà dùng để che mưa nắng, bảo vệ con người; dùng ngói âm dương lợp mái thể hiện được tấm lòng sùng kính Đạo của người xưa, cũng như ước nguyện cầu mong Đạo sẽ giữ cho hòa khí trong gia đình luôn hài hòa, yên ấm.

Trải nắng mưa, ngói âm dương giờ đây đã trở thành chứng nhân lịch sử, cùng người Hội An chứng kiến bao biến cố thăng trầm:

“Viên ngói âm dương nhớ hồn phố cổ

Nhớ nhà Từ Đường nội cất năm xưa

Mái ngói đơn sơ trong nắng – trong mưa

Che chở đời con và linh hồn Gia Tộc”.

(Trích thơ Ngói âm dương, Sông Quê)

(Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Những ngôi nhà cổ ở Hội An đa phần được dùng vào việc buôn bán, chủ yếu là các sản phẩm đồ lưu niệm, quần áo, giày dép, túi xách, hoặc cũng có khi là những tiệm may, nhà hàng ăn uống, quán trà, tiệm cà phê… Kiến trúc nhà cổ ở Hội An được xây dựa theo kiểu kiến trúc dài sâu và hẹp rộng. Không gian phía trước nhà dùng để làm hàng quán, phía sau là dùng làm nơi ở. Các ván cửa nhà được xếp với mục đích khi đóng vào làm cửa bảo vệ, khi mở ra lại trở thành sạp bán hàng.

Nhà phố cổ thường có chiều ngang hẹp, chiều sâu dài tạo dạng hình ống, thường nối từ mặt phố này qua mặt phố kia, nhằm sử dụng cho việc buôn bán hoặc mở hàng quán. Hai cửa sổ chính được thiết kế giữa cửa ra vào, thoạt nhìn như cân xứng; nhưng thực ra chúng được bố trí rộng hẹp khác nhau, theo nguyên tắc “nam tả nữ hữu”, bên âm – bên dương cân bằng hài hòa cùng quy luật của Trời Đất.

Ghé Hội An, dù không phải là người tinh ý cũng rất dễ nhận ra một chi tiết nhỏ đặc biệt chính là đôi khúc gỗ được khắc lên những họa tiết hoa văn như âm dương ngũ hành, khi lại là long phụng chầu nguyệt,… Người Hội An gọi đó là mắt cửa còn người Hoa gọi là môn trâm hay hộ đối, là một trong những nét kiến trúc đặc trưng trong quần thể di tích nhà cổ Hội An.

“Ánh mắt trên khung cửa – Giữ ngôi nhà bình yên”. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Thời xưa, người phụ nữ thường dùng cây trâm cài tóc, những tiểu thư lá ngọc cành vàng hay quý bà giàu sang còn dùng trâm hoa tươi hoặc trâm vàng thể hiện sự cao quý mỹ lệ. Cũng như vậy, gia chủ cũng dùng trâm làm vật trang trí cổng nhà. Cổng lớn thường dùng 4 chiếc, cổng nhỏ dùng 2 chiếc.

Môn trâm của người Hoa thường có hình tròn, hình vuông, lục giác,… bên trên thường đề “cát tường như ý”, “thiên hạ thái bình”,… hay được khắc các họa tiết cây cỏ bốn mùa như mẫu đơn của mùa xuân, hoa sen của mùa hạ, hoa cúc của mùa thu và hoa mai của mùa đông, biểu thị mong ước 4 mùa đều sung túc, nhân khí thịnh vượng. Môn trâm cũng được người Hoa gọi là hộ đối, là hộ đối trong “môn đương hộ đối”, một trong những quan niệm của cổ nhân với mong ước hôn nhân hòa hợp, bền vững lâu dài thông qua các giá trị quan và nhân sinh quan.

Theo quan niệm vạn vật đều có linh, người Hội An gọi môn trâm là mắt cửa. Đôi mắt cửa giúp gia chủ tránh những tai ương, hoạn nạn; đôi mắt cửa là môn Thần canh giữ cho ngôi nhà của gia chủ, xua đuổi tà ma, lạn quỷ và đôi mắt cũng để nhắc nhở mỗi người đâu đâu cũng có mắt Thần, người làm việc gì thì Thần đều biết nên phải lo tu tâm sửa tính, đừng gian dối, lọc lừa mà mang nghiệp họa về sau. Người ta cho rằng, đây là cách người xưa dùng để giao hòa với thiên nhiên, vạn vật và thế giới tâm linh vô hình, và cũng chính từ đây làm nên cái hồn cốt của những ngôi nhà trên phố cổ.

Em muốn kể anh nghe về những con người Hội phố. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Người Hội An tao nhã

Hội An bình dị, Hội An yên bình, Hội An cổ kính,… Hội An đẹp! Đẹp từ đường phố, làng quán đến dáng đứng, dáng đi, đẹp cả đến chậu hoa trên mỗi sân thềm bậc cửa. Là vì mái ngói rêu phong, vì ngõ nhỏ hay vì tường hoa? Ngoài những kiến trúc độc đáo còn điều gì đó khiến Hội An trở nên khác biệt. Có phải cảnh vật hữu tình nên lòng người hữu ý hay bởi tâm người hoa mỹ nên biến cảnh sắc trở thành nên thơ…

Người Hội An thanh nhã. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Người ta bảo người Hội An thanh nhã. Kể cũng lạ, ở mảnh đất người buôn kẻ chợ này mà con người lại sở hữu tư chất thanh nhàn và thư thái đến ngạc nhiên; nhưng cứ xem cái thú chơi hoa, đọc báo của họ mới hiểu được phần nào. Bởi thế mà Hội An được mệnh danh là “thành phố văn hóa”. Chẳng có lẽ mà nhà văn Nguyên Ngọc từng kể rằng: “Như Hội An khi nó có, từng có và biết giữ một lớp tinh hoa cấp cao, một lớp quý tộc văn hóa như thế, có thể nhỏ thôi, có thể nghèo, nhưng là quý tộc, sang trọng, như là cái lõi vàng ròng của đời sống văn hóa chung”.

Hồn Trung Hoa trên đất Việt

Khi màn đêm dần xuống, cũng là lúc màu sắc rực rỡ của những chiếc đèn lồng được thắp lên trên mỗi dãy phố, từ hàng quán đến nhà ở, trên mỗi bậc cầu thang, đèn đường, mỗi chiếc ghe đậu bên dòng sông Hoài, sắc đèn lồng đủ loại khiến người ta cảm giác vừa lạ lại vừa thương. Hội An của người Việt mang trong mình tinh thần Hoa Hạ, mảnh đất được vun bồi bởi nền văn hóa Thần truyền suốt 5000 năm.

“Em muốn kể anh nghe những đêm rằm Hội phố – Huyền ảo, lung linh muôn ánh đèn lồng”. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Cũng dễ hiểu khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trên mảnh đất ấy, người ta không chỉ công nhận những khúc gỗ, mảng màu vôi đang mốc rêu dần theo tháng năm, mà đó còn là cả một kho tàng những đạo lý uyên thâm của nền văn hóa truyền thống cuồn cuộn chảy trong dòng sông dài của lịch sử. Mở đầu lời tựa cho cuốn sách “Đô thị cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới”, tác giả Nguyễn Trung Hiếu nhận xét rằng: “Hội An là trường hợp đặc biệt và cho đến nay chưa diễn ra lần thứ 2 trong lịch sử Việt Nam”.

Quả đúng là như vậy, Hội An đã trở thành phố cảng sầm uất mà cho đến hàng trăm năm về sau, hậu thế chưa có đời nào sánh được. Trải bao năm tháng bể dâu, tiền bạc và danh lợi rồi cũng theo người chôn vùi vào quá khứ; cảng thị thịnh vượng ngày ấy giờ đây chỉ còn giữ lại được linh hồn của Đạo bên trong những ngôi nhà cổ kính, trong nếp nghĩ và cách ăn cách ở của người Hội An.

videoinfo__video3.dkn.tv||b2607b18b__

Lên chuyến tàu đến Hội An hôm ấy, Hạ Mi và những người bạn như có dịp được bước lên cỗ máy thời gian trở về mảnh đất huy hoàng một thời của nhà nước Đại Việt. Dù chia tay đã lâu, nhưng những hạt mưa bay lất phất bên dàn hoa giấy trong vạt nắng cuối thu vẫn trọn vẹn trong kí ức Hạ Mi.

Faifo ấy sao bình yên quá đỗi…

“Có nỗi nhớ gọi em về phố Hội – Gửi cho anh một chút nắng quê nhà” (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Trái Đất, năm Mậu Tuất, tháng Giáp Tý, ngày Kỷ Mão,

Hạ Mi