Mục lục bài viết
Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng, mới có thể phán đoán phân minh sự tình; người không tự khen mình, công lao của người này mới được khẳng định; người không kiêu ngạo mới có thể thành đại sự”.
Khiêm tốn là mở lòng dung nạp người khác, tôn trọng người khác; là tinh thần không ngừng đạt đến sự hoàn mỹ khiêm nhường như hẻm núi, không ngại hạ mình thành khẩn thỉnh giáo; không vì tư lợi, không làm nổi bật bản thân, gặp người hiền đức thì học hỏi phấn đấu, gặp kẻ xấu tự kiểm điểm bản thân. Những ví dụ về tính khiêm tốn của cổ nhân không sao kể xiết, dưới đây là vài ví dụ trong đó:
Đường Nghiêu cầu người hiền, nhượng người hiền
Trong bài mở đầu cuốn “Nghiêu Điển – Thượng Thư” có mô tả Nghiêu Đức như sau: “Duẫn cung khắc nhượng, quang bị tứ biểu, cách vu thượng hạ. Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc. Bình chương bách tính, hiệp hòa vạn bang.” Nghĩa là: “Duẫn, cung, khắc, nhượng, được tứ phương ca ngợi, được lòng hết thảy trên dưới. Ước thúc đạo đức tốt đẹp, gần gũi cửu tộc. Bình ổn bách tính, hòa thuận vạn bang”. Duẫn, cung, khắc, nhượng tức là bốn đức tính thành tín, cung kính, thiện năng, khiêm nhường. Trong bốn loại mỹ đức này, đức tính khiêm tốn của Nghiêu đứng ở vị trí trung tâm, sau này hậu nhân gọi là Đạo.
Trong cuốn “Nhượng Vương – Trang Tử” có ghi chép: Nghiêu trị vì vạn dân thiên hạ, khiến bốn phương thanh bình, ông tiến cử người hiền, tín nhiệm người tài, có thể gọi là nhân tài kiệt xuất. Nhưng ông vẫn cho rằng mình chưa đủ tài năng đức độ, chỉ lo mai một nhân tài, thường tự mình vào núi sâu rừng già tra xét cẩn thận, cầu người hiền học đạo, trước sau ông từng bốn lần nhượng lại ngôi thiên tử cho những nhân sỹ hữu đạo nổi tiếng là Phương Hồi, Thiện Quyển, Phi Y, Hứa Do.
Nghiêu từng nói: “Người trong thiên hạ, người vì việc công, phàm đều là người chí công vô tư, là bậc hiền giả đáng được suy tôn, là người thực thi đại đạo của thiên hạ. Ta đức mỏng tài mọn, chỉ lo phạm lỗi với chúng sinh”. Các vị nhân sỹ hiền đức thấy Nghiêu khiêm nhường cung kính như vậy, vô cùng khâm phục mà rằng: “Một lòng lo cho dân như vậy, hèn chi thần dân tung hô là trời Nghiêu”, đều khước từ chức vị đi ẩn cư.
Nghiêu còn bái Bồ Y, một đạo sỹ trứ danh làm thầy, vô cùng cung kính với thầy, luôn giữ lễ của một đệ tử, hướng mặt về phía Bắc mà cầu học. Sau này ông nhường ngôi cho Thuấn, một người tài đức vẹn toàn. Vương Dương Minh thời Minh nói: “Sở dĩ Nghiêu Thuấn có thể là thánh nhân, chính vì sự khiêm nhường đến cảnh giới chân thành nhất, cũng chính là ‘duẫn cung khắc nhượng, ôn cung duẫn tắc’. Cho nên đạo người quân tử chính là giỏi dùng đức khiêm nhường mà chiếu sáng người khác, khiêm nhường cung kính đãi người, trước nghĩ tới người, sau mới nghĩ tới mình.”
Khổng Tử bàn việc “Bất sỉ hạ vấn” (Không ngại hỏi người dưới)
Có vị đại phu tên Khổng Ngữ nước Vệ thời Xuân Thu thông minh hiếu học, vô cùng khiêm tốn. Sau khi Khổng Ngữ qua đời, quân vương nước Vệ vì muốn người đời sau noi gương và phát huy tinh thần hiếu học của ông, nên đặc biệt phong tặng cho ông danh xưng “Văn Công”, người đời sau liền tôn vinh ông là Khổng Văn Tử.
Tử Cống, học trò của Khổng Tử, ông không hiểu hà cớ gì Khổng Ngữ lại xứng đáng được đánh giá cao như vậy, bèn hỏi Khổng Tử rằng: “Dẫu rằng học vấn và tài hoa của Khổng Ngữ rất cao nhưng còn nhiều người kiệt xuất hơn ông ta, tại sao lại ban tặng cho ông danh hiệu ‘Văn Công’?”
Khổng Tử nói: “Khổng Ngữ nỗ lực học tập, nếu có bất kỳ chỗ nào không hiểu, thì dù cho đối phương là người có địa vị hay học vấn không bằng ông, ông cũng rộng lượng khiêm nhường mà thỉnh giáo, không coi việc thỉnh giáo những người có địa vị, học vấn không bằng mình là chuyện đáng xấu hổ, đây chính là điểm khó có được. Thông minh, hiếu học, không ngại hỏi kẻ dưới, mới xứng gọi là “Văn”, do đó ban cho ông danh hiệu “Văn Công” không có gì không xứng đáng cả.”
Tử Cống liền minh bạch sự tình. Bản thân Khổng Tử cũng vậy, ông học vấn uyên thâm, nhưng vẫn khiêm tốn học hỏi người khác, làm gương cho học trò.

Gia Cát Lượng khiêm nhường nghe lời can gián
Gia Cát Lượng tài đức vẹn toàn, được hậu thế tôn xưng là “Trí Thánh”, ông cả đời cầu người hiền như khát nước, lại giỏi can gián. Sau khi đảm nhiệm chức tể tướng, ông cho xây một đài cầu người hiền tại phía Nam Thành Đô, nhằm nghênh đón nhân sỹ tứ phương, trọng dụng một lớp nhân tài trác việt tài đức vẹn toàn. Hành động này được người đương thời gọi là “đức cử” (hành động đạo đức). Trong văn võ bá quan mà ông tin dùng, có vị nhân sỹ tên Kinh Sở là nhân tài đất Thục, lại có tướng Ngụy Ngô Hàng, ông có tấm lòng bao dung bốn bể, độ lượng với mọi người, vạn vật, được người đời ngợi ca, người đương thời gọi ông là “Quan Thục đều là tuấn kiệt trong thiên hạ.”
Khi giải quyết việc quốc gia đại sự ông luôn suy nghĩ vì lợi ích chung, nghe theo những ý kiến và kiến nghị khác nhau. Ông vài lần ban hành công cáo cổ vũ tướng sĩ thẳng thắn can gián, yêu cầu mọi người phê bình những sai lầm, thiếu sót của bản thân. Ông thường khích lệ và tán thưởng những người chỉ ra và đề xuất cách trị quốc lo việc đại sự có tinh thần trung với nước, còn nói rằng nếu tất cả mọi người đều nghiêm túc, chăm chỉ, khích lệ lẫn nhau như vậy, thì hẳn “tắc lượng khả dĩ thiểu quá hỹ”(sáng suốt có thể giảm thiểu sai sót).
Ông có nói trong “Tự miễn” (Tự khích lệ) rằng: “Kiêu giả chiêu hủy, vọng giả nhẫm họa” (Kẻ kiêu ngạo tự chiêu mời diệt vong, kẻ làm bừa tự rước họa vào thân), không bao giờ ỷ công ngạo mạn, không tranh công đổ lỗi, dám gánh vác trách nhiệm, một lòng hành thiện. Trong lịch sử ghi chép ông trị nước Thục rằng: “Khoa giáo nghiêm minh, thưởng phạt tất tín, vô ác bất trừng, vô thiện bất hiển” (Khoa giáo nghiêm minh, thưởng phạt công minh, không tội ác nào không bị trừng trị, không điều thiện nào không được tuyên dương).
Vương Sưởng dạy bảo hậu bối cung kính khiêm nhường, khoan hồng rộng lượng
Tháng Giêng năm Thanh Long thứ năm triều đại Tào Ngụy (năm 237 sau Công Nguyên), Ngụy Minh đế hạ chiếu yêu cầu mỗi vị công khanh tiến cử một người tài đức cho triều đình. Thích sử Vương Sưởng của Cổn Châu đã được tiến cử.
Trong đối nhân xử thế hàng ngày, Vương Sưởng rất cẩn trọng và khiêm tốn. Ông luôn dạy bảo hậu bối của mình phải cung kính khiêm nhường, khoan hồng rộng lượng. Ông thường nói: “Sinh vật lớn nhanh, thường cũng chết nhanh; còn sinh vật phát triển chậm, thường suy vong cũng tương đối chậm hơn. Ví như vài loại thảo cỏ nào đó, buổi sáng khai hoa thì buổi chiều đã héo tàn. Còn loài tùng bách, tuy sinh trưởng chậm, nhưng dù trải qua ngày đông giá rét, cũng vẫn có thể bảo trì lâu dài không bị tàn lụi. Do vậy, khi làm việc, không nên hấp tấp mong cầu thành công. Nếu như khi làm việc có thể lấy bước lùi là bước tiến, khiêm nhường là hoạch lợi, mềm yếu là cương cường, thế thì sẽ rất ít bị thất bại. Khi có người phê bình, trước tiên chúng ta cần phải xét lại hành vi của chính mình xem có thật sự đã sai lầm không. Nếu như có, minh chứng rằng người kia đã nói đúng. Nếu không có, cũng chỉ chứng minh rằng người kia đã nói không đúng mà thôi. Nếu người kia nói đúng, đương nhiên chúng ta cần phải khiêm tốn tiếp thu. Nếu người kia nói không đúng, đối với chúng ta cũng không có gì là tổn hại. Chúng ta còn oán hận gì nữa đây?”
***
Trong “Dịch Thư” có nói: Đạo lý của trời, bất luận thế nào, mọi sự kiêu ngạo tự mãn, sẽ khiến cho người đó phải chịu thiệt thòi, còn người khiêm tốn sẽ giúp cho người đó nhận được nhiều lợi ích. Do đó những người rộng lượng, phúc ân cao dày; người lòng dạ hẹp hòi, phúc ân tất mỏng, hơn nữa khiêm nhường và kiêu ngạo, cũng là vạch ngăn giữa phúc và họa.
Con người chỉ cần có tâm cao ngạo, sẽ ngăn trở bản thân hành đức thăng tiến. Chỉ có khiêm tốn, nỗ lực đề cao làm điều nhân đức mới là ý nghĩa nhất. Vẻ đẹp khiêm tốn ôn hòa là một trong những cảnh giới cao thượng.
Thanh Ngọc
(T/H từ Minh Huệ Net)
Xem thêm:
- Virus corona chủng mới đột biến mất kiểm soát và bí quyết thoát dịch của tiền nhân
- Nữ tiến sĩ Việt tại Nhật Bản: Nội tâm thanh tịnh thì trí tuệ thăng hoa
